Thứ Hai, 06/01/2014 11:00:07 (GMT+7)

Xúc tiến đầu tư tại chỗ -phương pháp hiệu quả nhất

Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải cách thủ tục hành chính (TTHC), trọng tâm là các TTHC về đầu tư, thu hút đầu tư. Xoay quanh vấn đề này, phóng viên Báo Vĩnh Phúc đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Tiến Hạnh – Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc (IPA Vĩnh Phúc).

Bộ phận một cửa đồng bộ, hiện đại tại UBND thành phố Vĩnh Yên. Ảnh Thế Hùng

Vĩnh Phúc đã quyết tâm đẩy mạnh cải cách hành chính (nhất là cải cách TTHC) về đầu tư như thế nào?

IPA Vĩnh Phúc được UBND tỉnh quyết định thành lập từ ngày 8-8-2012, với  nhiệm vụ chính là xúc tiến đầu tư và hỗ trợ đầu tư. Về hỗ trợ đầu tư, IPA Vĩnh Phúc được giao nhiệm vụ là cơ quan đầu mối giải quyết TTHC các dự án đầu tư trực tiếp, các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn ODA theo cơ chế một cửa liên thông (MCLT); nhà đầu tư, chủ đầu tư chỉ nộp hồ sơ TTHC và nhận kết quả tại IPA Vĩnh Phúc.

Để tạo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết TTHC theo cơ chế MCLT về đầu tư, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định 40 và 41/2012/QĐ-UBND ngày 29/10/2012 quy định rõ trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp giữa các sở ngành, cơ quan trong quy trình giải quyết TTHC theo cơ chế MCLT đối với các dự án đầu tư xây dựng và dự án đầu tư trực tiếp tại IPA Vĩnh Phúc. Đồng thời, Ban chỉ đạo Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh chỉ đạo IPA Vĩnh Phúc chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan rà soát bộ TTHC, xây dựng quy trình, thủ tục đầu tư đăng tải công khai trên Cổng Thông tin và Giao tiếp điện tử của tỉnh và các Trang thông tin điện tử tổng hợp của các sở, ngành để chủ đầu tư, nhà đầu tư tiện tra cứu, dễ thực hiện. IPA Vĩnh Phúc có trách nhiệm đôn đốc các sở, ngành giải quyết TTHC theo đúng hẹn; nhà đầu tư, chủ đầu tư, căn cứ vào mã số trên phiếu hẹn, để truy cập vào phần mềm để biết tình trạng hồ sơ TTHC, qua đó, góp phần giám sát việc giải quyết TTHC về đầu tư đối với cơ quan Nhà nước.

Những kết quả đã đạt được và khó khăn trong cải cách thủ tục hành chính về đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc?

Sau một năm chính thức hoạt động, IPA Vĩnh Phúc đã tiếp nhận hơn 1.000 hồ sơ TTHC về đầu tư, trong đó, có 850 hồ sơ dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và 29 hồ sơ dự án đầu tư trực tiếp FDI, 36 hồ sơ dự án đầu tư gián tiếp DDI. Số lượng hồ sơ TTHC được giải quyết theo cơ chế một cửa liên thông ngày càng tăng lên, đặc biệt là hồ sơ TTHC các dự án FDI+DDI tăng nhanh, cho thấy, kết quả thu hút đầu tư trực tiếp vào tỉnh đạt kết quả ngày càng rõ nét.

Thời gian giải quyết từng TTHC theo cơ chế một cửa liên thông đã giảm rõ rệt so trước đây, chỉ bằng 1/3 so với thời gian quy định chung của Nhà nước. Trong năm 2013, số hồ sơ TTHC tiếp nhận, giải quyết qua IPA Vĩnh Phúc đến hạn phải trả có 930/1.073  hồ sơ. Kết quả giải quyết trước và đúng hạn có 859 hồ sơ, dự án, đạt 92,3 %. Dư luận thời gian qua, nhất là qua các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đã có những đánh giá tốt về cách làm của tỉnh Vĩnh Phúc, trong đó IPA Vĩnh Phúc hoạt động có tính chuyên nghiệp, hiện đại và tinh thần phục vụ ngày càng tốt hơn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến số lượng nhà đầu tư đến tìm hiểu môi trường đầu tư, kinh doanh tại tỉnh Vĩnh Phúc tăng lên đáng kể so với cùng kỳ năm 2012. Năm 2013, tỉnh đã tiếp và làm việc với 92 đoàn là tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước, nước ngoài đến thăm, làm việc và tìm hiểu môi trường đầu tư tại tỉnh (trong đó có 68 đoàn với 551 lượt người nước ngoài).Tỉnh Vĩnh Phúc đã xác định rõ: làm tốt công tác hỗ trợ đầu tư, nhất là cải cách TTHC về đầu tư chính là làm tốt công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, đây là phương pháp xúc tiến đầu tư hiệu quả nhất, do vậy, hoạt động xúc tiến đầu tư và hoạt động hỗ trợ đầu tư phải được tiến hành đồng thời. Kết quả tích cực trên đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 2013, Ban đã phối hợp với các ngành, tham mưu UBND tỉnh cấp GCNĐT được 63 dự án (27 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 141,8 triệu USD, diện tích thuê đất 10,98 ha; 36 dự án DDI, với tổng vốn đăng ký 5.798 tỷ đồng, diện tích thuê đất là 111 ha).

Không chỉ đẩy mạnh cải cách về TTHC, hiện nay, tỉnh Vĩnh Phúc đang thực hiện đồng bộ các giải pháp theo Đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh giai đoạn 2013-2015. Đảng bộ, chính quyền các cấp và nhân dân trong tỉnh nhận thức ngày càng sâu sắc hơn về môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh của tỉnh, từ đó, có sự đồng thuận cao, có những hành động cụ thể, thiết thực góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả tích cực trong cải cách TTHC về đầu tư, sau thời gian thực hiện cơ chế một cửa liên thông tại IPA Vĩnh Phúc đã gặp một số khó khăn, hạn chế là: sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành và cơ quan liên quan trong quá trình giải quyết, trả kết quả hồ sơ, dự án đôi khi chưa chặt chẽ, thống nhất; cán bộ, công chức tiếp nhận hồ sơ TTHC về đầu tư được trưng tập từ các sở, ngành sang làm việc kiêm nhiệm tại IPA Vĩnh Phúc thời gian làm việc không ổn định; trang bị, điều kiện làm việc và chế độ đãi ngộ cho công chức, viên chức làm nhiệm vụ này còn hạn chế; cơ sở pháp lý còn thiếu và chưa đủ mạnh cho hoạt động giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa liên thông, trong khi ở nước ta, chưa có một quy định thống nhất về trình tự, thủ tục về đầu tư trực tiếp. Do vậy, tỷ lệ TTHC về đầu tư giải quyết chậm, vẫn còn hiện tượng gây phiền hà trong quá trình giải quyết, chưa đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Một số giải pháp đẩy mạnh công tác cải cách hành chính về đầu tư ở tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian tới?

Phát huy những kết quả đạt được và từng bước khắc phục những khó khăn, hạn chế trong giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa liên thông về đầu tư, trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc tập trung rà soát các TTHC, thực hiện niêm yết công khai minh bạch thành phần hồ sơ, quy trình giải quyết các TTHC liên thông, quy định về phí, lệ phí; điều chỉnh quyết định 40, 41/2012/QĐ-UBND của UBND tỉnh, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của nhà đầu tư, doanh nghiệp; nghiêm túc tiếp thu ý kiến, phản ánh của nhà đầu tư qua Cổng Thông tin đối thoại doanh nghiệp – chính quyền tỉnh; xây dựng, hoàn thiện quy trình, thủ tục về đầu tư trực tiếp, thủ tục ký quỹ, bảo đảm đối với các dự án phát triển đô thị, nhà ở, du lịch sinh thái, tạo thuận tiện cho các nhà đầu tư, cũng như nâng cao tính khả thi của các dự án ký quỹ đảm bảo; tiếp tục xây dựng tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ IPA Vĩnh Phúc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của nhà đầu tư, doanh nghiệp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình giải quyết TTHC về đầu tư, phấn đấu thực hiện theo mô hình Một cửa liên thông điện tử; đồng thời, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp theo Đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh giai đoạn 2013-2015.

Hiện nay, ở Vĩnh Phúc, mới có 21 nhóm với 32 TTHC về đầu tư được giải quyết theo cơ chế một cửa liên thông, tới đây, UBND tỉnh đưa ra mục tiêu khép kín giải quyết các TTHC về đầu tư theo cơ chế một cửa liên thông, tiếp tục rút ngắn thời gian giải quyết từng TTHC, tạo cơ hội tốt hơn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp nhằm tạo bước đột phá mạnh mẽ hơn trong CCHC, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Xin cảm ơn ông !

Theo Nguyễn Hoàn - Báo Vĩnh Phúc