Thứ Sáu, 20/06/2014 7:28:02 (GMT+7)

Nhận diện cơ hội đầu tư vào Việt Nam

Trong khi vai trò của các thị trường mới nổi ngày càng gia tăng, Việt Nam dường như đang trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các dòng vốn quốc tế nhờ các yếu tố vĩ mô ổn định, tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ hơn và cổ phiếu đang được định giá thấp.

VIF 2014 sẽ hướng tới việc đánh giá các cơ hội đầu tư vào Việt Nam. Ảnh: Lê Toàn

VIF 2014 sẽ hướng tới việc đánh giá các cơ hội đầu tư vào Việt Nam. Ảnh: Lê Toàn

Những phân tích sau đây của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng Việt Nam sẽ giúp làm rõ nhận định này.

Xu hướng di chuyển vốn

Các thị trường mới nổi đã nhận được rất nhiều sự quan tâm cũng như các khoản đầu tư nhờ vào tầm quan trọng ngày càng gia tăng như là một động lực tăng trưởng mới của kinh tế toàn cầu. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, các nền kinh tế mới nổi sẽ tăng trưởng nhanh hơn gấp từ 2 đến 3 lần so với các quốc gia phát triển như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.

Đầu tư vào các thị trường này, do đó, mang lại suất sinh lợi kỳ vọng cao hơn. Bằng việc đầu tư vào các thị trường mới nổi, các quỹ đầu tư cũng có thể đa dạng hoá danh mục do sự phát triển kinh tế của các thị trường mới nổi có sự khác biệt khá lớn và không bị ảnh hưởng bởi tình trạng khó khăn kéo dài như của các nền kinh tế phát triển (Mỹ, Nhật Bản, EU…).

Mức tăng mạnh mẽ và thanh khoản ngày càng lớn của chỉ số MSCI trong thập niên 2000 là bằng chứng cho thấy, việc đầu tư vào các thị trường mới nổi ngày càng trở nên phổ biến và là một phần không thể thiếu trong chiến lược phân bổ vốn toàn cầu của các nhà đầu tư.

Lượng vốn lớn rút ra khỏi các thị trường mới nổi từ năm 2013 thường được cho là bị tác động bởi việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu bàn (tháng 5) và thực sự thực hiện (tháng 11) cắt giảm gói nới lỏng định lượng qua chương trình mua trái phiếu (QE tapering).

Tuy nhiên, thực tế trước khi có QE tapering vài tháng, hiện tượng rút vốn đã diễn ra. Một số người cho rằng, việc rút vốn trước khi có QE tapering này chẳng qua là do các nhà đầu tư đã chủ động hành động trước do kỳ vọng Fed sớm hay muộn sẽ cắt giảm gói QE tapering. Nhưng đừng quên rằng, năm 2011 cũng đã từng xảy ra tình trạng rút vốn khỏi các thị trường mới nổi sau khi MSCI rớt 21,7% trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 12.

Nếu nói nguyên nhân khiến vốn rút ra khỏi các thị trường mới nổi là do cắt giảm gói QE tapering thì lập luận này có vẻ đã đơn giản hoá vấn đề và không mang tính thuyết phục cao. Thực tế còn rất nhiều yếu tố quan trọng khác cần đưa vào xem xét. Trường hợp của Việt Nam sẽ phân tích bên dưới là một trong những bằng chứng cho thấy dòng vốn đến và đi không hoàn toàn do FED thực hiện hay cắt giảm QE tapering.

Nói chung, quốc gia nào có các yếu tố cơ bản vững chắc hoặc đang cải thiện như dự trữ ngoại hối tăng lên, lạm phát được kiềm chế, đồng tiền ổn định và các lựa chọn chính sách khả dĩ, thì sẽ duy trì được sự hấp dẫn so với các nước khác.

Định vị Việt Nam

Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhỏ và kém thanh khoản so với hầu hết các thị trường khác. Tổng vốn hoá của cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM chỉ có 47 tỷ USD tính đến ngày 10/6/2014, quá nhỏ so với 4.506 tỷ USD của Nhật Bản (JPX), 3.082 tỷ USD của Hồng Kông (HKEx), 822 tỷ USD của Đài Loan (TWSE), hay thậm chí 355 tỷ USD của Thái Lan (SET), 343 tỷ USD của Indonesia (IDX) và 269 tỷ USD của Philippines (PSE).

Tuy nhiên, mức độ quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đã gia tăng một cách đáng kể sau khi VN-Index tăng 22% trong năm 2013, nhờ kinh tế vĩ mô ổn định trở lại, cán cân thanh toán khoẻ mạnh hơn, dự trữ ngoại tệ tăng và tỷ giá VND/USD ổn định. Họ liên tục tích luỹ cổ phiếu Việt Nam với tổng giá trị mua ròng đạt 323 triệu USD trong năm 2013 và thêm 263 triệu USD từ đầu năm đến nay, bất chấp gói QE tapering. Cũng trong giai đoạn này, một số thị trường ASEAN như Indonesia, Philippines, Malaysia và Thái Lan đã phải chứng kiến dòng vốn bị rút ra.

Điều này phù hợp với dự báo của Maybank Kim Eng đưa ra vào tháng 7/2013 và được nhấn mạnh lại trong Báo cáo Chiến lược Việt Nam 2014. Đó là Việt Nam nằm trong số các thị trường ít bị tác động nhất so với 11 thị trường châu Á khác ngoài Nhật Bản.

Thanh khoản tăng đáng kể trên cả hai sàn TP.HCM và Hà Nội, sau khi niềm tin được cải thiện đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư nước ngoài. Giá trị giao dịch trung bình mỗi ngày trong 5 tháng đầu năm tăng lên 137 triệu USD, gần gấp đôi so với mức bình quân năm 2013.

Về giá cổ phiếu, thị trường Việt Nam vẫn hấp dẫn ngay cả khi đã tăng đến 37% kể từ đầu năm 2013 đến cuối tháng 5/2014. P/E năm 2014 và P/B hiện tại ở mức 12,7 lần và 2,1 lần, so với mức trung bình của khu vực là 15,6 lần và 1,8 lần. Chỉ số P/B bị thiên lệch bởi một vài cổ phiếu có vốn hoá lớn như GAS, VNM, MSN và VIC; chỉ 4 cổ phiếu này đã chiếm trọng số đến 44% trong rổ VN-Index.

Kinh tế tăng trưởng hơn 5% mấy năm gần đây trong bối cảnh Việt Nam đang trải qua quá trình giảm lệ thuộc tăng trưởng kinh tế từ tăng trưởng tín dụng (“deleveraging process”) là một kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, để có đủ việc làm cho lực lượng lao động hiện tại cùng với hơn 1 triệu người tham gia lực lượng này trung bình mỗi năm, cũng như để khai thác hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thì mức tăng này chưa đủ. Việt Nam cần bám sát những cải cách đang diễn ra như tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng và chi ngân sách để có thể đạt được tốc độ tăng trưởng tối thiểu 6% mỗi năm như trước đây.

Dù giá cổ phiếu hấp dẫn và thanh khoản được cải thiện, nhưng Việt Nam còn tồn tại 2 điểm yếu so với các nước khu vực.

Thứ nhất, quy mô thị trường nhỏ và giá trị giao dịch hàng ngày khiêm tốn ngay cả khi so với các thị trường như Thái Lan (1,6 tỷ USD/ngày), Singapore (1 tỷ USD/ngày), Indonesia (0,6 tỷ USD/ngày) và Philippines (0,25 tỷ USD/ngày).

Thứ hai, tính minh bạch và quản trị công ty còn kém, dù đã có nhiều quy định mới được ban hành mấy năm gần đây, nhằm nâng cao chất lượng báo cáo tài chính và siết chặt công bố thông tin.

Một số diễn tiến kỳ vọng sẽ được chứng kiến từ đây đến năm 2015 bao gồm: cổ phần hoá Vietnam Airlines, MobiFone, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (VAC), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cùng 428 doanh nghiệp khác; ban hành quy định cho phép bán vốn nhà nước dưới giá thị trường; tạo khuôn khổ cho việc ra đời các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) nội địa, chứng quyền (covered warrant), chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) và chứng khoán phái sinh; sáp nhập hai sở; và sửa đổi Thông tư 52 trong đó quy định các công ty niêm yết phải công bố thông tin bằng cả tiếng Anh.

Ý KIẾN – NHẬN ĐỊNHNhu cầu vốn cho sản xuất là rất lớn.

nguyen-duy-chinh– Ông Nguyễn Duy Chính, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Á Đại Thành

Có các nhà máy tại Hưng Yên, Nghệ An, TP.HCM…, Tân Á Đại Thành là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất hàng kim khí tiêu dùng tại Việt Nam, với các sản phẩm nổi bật: bồn nước, máy nước nóng năng lượng mặt trời, bình nước nóng, chậu rửa, sơn nội ngoại thất và thiết bị vệ sinh phòng tắm…, nên nhu cầu về vốn cho sản xuất là rất lớn.

Thời gian qua, đã có một số tổ chức tín dụng quốc tế chủ động tiếp cận và làm việc với Tập đoàn về việc cho vay vốn sản xuất. Ở góc độ doanh nghiệp, tôi cho rằng, đây là dấu hiệu khá tích cực, mở ra một hướng để doanh nghiệp gia tăng tiếp cận các nguồn vốn. Tất nhiên, để có được vốn vay từ các tổ chức nước ngoài, bên cho vay phải làm việc rất kỹ về quy mô của doanh nghiệp, doanh thu, sản lượng, tới hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tài sản thế chấp và quan trọng nhất là khả năng trả nợ.

So với các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước, thì khả năng tiếp cận vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại của khối doanh nghiệp tư nhân hạn chế hơn nhiều. Với riêng Tân Á Đại Thành, dù Tập đoàn đang tiếp tục triển khai một số dự án đầu tư mở rộng, nhưng trong ngắn hạn, chúng tôi chưa tính đến chuyện vay vốn từ các tổ chức tín dụng quốc tế. Tuy nhiên, trong dài hạn, vào thời điểm thích hợp, chắc chắn Tập đoàn sẽ cần tới nguồn vốn này.

Do vậy, việc duy trì quan hệ tốt với các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước là rất cần thiết, đặc biệt là với đặc thù doanh nghiệp sản xuất hàng kim khí tiêu dùng, trong thời điểm cần vốn lớn cho việc nhập khẩu, tích trữ nguyên liệu cho hợp đồng xuất khẩu đã ký với đối tác nước ngoài.

Cần nhiều kênh tiếp cận các nguồn vốn.

nguyen-van-khanh– Ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng thư ký Hội da giày TP.HCM

Cách đây hơn một tuần, công ty thuộc da lớn nhất thế giới là JBS (Brazil, mỗi ngày cung cấp khoảng 88.000 con da bò) đã sang Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư. Họ đã làm việc với Hiệp hội Da giày Việt Nam, Hội Da giày TP.HCM và 2 công ty chuyên về sản xuất da thuộc của Việt Nam.

Sau khi nghe chúng tôi giới thiệu tổng quan về ngành thuộc da Việt Nam trong năm 2013, JBS đã bày tỏ ý định sẽ đầu tư vào ngành này tại Việt Nam theo hai phương án: thuê đất và đầu tư 100%, hoặc đầu tư máy móc cho một công ty Việt Nam làm gia công cho họ, để cung cấp da thuộc cho thị trường Việt Nam, đón đầu cơ hội TPP.

Chúng tôi cũng vừa tiếp đoàn Đại sứ Pakistan cùng một số doanh nghiệp nước này đến tìm hiểu ngành da thuộc Việt Nam. Đại sứ Pakistan đã mời đại diện Hội Da giày TP.HCM và khoảng 6 doanh nghiệp đến tháng 9/2014 sang tìm hiểu thị trường nguyên phụ liệu da giày Pakistan. Có thể nói, nhiều doanh nghiệp da giày đang trông chờ các kênh thu hút vốn để có thể tiếp cận.

 

Theo Giang Hà - Báo Đầu tư