Tái cơ cấu DNNN sẽ có chuyển biến quyết liệt
Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra thông điệp rõ ràng, nếu DNNN không nghiêm túc thực hiện Đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt sẽ bị xử lý nghiêm. TS. Nguyễn Đình Cung tin tưởng, quá trình tái cơ cấu DNNN sẽ có chuyển biến quyết liệt.
Thái độ dứt khoát
Nhiệm vụ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước một lần nữa được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh là trọng tâm trong bài viết: Hoàn thiện thể chế, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2014, tạo nền tảng phát triển nhanh và bền vững.
Trên nguyên tắc: “Mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế phải hoạt động theo cơ chế thị trường. Xóa bỏ tình trạng độc quyền doanh nghiệp và những cơ chế chính sách tạo ra bất bình đẳng trong kinh doanh, nhất là trong tiếp cận các nguồn lực.” Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Phải kiên quyết thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là cổ phần hóa, kể cả các tập đoàn kinh tế; thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán phần vốn mà Nhà nước không cần nắm giữ theo nguyên tắc thị trường, bao gồm cả doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả.
Theo đó, doanh nghiệp nhà nước chỉ tập trung vào lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng và quốc phòng an ninh. Tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ chính trị, công ích.
Cũng trong bài viết này, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh việc hoàn thiện cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước và đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp. Tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra của chủ sở hữu nhà nước. Bên cạnh đó, phải kiện toàn cán bộ quản lý và nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp. Thực hiện công khai minh bạch kết quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, Thủ tướng nêu rõ: “Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và không nghiêm túc thực hiện Đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt”.
Chỉ có như vậy, chúng ta mới tạo được môi trường cạnh tranh bình đẳng và nâng cao được hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, tăng cường sức mạnh của kinh tế nhà nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu nền kinh tế.
Trước đó, trong cuộc họp với các Bộ, ngành và địa phương ngày 24/12, Người đứng đầu Chính phủ khẳng định: Năm 2014 dứt khoát phải tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước sau khi các đề án đã được phê duyệt xong.
Trong đó, sắp xếp cán bộ là nhân tố quyết định tới sự thành bại của cuộc cải tổ, tái cơ cấu. Tuy vậy, nếu sắp xếp, bố trí lãnh đạo cán bộ không tốt thì không thể tái cơ cấu thành công. Do vậy, “nếu ông cán bộ lãnh đạo ở đó mà không chịu cổ phần hóa thì phải thay thế”.
Áp lực mạnh buộc phải chuyển biến
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ về chủ đề này, TS. Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tin tưởng: Với những chỉ đạo kiên quyết từ Thủ tướng Chính phủ, cải cách doanh nghiệp nhà nước sẽ có chuyển biến quyết liệt ngay từ đầu năm. Đây là áp lực hành chính buộc lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước phải hành động, đưa ra các giải pháp để hành động.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, kinh tế năm 2014 đang được giới chuyên gia dự báo với những kỳ vọng tươi sáng hơn như: Đầu tư công tăng, nợ xấu tiếp tục được xử lý, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được đẩy mạnh… Hiện tại, mọi việc đều đang trong dự báo, hy vọng. Tuy vậy, để hiện thực hoá các kỳ vọng này, cần phải có hành động ngay.
Để thực hiện được điều này, TS Cung đề xuất: Ngay từ đầu năm, các bộ, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty phải công bố danh sách doanh nghiệp sẽ cổ phần hóa trong năm 2014 và cả năm 2015, các khoản thoái vốn với lộ trình cụ thể.
Ông Cung cho rằng với giải pháp này, “áp lực” cải cách doanh nghiệp nhà nước sẽ không còn chung chung, mà áp vào từng con người, cá nhân cụ thể. Chỉ có như vậy, xã hội, người dân, thị trường mới có thể tham gia giám sát hiệu quả việc thực hiện cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước. Qua đó tạo áp lực thị trường cho chính các vị lãnh đạo doanh nghiệp, cũng như lãnh đạo các bộ, địa phương được giao trách nhiệm đại diện chủ sở hữu nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Đây cũng là cách đã làm với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) khi công bố danh sách doanh nghiệp thoái vốn, ông Cung dẫn chứng.
Ông Cung chia sẻ thêm: Nếu danh sách cổ phần hóa, thoái vốn được công bố ngay trong quý I/2014 và nguyên tắc là theo giá thị trường, thì hoạt động cổ phần hóa sẽ trở nên sôi động, từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh mới. Trên cơ sở đó, thị trường nội địa sẽ được kích thích bằng thay đổi thể chế, động lực, chính sách để tạo ra sự thay đổi phân bổ nguồn lực theo thị trường, chứ không cần tăng cầu.
Với việc bán-mua theo thị trường, nguồn lực sẽ được sử dụng hiệu quả và tài năng, sáng kiến sẽ được khuyến khích. Khi đó, nền tảng cho tăng trưởng được tạo lập vững chắc, không chỉ phục vụ năm 2014, mà cho cả các năm 2015-2016. Và chúng ta có thể nói về các con số tăng trưởng 7-7,5%. Bởi ổn định kinh tế vĩ mô sẽ vững chắc khi nó được dựa trên nền tảng vi mô sôi động. Nhờ vậy, nền kinh tế đất nước sẽ tự tạo ra giá trị vật chất, giá trị gia tăng, chứ không nhờ một lực kéo nào đó từ bên ngoài.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt