Doanh nghiệp Việt trên đường vượt khó
Một năm đầy khó khăn, thách thức vừa đi qua, thị trường đã cho thấy vẫn có nhiều doanh nghiệp có khả năng chủ động thích ứng bằng hàng loạt điều chỉnh phù hợp để tự cứu mình. Họ đang âm thầm tạo ra những con số tăng trưởng đáng ngưỡng mộ.
Chọn hướng đi khác biệt
“Chúng tôi không tham gia vào siêu thị hay đại siêu thị vì đã có nhiều tên tuổi lớn, chúng tôi phải lượng sức và tập trung vào điểm mạnh như xây dựng điểm bán lẻ sản phẩm thời trang. Trong những năm tới, Phú Thái dự định phát triển chuỗi hệ thống thời trang trên toàn quốc với 1.000 cửa hàng. Phú Thái có kế hoạch như vậy là do hiểu Việt Nam và các DN Việt Nam đi sau so với các DN ngoại, trong khi họ có sức mạnh lớn còn DN Việt với tiềm lực yếu thì khó có thể đáp ứng ngay những yêu cầu đổi mới công nghệ”, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Phu Thai Group, một tập đoàn kinh doanh bán lẻ hàng tiêu dùng hàng đầu Việt Nam chia sẻ.
Đối với những nhà bán lẻ chuyên phân phối các sản phẩm tiêu dùng đặc thù do chính DN sản xuất như Kangaroo, việc xây dựng hệ thống bán lẻ dày đặc là điều kiện cần thiết để nâng sức cạnh tranh. Tuy nhiên, theo ông Lê Hồng Minh, Giám đốc Truyền thông và Quan hệ công chúng của Kangaroo, một trong những cách thức được DN này lựa chọn chính là truyền thông tại điểm bán lẻ và có chính sách quảng cáo hợp lý. Nhờ việc lựa chọn cách thức riêng trong kinh doanh, hầu hết các DN này đã duy trì được doanh thu bán hàng ổn định, thậm chí đạt mức tăng trưởng cao.
Trong khi vốn ngoại vẫn liên tục tìm cách vào Việt Nam qua cánh cửa mua bán và sáp nhập để nhằm khai thác lượng khách hàng 90 triệu dân Việt đồng thời thâm dụng lao động gia công cho xuất khẩu, thì một DN ngành hàng tiêu dùng rất gắn bó với thị trường nội địa, lại quan tâm hướng đầu tư ngược lại- hướng ra nước ngoài, đó là Vinamilk.
Năm 2013, Vinamilk có 3 thương vụ đầu tư nước ngoài: Tăng vốn đầu tư vào Công ty Miraka Limited (New Zealand); mua lại 70% vốn của Công ty Driftwood Dairy Holding Corporation, tương đương 7 triệu USD; đầu tư nắm 51% cổ phần chi phối Angkor Dairy.
Vài năm trở lại đây, tên tuổi ASTA Pharma đã được nhắc đến nhiều trong ngành thức ăn chăn nuôi-thú y Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng doanh số năm 2013 của Công ty đạt 100% so với năm 2012. Có thể nói, đó là nhờ sự thay đổi đột phá trong chiến lược tạo sự khác biệt của Công ty.
“Nếu ASTA đi theo hướng dùng giá rẻ để cạnh tranh như các doanh nghiệp trong ngành khác thì sẽ không thể phát triển vượt bậc như hôm nay. Chúng tôi không ngừng tạo sự khác biệt cho chiến lược, cho sản phẩm và đội ngũ nhân viên”, ông Ngô Tấn Sâm, Giám đốc ASTA Pharma cho biết.
Năm 2013, bên cạnh những tên tuổi nổi như cồn trong lĩnh vực hàng tiêu dùng như Vinamilk, TH Milk, Neslte, có một cái tên lặng lẽ hơn, nhưng lại thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới kinh doanh và truyền thông. Đó là Vinasoy, với sản lượng tiêu thụ tăng bình quân hơn 40%/năm trong 10 năm trở lại đây. Năm 2012, doanh thu của Vinasoy gần 1.900 tỷ đồng và năm 2013 ước đạt 2.440 tỷ đồng.
Con đường đi lên của Vinasoy được ông Ngô Văn Tụ, Giám đốc điều hành Công ty lần đầu tiên bộc bạch với báo giới khi khánh thành nhà máy sữa đậu nành thứ hai với công nghệ hiện đại tại Khu công nghiệp Tiên Sơn (Bắc Ninh) vào cuối tháng 7/2013, tổng vốn đầu tư 650 tỷ đồng. Đó là việc tuân thủ nhất quán với chiến lược đơn giản, tập trung duy nhất vào sản phẩm sữa đậu nành.
Năm 1997, ông Tụ “tiếp quản” Nhà máy Sữa Trường Xuân (trực thuộc Tổng công ty Mía đường Quảng Ngãi) với chiến lược kinh doanh không rõ ràng, nhận sản xuất, gia công nhiều mặt hàng đồ uống trong ngành sữa, nhưng công suất chỉ đạt 10% so với năng lực của Nhà máy và chịu lỗ hàng năm.
Sau 4 năm, Vinasoy đã tìm thấy đường sống, khi ký hợp đồng dài hạn cung cấp độc quyền sản phẩm sữa đậu nành Fami cho chương trình “Dinh dưỡng học đường” của Bộ Nông nghiệp Mỹ tại Việt Nam. Đến năm 2005, Công ty Vinasoy ra mắt, với việc xác định rõ chiến lược tập trung, quyết tâm gắn bó với đậu nành. 4 năm sau, Vinasoy đã chính thức góp mặt vào danh sách những công ty có doanh thu cả ngàn tỷ đồng/năm. Ngoài sản xuất, Công ty còn hợp tác với nhiều đối tác chia sẻ nghiên cứu về đậu nành và giống đậu nành tại Mỹ.
Cạnh tranh bằng chất lượng
Trong một năm nhiều khó khăn, hầu hết doanh nghiệp Hải Phòng đã phải nỗ lực vượt bậc để có thể tồn tại và phát triển. Đối với các doanh nghiệp đã khẳng định được vị thế trên thị trường, khó khăn cũng là cơ hội tái cơ cấu để vượt lên.
Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền phong là một trong những doanh nghiệp lớn của ngành nhựa Việt Nam từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, để vượt qua những khó khăn nhiều mặt của nền kinh tế, công ty đã phải chủ động triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng cường xúc tiến bán hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ. Tính đến hết tháng 9/2013, tổng doanh thu của công ty đạt 1.810 tỷ đồng, sản lượng 35.000 tấn sản phẩm. Cũng thời điểm này, Nhựa Thiếu niên Tiền phong đã chính thức khánh thành nhà máy mới tại khu công nghiệp Nam Cấm (Nghệ An), với tổng vốn đầu tư 120 tỷ đồng. Năm 2013 cũng là năm Nhựa Thiếu niên Tiền phong được vinh danh trong top 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng năm 2013 của Việt Nam và được vinh danh ở thứ hạng cao của giải thưởng Sao Vàng Đất Việt 2013.
Tại Công ty cổ phần Lisemco, hồi tháng 10/2013 đã diễn ra lễ hạ thủy tàu Hòa Bình 54 với tải trọng 5.300 tấn. Đây được coi là một điểm nhấn quan trọng của công ty trong năm 2013 đầy khó khăn, khi mà ngành đóng tàu đối mặt cuộc khủng hoảng từ “hiệu ứng Vinashin”. Nhưng không như các công ty đóng tàu khác, Lisemco vẫn đang “đi bằng hai chân”: bên cạnh đóng tàu, Lisemco cũng là doanh nghiệp sản xuất kết cấu thép có tên tuổi tại Hải Phòng.
Trong chiến lược phát triển của mình, Lisemco đã xác định rõ mục tiêu “không ngừng chinh phục các mục tiêu về chế tạo sản phẩm cơ khí chế tạo bằng tinh thần sáng tạo và cống hiến; đưa thương hiệu Việt Nam về đóng tàu và chế tạo thiết bị ra thế giới; mang lại sự tin cậy cho đối tác và sự thịnh vượng cho các thành viên công ty”.
Trên một lĩnh vực khác là kinh doanh các sản phẩm văn hóa, ông Phạm Minh Thuận, Tổng Giám đốc Công ty Phát hành sách TPHCM (Fahasa) chia sẻ, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, đặc biệt là sách điện tử đã cạnh tranh trực tiếp với các nhà sách truyền thống như Fahasa. Làm thế nào để giữ vững mức tăng trưởng về doanh số, lợi nhuận, thu hút được bạn đọc đến các nhà sách là một bài toán khó. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế phát triển của Fahasa với những kế hoạch mở liên tiếp các điểm bán lẻ mới, đạt mức tăng hơn 5% doanh thu và lợi nhuận cũng tăng hơn 10% so với năm 2012, có thể thấy nhà sách truyền thống vẫn có sức cạnh tranh riêng của mình.
Ông Thuận cho rằng, để thu hút và giữ chân khách hàng, ba yếu tố quan trọng nhất chính là có tầm nhìn chiến lược, đáp ứng được nhu cầu khách hàng, tập trung nguồn lực vào ngành kinh doanh chính và phát triển một đội ngũ chuyên nghiệp. “Với những phương châm kinh doanh như trên, chúng tôi vẫn lên kế hoạch mở thêm 6 nhà sách vào cuối năm và thêm từ 3- 5 nhà sách trong năm 2014. Bởi tôi vẫn tin vào sách truyền thống, người ta không thể ngồi máy tính mãi và việc đi ra trung tâm thương mại, nhà sách để thư giãn là nhu cầu cần thiết”, ông Thuận tin tưởng.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt