Năm 2014: DN kỳ vọng chấm dứt kỳ “ngủ đông”
Kết quả hoạt động năm 2013 đã mang lại những hi vọng mới cho doanh nghiệp. Tỷ trọng doanh nghiệp có doanh thu cao năm trước trong cuộc điều tra vào tháng 1/2014 cao hơn đáng kể, nhiều doanh nghiệp dự kiến mở rộng quy mô đầu tư.
Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đã thực hiện điều tra với qui mô trên 3.000 doanh nghiệp trong khuôn khổ xây dựng các Bảng xếp hạng Fast500 và VNR500. Đại diện các doanh nghiệp lớn của Việt Nam và các doanh nghiệp tăng trưởng chia sẻ sự lạc quan triển vọng và định hướng kinh doanh trong năm 2014.
DN lạc quan hơn
Cụ thể, tỷ trọng doanh nghiệp có doanh thu cao năm trước trong cuộc điều tra vào tháng 1/2014 cao hơn đáng kể so với con số tương tự trong cuộc điều tra tiến hành vào tháng 1 năm 2013. Trong cuộc điều tra năm 2013, hơn 65% số DN được hỏi cho biết, doanh thu trong năm 2012 của họ cao hơn so với 2011. Số doanh nghiệp có kết quả kinh doanh kém hơn năm 2011 là gần 13%. Tuy nhiên, tại thời điểm đầu năm 2014, có tới 82% đại diện doanh nghiệp cho biết doanh thu năm 2013 của họ cao hơn năm 2012 và chỉ có 6% số doanh nghiệp có doanh thu 2013 giảm đi so với năm trước.
Kết quả kinh doanh tốt trong năm 2013 đã tiếp thêm niềm tin và hi vọng cho các doanh nghiệp trong năm 2014. Các DN cũng tỏ ra lạc quan hơn khi được hỏi về triển vọng kinh doanh của DN trong năm 2014. Tại cuộc điều tra doanh nghiệp lớn vào tháng 1/2014, gần 86% số DN được hỏi kỳ vọng doanh thu sẽ tăng hơn trong năm 2014, trong khi chỉ có chưa đến 5% số DN e ngại khả năng doanh thu sẽ giảm sút trong năm 2014.
Số lượng lao động dự kiến sẽ tăng mạnh trong năm 2014. Luôn được đánh giá là nguồn lực quan trọng giúp DN tăng trưởng bền vững, lao động trong DN cũng được dự báo sẽ tăng quy mô trong năm 2014 (chiếm 57% số DN tham gia khảo sát).
Đây là kết quả khá gần với Báo cáo động thái doanh nghiệp Việt Nam của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây.
Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI cũng cho rằng: nhiều doanh nghiệp tự tin hiệu suất sử dụng máy móc thiết bị sẽ tốt hơn rất nhiều so với năm 2013. Nhiều doanh nghiệp sau một thời gian “ngủ đông” sẽ đẩy mạnh thực hiện tái cấu trúc, đã tự tin hơn trong việc sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực của mình.
Triển vọng và giải pháp của DN
Các DN ngành Khoáng sản – Xăng dầu, ngành Kim loại và ngành Sắt thép – Vật liệu xây dựng tỏ ra lạc quan hơn cả về triển vọng của ngành trong năm 2014. Tỷ trọng số đại biểu của các doanh nghiệp thuộc 3 ngành này cho rằng trong năm 2014, ngành kinh doanh của họ sẽ tốt hơn năm 2013, cao hơn so với các ngành còn lại và cao hơn mức bình quân của tất cả các ngành.
Nếu sự lạc quan của các doanh nghiệp ngành Xăng dầu – Khoáng sản bắt nguồn từ kết quả doanh thu ổn định của các DN trong ngành trong nhiều năm trở lại đây thì dường như các doanh nghiệp ngành Kim loại và ngành Sắt thép – Vật liệu xây dựng kỳ vọng nhiều vào triển vọng phát triển ngành từ ảnh hưởng của Hiệp định TPP.
Để đạt được mục tiêu của mình, các doanh nghiệp đã phân tích và đưa ra các giải pháp cốt lõi. Trong đó, tập trung vào nâng cao hiệu quả quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ hậu mãi và quan hệ khách hàng, và mở rộng thị trường trong nước là 3 yếu tố chính đóng góp cho sự tăng trưởng doanh thu của các doanh nghiệp lớn trong thời gian qua.
Có tới 87,3% số DN được hỏi cho biết: Nâng cao hiệu quả quản lýđóng vai trò quan trọng hàng đầu trong tăng trưởng doanh thu trong năm 2013 của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các biện pháp nâng cao chất lượng dịch vụ hậu mãi và quan hệ khách hàng, và mở rộng thị trường trong nước cũng được gần 70% số doanh nghiệp có doanh thu tăng trưởng lựa chọn là các yếu tố thứ yếu có đóng góp tới tăng doanh thu của doanh nghiệp. Chỉ có 9,7% doanh nghiệp cho rằng tăng giá bán sản phẩm dịch vụ là phương cách giúp tăng trưởng doanh thu của họ trong năm 2013.
Các DN đã nhận ra được tầm quan trọng của “chất” trong việc tăng doanh thu, qua đó có thể đẩy mạnh sự thay đổi trong tư duy chiến lược đáng kể, từ bỏ các mục tiêu ngắn hạn, hướng tới những chiến lược tăng trưởng bền vững trong tương lai. Điều này cũng được thể hiện rõ trong các ưu tiên đầu tư của doanh nghiệp.
Trong năm 2014, có tới 63,79% số DN cho biết, họ sẽ tiếp tục đầu tư để nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, tiếp đến là mở rộng thị trường trong và ngoài nước (59,77%) và phát triển nguồn nhân lực (51,17%).
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt