Thứ Ba, 01/07/2014 7:36:04 (GMT+7)

Kinh tế 6 tháng: Thoát đáy trong thách thức

Số liệu thống kê 6 tháng đầu năm cho thấy, nền kinh tế đã thoát đáy song vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức mới. Sự thoát đáy của nền kinh tế được ghi nhận bằng mức tăng trưởng GDP 5,18% trong 6 tháng đầu năm, cao hơn đáng kể so với mức tăng trưởng 4,9% của cùng kỳ năm trước và 4,38% của cùng kỳ năm 2012.

Cả ba khu vực của nền kinh tế, bao gồm công nghiệp và xây dựng, nông – lâm nghiệp – thủy sản và dịch vụ đều có mức tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm 2013, với mức tăng tương ứng 5,33%; 2,96%; và 6,01%.

Số liệu thống kê 6 tháng đầu năm cho thấy, nền kinh tế đã thoát đáy song vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức mới

Số liệu thống kê 6 tháng đầu năm cho thấy, nền kinh tế đã thoát đáy song vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức mới

Phân tích kỹ hơn, sự phục hồi của nền kinh tế còn thể hiện ở mức tăng trưởng GDP quý II cao hơn quý I (5,25% so với 5,09%).

Cùng với những con số này, vừa được Tổng cục Thống kê công bố, Ngân hàng HSBC đánh giá rằng, tăng trưởng GDP quý II là nhờ ở sản xuất. Theo HSBC,  rằng sản xuất là “ngôi sao sáng” của nền kinh tế Việt Nam trong quý II/2014; nhờ tăng trưởng của sản xuất, cộng với sức cầu về dịch vụ mạnh đã đẩy mức tăng trưởng GDP tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

HSBC cũng khá lạc quan khi cho rằng, nhiều khả năng, nền kinh tế sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2014 nhờ vào xuất khẩu và cầu nội địa tốt hơn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đưa ra nhận định, tăng trưởng GDP năm nay có khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,8%.

Mặc dù vậy, nhìn vào những diễn biến thực tại có thể thấy nền kinh tế vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức lớn. Kim ngạch xuất khẩu đã tháng thứ hai liên tiếp giảm so với tháng trước (tháng 4/2014 xuất khẩu 13,1 tỷ USD, tháng 5 giảm còn 12,4 tỷ USD và tháng 6, ước đạt 12,1 tỷ USD). Cầu nội địa vẫn chưa có nhiều cải thiện, nếu nhìn vào tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ – 6 tháng, sau khi trừ yếu tố giá cả, chỉ tăng gần 5,7%. Theo các chuyên gia kinh tế, niềm tin chưa được hồi phục của người tiêu dùng có thể khiến tốc độ tăng trưởng không được như kỳ vọng. Cầu nội địa chính là yếu tố then chốt để Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 7% trong trung hạn.

Thêm nữa, những diễn biến phức tạp trên Biển Đông có thể tác động tiêu cực tới kinh tế. Theo nhận định của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, trong trường hợp xấu nhất do tác động của tình hình Biển Đông, thương mại Việt – Trung đóng băng hoàn toàn và Việt Nam chưa tìm được thị trường thay thế, thì GDP thiệt hại khoảng 10%.

Số liệu thống kê cho thấy, nửa đầu năm nay, nhập siêu từ thị trường Trung Quốc vẫn trên đà gia tăng, với giá trị ước tính đạt 13,1 tỷ USD, tăng 21,2% (2,3 tỷ USD) so với cùng kỳ. Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch nhập khẩu trong 6 tháng lên tới 20,4 tỷ USD. Điều đó cho thấy việc tìm kiếm các giải pháp để tiến tới cân bằng cán cân thương mại với Trung Quốc là điều không dễ dàng.

Hơn thế, câu chuyện trong hiện tại không chỉ là tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, mà còn là tăng trưởng kinh tế của năm tới, khi mà thời điểm này, việc xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội năm 2015 bắt đầu rục rịch. Trong Khung hướng dẫn xây dựng Kế hoạch năm 2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ nhắc tới hai kịch bản tăng trưởng, thấp là khoảng 6%, còn cao là 6,2%. Điều đó có nghĩa rằng, kinh tế sẽ tiếp tục phục hồi, song chưa thể quay lại quỹ đạo tăng trưởng cao do phía trước vẫn còn không ít thách thức.

Theo Nguyên Đức - Báo Đầu tư