Vĩnh Phúc – điểm đến của các nhà đầu tư Nhật Bản
Cùng với quan hệ hợp tác giữa hai Chính phủ Việt Nam – Nhật Bản được nâng lên thành đối tác chiến lược. Mối quan hệ giữa Vĩnh Phúc với Nhật Bản cũng ngày càng mở rộng và được củng cố, phát triển trên tất cả các lĩnh vực thông qua các hoạt động: Trao đổi đoàn, xúc tiến thu hút đầu tư, giao lưu văn hóa, hợp tác lao động, giáo dục đào tạo…
Vĩnh Phúc đã vinh dự được đón tiếp nhiều đoàn lãnh đạo của Nhật Bản tới thăm và làm việc tại tỉnh như: Đoàn Bộ Ngoại giao Nhật Bản và tổ chức NPO MizoKuforrum, đoàn Đại sứ quán do ngài Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam làm trưởng đoàn, Bộ Đất đai hạ tầng giao thông và du lịch Nhật Bản, đoàn công tác tỉnh Akita, Hiệp hội thúc đẩy quản lý khu vực Nhật Bản và nhiều đoàn cán bộ của Nhật Bản sang làm việc với các sở, ban, ngành tỉnh Vĩnh Phúc. Đồng thời, tỉnh cũng cử nhiều đoàn sang thăm hữu nghị, công tác, học tập kinh nghiệm, xúc tiến kêu gọi hợp tác đầu tư tại Nhật Bản.
Trong lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài, ngay từ khi tái lập, Vĩnh Phúc đã chú trọng triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư, giới thiệu tiềm năng, lợi thế của tỉnh nhằm kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư nước ngoài đến hoạt động đầu tư tại tỉnh. Với các giải pháp tích cực, chủ động, tạo lập môi trường đầu tư hấp dẫn, Vĩnh Phúc đã trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt là đối với các DN đến từ Nhật Bản.
Toàn tỉnh có 21 dự án đầu tư của Nhật Bản với tổng vốn đăng ký gần 700 triệu USD, đứng thứ hai về vốn đăng ký và đứng đầu về tỷ lệ vốn thực hiện trong số các nước, vùng lãnh thổ có vốn đầu tư. Các DN này chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và lắp ráp ô tô, xe máy, linh kiện điện tử, gia công cơ khí, đồ điện dân dụng…
Tốp đầu vốn đăng ký của Nhật Bản phải kể đến Công ty Honda Việt Nam đã nhiều lần tăng vốn đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, với số vốn ban đầu là 104 triệu USD (năm 1996), sau hơn 18 năm hoạt động, số vốn đăng ký đã lên tới 374 triệu USD. Từ khi thành lập đến nay, Honda Việt Nam đã đóng góp hơn 20 nghìn tỷ đồng vào ngân sách của tỉnh, tạo việc làm với thu nhập ổn định cho gần 10 nghìn lao động tại nhà máy và hàng chục nghìn lao động tại các công ty vệ tinh, hệ thống cửa hàng ủy quyền. Sản xuất và kinh doanh xe máy là lĩnh vực hoạt động đầu tiên của Honda khi vào thị trường Việt Nam; tổng doanh số xe máy bán ra đạt hơn 15 triệu chiếc, với nhiều dòng xe phù hợp với thị hiếu và tài chính của người Việt, được khách hàng đánh giá cao về chất lượng và thương hiệu.
Đứng thứ 2 là Công ty Toyota Việt Nam, DN FDI sản xuất ô tô đầu tiên tại Việt Nam cũng tăng vốn đầu tư từ 89 triệu USD ban đầu lên 140 triệu USD. Chính thức đi vào hoạt động từ năm 1996 với công suất 36.500 xe/năm, Toyota Việt Nam đã giải quyết việc làm tại chỗ cho gần 2.000 lao động. Từ khi thành lập đến nay, công ty đã đóng góp gần 3 tỷ USD cho ngân sách Nhà nước.
Đứng thứ ba trong số các nhà đầu tư Nhật Bản tại Vĩnh Phúc, Công ty sản xuất phanh Nisshin Việt Nam được đánh giá là một trong những nhà cung cấp các linh kiện phanh xe máy và ôtô lớn nhất cho thị trường Việt Nam và xuất khẩu. Công ty có tổng đầu tư là 49 triệu USD, với sản lượng 5 triệu sản phẩm/năm, doanh thu của công ty mỗi năm đạt trên 1 nghìn tỷ đồng. Thời điểm ban đầu, công ty có hơn 500 lao động, đến nay tăng lên 1.600 người. Sau 18 năm xây dựng và phát triển, Công ty phanh Nissin Việt Nam đang trở thành một mô hình DN kiểu mẫu, tạo được uy tín lớn với các đối tác và người lao động.
Ngoài ra, các DN khác của Nhật Bản như Công ty TNHH Kohsei Multipack Việt Nam với vốn đăng ký 30 triệu USD, Công ty TNHH Exedy Việt Nam với 8 triệu USD, Công ty TNHH Maruichi Sun Steel… cũng có tiến độ triển khai nhanh và hoạt động có hiệu quả; các chỉ tiêu kinh tế luôn tăng trưởng ổn định và năm sau cao hơn năm trước, đóng góp quan trọng vào thành tích phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Mới đây nhất là vào trung tuần tháng 3-2014, tại KCN Bá Thiện II (Bình Xuyên), Công ty TNHH Suzukaku Việt Nam đã tổ chức động thổ xây dựng nhà máy mới. Dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký 5 triệu USD, chủ yếu sản xuất các linh kiện cung cấp cho công nghiệp lắp ráp xe máy, ôtô, lĩnh vực đang được Vĩnh Phúc kêu gọi đầu tư, nhằm ở rộng và đẩy mạnh ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp ôtô, xe máy. Nhà máy có dây chuyền sản xuất hiện đại, thân thiện với môi trường và điều kiện môi trường làm việc tốt. Đây là dự án thứ hai của các nhà đầu tư Nhật Bản tại KCN Bá Thiện II, nâng số dự án của Nhật Bản đầu tư trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc lên 21 dự án. Theo kế hoạch, tháng 8-2014, nhà máy sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng trăm lao động. Để đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả của dự án, về phía tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất để công ty giải quyết kịp thời mọi khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai xây dựng và thực hiện dự án…
Theo báo cáo của Ban quản lý các KCN, trong quá trình hoạt động, các DN Nhật bản luôn chấp hành tốt pháp luật Việt Nam về đầu tư, môi trường lao động. Nhiều DN tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, từ thiện, tuyên truyền an toàn giao thông, xây dựng hình ảnh tốt đẹp trong cộng đồng DN tỉnh nhà. Điển hình như Công ty Toyota đã thực hiện Chương trình Toyota cùng em học an toàn giao thông, Học bổng Toyota với giá trị trên 15 triệu USD. Thương hiệu Honda Việt Nam gắn với các hoạt động: Cứu trợ khẩn cấp, ngày hội trồng rừng, xử lý và tái chế rác thải, trao học bổng cho học sinh nghèo học giỏi, cuộc thi “Ý tưởng trẻ thơ”. Năm 2013, công ty Exedy đã hỗ trợ lắp đặt thiết bị biển báo giao thông phản quang vào ban đêm nhằm giảm thiểu tai nạn tại khu vực miền núi…
Đánh giá chung về môi trường đầu tư của Vĩnh Phúc, hầu hết lãnh đạo các DN Nhật Bản đều cho rằng họ đã và đang có kế hoạch mở rộng kinh doanh ở Vĩnh Phúc dù khủng hoảng suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn tiếp diễn. Theo họ, những yếu tố “được” của môi trường đầu tư – kinh doanh ở Vĩnh Phúc nói riêng và Việt Nam nói chung chính là sự ổn định về xã hội – chính trị, dễ tuyển dụng lao động và quy mô thị trường gia tăng. Đặc biệt, các DN Nhật Bản đã lựa chọn Vĩnh Phúc là điểm dừng chân vì họ nhận thấy Vĩnh Phúc là tỉnh có nền công nghiệp phát triển và có nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn, nhất là đối với lĩnh vực công nhiệp phụ trợ; có nguồn lao động dồi dào, cơ sở hạ tầng phát triển. Khi họ đến Vĩnh Phúc đã được lãnh đạo tỉnh đón tiếp rất nồng nhiệt, các cơ quan chức năng tạo mọi điều kiện để họ hoàn thiện các thủ tục triển khai dự án một cách thuận tiện nhất và sớm nhất. Chính vì vậy, 100% dự án của Nhật Bản vào Vĩnh Phúc đều rất thành công.
Bên cạnh việc tu hút đầu tư, Vĩnh Phúc còn đẩy mạnh công tác vận động các chương trình, dự án ODA Nhật Bản. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 dự án sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản gồm: Dự án JBIC tín dụng chuyên ngành JICA-SPL V gồm 3 dự án thành phần (hệ thống thủy lợi Đôn Nhân, đường Thiện Kế – Trung Mỹ – Đập Thanh Lanh, hệ thống cấp nước thị trấn Vĩnh Tường) và Dự án cải thiện môi trường đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc sử dụng nguồn vốn ODA – JIBC Nhật Bản.
Từ hoạt động sản xuất kinh doanh và các hoạt động xã hội, các dự án đầu tư trực tiếp Nhật Bản đã thu hút gần 1 vạn lao động trên địa bàn tỉnh. Đồng thời góp phần hình thành và phát triển hệ thống các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tương đối đồng bộ trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy quá trình đô thị hóa phát triển; tăng năng suất lao động, cải thiện nguồn nhân lực; hình thành đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật có trình độ cao với tác phong công nghiệp hiện đại, kỷ luật lao động tốt. Đồng thời, mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Các DN này chính là cầu nối cho sự phát triển bền vững và ngày càng thịnh vượng giữa Vĩnh Phúc với Nhật Bản và Thế giới.
Phát huy lợi thế là địa phương có nhiều DN lớn của Nhật Bản đầu tư trên địa bàn, trong thời gian tới, Vĩnh Phúc dự định sẽ thành lập Hội Nghị sỹ hữu nghị Việt – Nhật của tỉnh nhằm tạo đầu mối quan hệ, xúc tiến thương mại thuận lợi đối với đối tác Nhật Bản. Từ đó, Vĩnh Phúc có thể tìm hiểu và tiến tới xây dựng cơ chế hợp tác chặt chẽ, thường xuyên, lâu dài với một địa phương phát triển của Nhật Bản đi liền với cơ chế phối hợp cụ thể trong từng lĩnh vực công, nông nghiệp, đào tạo nghề. Đây là hình thức hợp tác thiết thực, cùng có lợi; tạo điều kiện trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế. Vĩnh Phúc phấn đấu trở thành tỉnh đi đầu cả nước trong quan hệ hợp tác, đầu tư với phía Nhật Bản.
Các tin khác:
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra thực tế một số công trình, dự án, vụ việc trên địa bàn tỉnh