Thứ Năm, 09/01/2014 8:22:21 (GMT+7)

Lần đầu tiên, dệt may đạt kim ngạch XK hơn 20 tỷ USD

Lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu vượt 20 tỷ USD (đạt 20,4 tỷ USD), dệt may tiếp tục là 1 trong 2 ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước (chỉ sau điện thoại đi động).

Kim ngạch xuất khẩu dệt may lần đầu tiên vượt 20 tỷ USD.

Trong cuộc gặp gỡ báo chí hôm nay (8/1), Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Lê Tiến Trường cho biết năm 2013, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng dệt may của thị trường thế giới nhìn chung tăng chậm.

Cụ thể, tại thị trường Mỹ, một thị trường lớn nhất thế giới, nhập khẩu hàng may mặc vào thị trường này chỉ tăng 3,6% (đạt 111 tỷ  USD). Thị trường EU, mức tiêu thụ hàng hóa dệt may thấp hơn, chỉ tăng trưởng 0,5 % (từ 233 tỷ USD năm 2012 lên 234 tỷ USD năm 2013). Thị trường Nhật Bản, dung lượng nhập khẩu giảm 0,54%, chỉ đạt 41 tỷ USD…

Với bối cảnh chung của thị trường dệt may thế giới năm 2013 gần như không tăng trưởng so với 2012, cạnh tranh hết sức gay gắt, nhưng ngành Dệt may Việt Nam vẫn đạt kim ngạch xuất khẩu 20,4 tỷ USD, tăng trưởng 18,1% so với cùng kỳ 2012.

Kết quả trên cho thấy, dệt may Việt Nam đã cải thiện thị phần tại một số thị trường. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào các thị trường này lớn hơn so với tốc độ tăng nhập khẩu của các nước.

Cụ thể, xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào thị trường châu Âu tăng 8,8%; thị trường Nhật Bản tăng 20,5% và thị trường Hàn Quốc tăng 43%. Đáng chú ý, xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng gấp 4 lần tốc độ tăng nhập khẩu.

Ngoài ra, một số thị trường khác năm nay cũng đóng góp 4,3 tỷ USD cho dệt may như: Ấn Độ (đạt 60-70 triệu USD), Nga (trên 100 triệu USD).

Ông Lê Tiến Trường cho biết năm 2014 được dự báo vẫn là một năm khó khăn của nền kinh tế. Tuy nhiên, đối với ngành dệt may Việt Nam vẫn có những cánh cửa sáng, bởi sự cải thiện nhẹ về kinh tế của các nước phát triển như Mỹ, Nhật và sự ổn định của các nước mới nổi.

Vì vậy, kế hoạch sản xuất kinh doanh của Tập đoàn đưa ra trong năm 2014 là doanh thu và kim ngạch xuất khẩu đều tăng trưởng 12%.

Để làm được điều đó, theo ông Trường, ngành sẽ chú trọng các giải pháp trọng tâm về đầu tư, tài chính, quản trị nhân sự, thị trường cũng như đổi mới, phát triển doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng đã triển khai đầu tư  42 dự án để đón đầu Hiệp định TPP. Hiện nay các doanh nghiệp của Tập đoàn cũng đã có đơn hàng đến hết quý I/2014.

Theo Linh Đan - Báo điện tử Chính phủ