Các chỉ số kinh tế vĩ mô vẫn ổn định
Thông báo về tình hình kinh tế – xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, các chỉ số quan trọng như CPI, xuất nhập khẩu, sản xuất công nghiệp, việc làm đều có tăng trưởng.
Trái với lo ngại của nhiều phóng viên khi đặt câu hỏi về tình hình kinh tế có bị ảnh hưởng trước những diễn biễn phức tạp với Trung Quốc ở Biển Đông, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết: Các chỉ số kinh tế vĩ mô tháng 5 và 5 tháng đầu năm vẫn khá ổn định và có sự tăng trưởng.
Nhận định chung về tình hình kinh tế xã hội 5 tháng đầu năm Chính phủ đánh giá: “Lạm phát tiếp tục được kiềm chế, giá cả, thị trường khá ổn định, cung – cầu hang hóa được đảm bảo”.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 4,72% so với cùng kì năm ngoái.
So với tháng 12/2013 CPI tháng 5 chỉ tăng 1,08% là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua.
“Các chỉ số vĩ mô khác như xuất nhập khẩu, thu chi ngân sách, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đều đạt nhiều kết quả ổn định”, Bộ trưởng Nên cho biết.
Cụ thể, về xuất khẩu, tổng kim ngạch 5 tháng đầu năm ước đạt 58,5 tỷ USD tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước.
Qua đó đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt gần 57 tỷ USD, tăng 9,6% trong đó xuất siêu khoảng 1,65 tỷ USD.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tuy không đạt mức tăng trưởng cao, chỉ ở mức 0,4% so với cùng kỳ năm trước, với tổng vốn thực hiện đạt 4,6 tỷ USD.
Tổng vốn giải ngân có mức tăng trưởng cao hơn, đạt 5% so với cùng kỳ bằng 561 triệu USD.
“Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục có những chuyển biến tích cực với tốc độ cao hơn cùng kì”, ông Nên đánh giá.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước, công nghiệp chế biến, chế tạo cũng tăng 7,5%…
Hai chỉ số khá quan trọng là tạo việc làm mới trong nước và xuất khẩu lao động cũng
có sự tăng trưởng, đặc biệt là xuất khẩu lao động khi đạt mức tăng gần 40% so với cùng kỳ với 45,5 nghìn lượt người.
Sản xuất nông nghiệp phát triển thuận lợi và đạt nhiều kết quả; sản lượng và năng suất lúa vụ Đông Xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng cao so với cùng kỳ; khó khăn trong chăn nuôi từng bước được tháo gỡ và từng bước chuyển biến.
Khu vực dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng chung của cả nước; khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng, tính chung 5 tháng đạt 3,75 triệu người, tăng hơn 26%.
Từ những số liệu trên, cộng với các thông điệp khẳng định quyết tâm bảo đảm ổn định môi trường đầu tư mà Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra trong các diễn đàn quốc tế, trong Quốc hội cũng như phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng Nên tái khẳng định, các nhà đầu tư, người dân và doanh nghiệp có thể yên tâm vào một môi trường kinh doanh làm ăn thuận lợi tại Việt Nam.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt