Tăng cường liên kết doanh nghiệp FDI-nội địa
Hiệu quả liên kết doanh nghiệp FDI-nội địa, tác động lan tỏa của các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam vẫn còn kém và chưa thật sự thúc đẩy tăng trưởng.
Đây là vấn đề đặt ra tại Hội thảo “Khởi tạo động lực tăng trưởng mới: Tăng cường liên kết doanh nghiệp FDI-nội địa” do Trường đại học Kinh tế quốc dân (KTQD) và Viện nghiên cứu Chính sách quốc gia Nhật Bản phối hợp tổ chức ngày 26/3 tại Hà Nội.
Liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa còn lỏng lẻo
GS.TS. Trần Thọ Đạt-Phó Hiệu trưởng Trường đại học KTQD nhận định: Tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua chủ yếu do đóng góp của các nhân tố theo chiều rộng như lao động trẻ, vốn tài nguyên… Tuy nhiên, sau khó khăn kinh tế, dư địa cho tăng trưởng theo chiều rộng đã bị thu hẹp.
Có cùng quan điểm, GS. Kenichi Ohno-Viện Nghiên cứu Chính sách quốc gia Nhật Bản (GRIPS) thẳng thắn nhận xét: Tăng trưởng của Việt Nam dường như chưa có chất lượng. Sau vài năm đạt được thu nhập trung bình thấp, bẫy thu nhập trung bình đã trở thành hiện hữu cho Việt Nam.
Trong bối cảnh hiện nay, dòng vốn FDI đã và đang được xem là sức sống mới cho các nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt với các quốc gia có thu nhập trung bình thấp như Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện nay liên kết giữa các DN FDI và các DN nội địa vẫn còn lỏng lẻo. Đại biểu Hoàng Trường Giang-Ban Kinh tế TƯ cho rằng: Một trong những nguyên nhân khiến cho mối liên kết giữa các DN FDI và DN nội địa còn lỏng lẻo do hạn các DN này còn hạn chế trong việc sử dụng các sản phẩm nội địa. Theo thống kê của Viện chiến lược quản lý kinh tế TƯ (Bộ KHĐT), có tới 60% DN FDI sử dụng sản phẩm nhập khẩu và chỉ có 20% sử dụng sản phẩm trong nước.
Theo TS. Lê Thanh Hà-Trường đại học KTQD, muốn nâng cao năng lực công nghiệp phải có nhiều FDI vào sản xuất chế tạo, nhưng ngay cả lĩnh vực này thì cũng không có chuyện chuyển giao công nghệ tự phát.
TS. Hà cho rằng, với sự có mặt của các tập đoàn như Intel, Samsung, Canon,… cũng không đồng nghĩa với việc Việt Nam có thể dễ dàng được chuyển giao công nghệ cao.
Các tập đoàn đa quốc gia như vậy thường đến các nước đang phát triển để thực hiện công đoạn lắp ráp, cần nhiều nhân công giá rẻ, là phân khúc thấp nhất của chuỗi cung ứng toàn cầu. Khi đó, nếu không có sự chuyển giao công nghệ, thì FDI cho công nghiệp chế tạo sản xuất lớn như vậy cũng không khác gì FDI vào lĩnh vực sản xuất đồ ăn hay may mặc…
Vấn đề nội địa hóa, tiếp thu công nghệ sản xuất còn bắt nguồn từ các nguyên nhân khác như thị trường và chiến lược kinh doanh toàn cầu. Thậm chí, trong một chiếc điện thoại di động, thì linh kiện lớn nhất là cái vỏ, nhà sản xuất hoàn toàn có thể vận chuyển từ nơi khác đến lắp ráp với chi phí rẻ, mà không nhất thiết đầu tư máy móc sản xuất ở Việt Nam.
Đến những kinh nghiệm về nâng cao trình độ công nghệ
GS.TS Trần Thọ Đạt chia sẻ: Việt Nam cần quan tâm đến các chính sách và biện pháp để tăng cường liên kết DN FDI-nội địa và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa của các DN FDI. Từ đó, cần tìm cách thức để phát huy vai trò, tác động lan tỏa của các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng.
Liên quan đến vấn đề tăng cường liên kết giữa các DN FDI và DN nội địa, PGS.TS Nguyễn Ngọc Sơn-Trường đại học KTQD cho rằng, Việt Nam có thể tham khảo các hình thức liên kết và tác động lan tỏa của doanh nghiệp FDI-tập đoàn đa quốc gia-DN nội địa.
Đầu tiên, đó là liên kết ngược với các nhà cung cấp thông qua thuê ngoài (outsoursing). Các tập đoàn đa quốc gia cần rất nhiều sản phẩm nguyên liệu thiết bị đầu vào chất lượng cao.
Tiếp đến là liên kết xuôi với khách hàng. Trong đó, mối liên kết quan trọng nhất là kết nối mạng lưới phân phối.
Các tập đoàn đa quốc gia chính là khách hàng và mở ra thị trường rộng lớn các DN vừa và nhỏ (DNVVN). Các tập đoàn đa quốc gia thuê hệ thống phân phối các thương hiệu nổi tiếng thường tập trung đầu tư lớn cho hệ thống marketing như các đại lý bán xe, trạm nhiên liệu, chuỗi cửa hàng. Do đó, các DNVVN tại các nước đang phát triển có cơ hội cung cấp dịch vụ hỗ trợ.
Ngoài ra là liên kết với đối thủ cạnh tranh, vì việc tham gia các tập đoàn đa quốc gia thiết lập nhiều tiêu chuẩn cao hơn, tăng tính cạnh tranh, tạo động lực cho sự đổi mới và học hỏi về công nghệ…
GS Kenichi Ohno-Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản chia sẻ, công nghệ tiên tiến có giá trị rất lớn, được bảo hộ sáng chế và chỉ được chuyển giao nếu “người học” bỏ chi phí lớn hoặc việc chuyển giao có ích cho chiến lược toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia. Do đó, các quốc gia ở giai đoạn đầu công nghiệp hóa cần học hỏi các công nghệ “thích hợp” từ khu vực FDI và các kỹ năng như lập kế hoạch chiến lược, marketing, quản lý lao động…
Tăng cường liên kết các DN nội địa với tập đoàn đa quốc gia là một trong những hướng đi đúng đắn để đạt được mục tiêu tăng giá trị bên trong để tiếp tục tăng trưởng nhanh và tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
TS. Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng: Việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng cần dựa vào hiệu quả huy động các nguồn lực nhằm tăng khả năng cạnh tranh công nghiệp, nâng cao trình độ công nghệ và tăng năng suất lao động. Cần chuyển sang mô hình công nghiệp hóa phát huy lợi thế so sánh động, dựa trên các lợi thế so sánh bậc cao gồm lao động chất lượng cao, nguyên liệu tinh chế, công nghệ hiện đại và sức mua cao…
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt