Thứ Hai, 02/12/2013 14:08:06 (GMT+7)

Vĩnh Phúc dẫn đầu cả nước về phát triển nhà ở xã hội

Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển nhà ở xã hội, những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách, cụ thể hóa các nội dung, huy động các nguồn lực xã hội, trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về chăm lo, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, các gia đình chính sách và phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng là người có thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, nhà ở cho học sinh, sinh viên.

Ngay từ năm 2008, Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giao Sở Xây dựng lập quy hoạch nhà ở công nhân liền kề các KCN, chủ trì trong việc phát triển nhà ở công nhân phục vụ các KCN trên địa bàn tỉnh, thực hiện kêu gọi đầu tư, dành quỹ đất và xây dựng một số ưu đãi để thúc đẩy công tác phát triển nhà ở phục vụ công nhân KCN và các đối tượng thu nhập thấp.

 

Thực hiện Quyết định số 66/QĐ-TTg và Quyết định số 67/QĐ-TTg, ngày 24/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ, trong phương hướng, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2010 – 2015 và định hướng đến năm 2020, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XV đã nhấn mạnh: Thực hiện tốt các chính sách xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt quan tâm giải quyết việc làm, đẩy mạnh giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân… Theo đó, bên cạnh việc đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo việc làm cho người lao động, tỉnh thường xuyên tâm triển khai các dự án xây dựng nhà ở cho công nhân và người có thu nhập thấp. Việc điều tra, khảo sát, tổng hợp nhu cầu xây dựng nhà cho công nhân tại các KCN cũng đã được thực hiện trong chương trình phát triển nhà ở đô thị của tỉnh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, chương trình đã được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 31/2008/NQ-HĐND.

Tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 20 danh mục các KCN đã được Chính phủ đưa vào danh sách các KCN của cả nước với tổng diện tích khoảng gần 5.800 ha. Trong đó, một số KCN đã đi vào hoạt động, thu hút được nhiều lao động trong và ngoài tỉnh. Số lao động trong các KCN hiện có đã lên tới hơn 40 ngàn người. Trong đó, số lao động có nhu cầu thuê chỗ ở là 16.600 người, tập trung chủ yếu tại KCN Khai Quang (TP. Vĩnh Yên), KCN Bá Thiện, KCN Bình Xuyên…, Ngoài ra, còn có 16 trường chuyên nghiệp (5 trường ĐH, 3 trường CĐ, 8 trường TCCN) hàng năm đào tạo cho 9.397 học sinh, sinh viên (HSSV). Chính vì vậy, nhu cầu về nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp tại đô thị và HSSV là rất lớn, tạo áp lực cho DN và chính quyền địa phương. Tại các KCN lớn, tỉnh đều đã có quy hoạch phần đất để xây dựng nhà ở cho công nhân như KCN Khai Quang (12,2ha), KCN Bá Thiện (35ha)… với tổng diện tích quy hoạch khoảng trên 48 ha.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai các dự án đầu tư nhà ở xã hội với tổng diện tích hơn 31,4ha. Trong các KCN, một số dự án xây dựng nhà ở cho công nhân thuê đã được triển khai và đưa vào sử dụng như: Khu nhà ở công nhân Cty Honda Việt Nam (TX Phúc Yên) với diện tích là 1ha, tổng diện tích sàn 21.500m2, đáp ứng chỗ ở cho 2 nghìn công nhân đã được xây dựng xong và đưa vào sử dụng; dự án khu nhà ở công nhân tại KCN Khai Quang do Cty CP Đầu tư và Xây dựng Bảo Quân trên diện tích 0,81ha sau khi hoàn thành sẽ đáp ứng chỗ ở cho 3.250 người… Cùng với đó, nhiều dự án xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp (TNT) tại đô thị được triển khai trên địa bàn tỉnh. Hiện nay có 10 dự án xây dựng nhà ở cho người TNT, trong đó có 6 dự án nhà TNT và 4 dự án khu nhà ở thương mại có xây dựng nhà ở xã hội với diện tích 22,9ha, đáp ứng trên 20.472 người. Tại TP Vĩnh Yên, Cty CP VINACONEX Xuân Mai đã và đang triển khai dự án xây khu chung cư dành cho người TNT trên diện tích đất 3,8ha, tổng diện tích sàn gần 50 nghìn m2 với 532 căn hộ. Đến nay, dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 4 nhà chung cư 5 tầng, 2 nhà chung cư 11 tầng, hoàn thiện 1 nhà chung cư 19 tầng. Dự án nhà TNT của Cty CP Đầu tư xây dựng Bảo Quân tại KCN Khai Quang trên diện tích 4,23ha, với diện tích sàn 19.230m2, 195 căn đáp ứng cho 756 người, đã xây dựng xong 2 nhà 5 tầng. Ngoài ra, trên địa bàn TX Phúc Yên đã có nhiều DN đầu tư xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp như: Cty CP Đầu tư xây dựng Hoài Nam, Cty TNHH Đại Phát, Cty CP TMS BĐS, Cty CP Dịch vụ thương mại Trang Đạt… Các dự án này hoàn thành, đi vào hoạt động sẽ đáp ứng một phần không nhỏ nhu cầu nhà ở cho người TNT, công nhân trong các KCN.

Bên cạnh nhà ở cho người TNT, công nhân, các dự án nhà ký túc xá cho SV được quan tâm. Hiện nay có 4 dự án với quy mô sử dụng đất 1.61ha đáp ứng nhà ở cho khoảng trên 3.954 sinh viên. Đến nay, khu nhà ký túc xá của Trường CĐ Vĩnh Phúc (460 SV), Trường CĐ KT- KT Vĩnh Phúc (750 SV) đã đưa vào sử dụng; Khu nhà KTX của trường ĐHSP Hà Nội 2 và ĐH CN Giao thông vận tải đã lắp đặt thiết bị, hoàn thiện công trình đưa vào sử dụng. Công tác tuyên truyền vận động được đẩy mạnh với các biện pháp triển khai tích cực, hiệu quả tới các DN và tầng lớp nhân dân. Do vậy, công tác hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo, người có thu nhập thấp và nhà ở xã hội khác đã đạt được những kết quả tích cực góp phần đưa Vĩnh Phúc trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp và công nhân lao động, học sinh, sinh viên có nhu cầu về nhà ở. Tính từ năm 2000-2012, toàn tỉnh đã xây dựng được 17.921 ngôi nhà, trị giá trên 900 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ hơn 33 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 130,5 tỷ đồng, từ nguồn xã hội hóa hơn 700 tỷ đồng. Chỉ riêng từ năm 2009-2012, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây mới hơn 5.600 ngôi nhà, trong đó có 5.348 nhà theo QĐ 167. Tại thị xã Phúc Yên, từ năm 2000 đến nay đã hỗ trợ xây dựng được 259 căn, trong đó có 164 nhà theo QĐ 167. Mới đây, UBND tỉnh có Quyết định số 2266/QĐ-UBND ngày 22/8/2013 bổ sung danh mục dự án ĐTXD Khu Chung cư cho cán bộ công nhân viên của Công ty Cổ phần Prime Group vào danh mục các dự án khu đô thị mới, khu nhà ở, khu chức năng đô thị trên địa bàn tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt QHCT xây dựng làm cơ sở lựa chọn chủ đầu tư dự án và triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng để thực hiện với diện tích khu đấtdự án hơn 24.466 m2

Tuy nhiên, một khó khăn lớn đang cản trở tiến trình đưa các dự án nhà ở cho người TNT, nhà ở cho công nhân nói riêng, nhà ở xã hội nói chung đi vào thực tiễn, đó là vấn đề vốn. Tình hình kinh tế thế giới và trong nước khó khăn, các DN chỉ ưu tiên vốn duy trì sản xuất, không mấy chú trọng đến việc bố trí vốn xây dựng nhà ở cho người lao động. Cùng với đó, năng lực của các chủ đầu tư không ổn định làm cho tiến độ xây dựng các dự án không đúng theo kế hoạch. Để khuyến khích DN tham gia xây dựng nhà ở cho người TNT ở đô thị, công nhân, HSSV trên địa bàn Vĩnh Phúc ngoài việc được hưởng các cơ chế, ưu đãi theo quy định tại Quyết định số 66/QĐ-TTg và Quyết định số 67/QĐ-TTg, ngày 24/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ, như miễn tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế VAT, các doanh nghiệp tham gia còn được hỗ trợ một phần đất xây dựng nhà ở thương mại (nếu có), hỗ trợ lãi suất nguồn vốn vay, tạo điều kiện cho DN tiếp cận tín dụng ưu đãi. Vừa qua, để hỗ trợ DN xây dựng nhà ở xã hội, dự án chung cư cho người TNT của VINACONEX Xuân Mai là 1 trong 7 dự án được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng TM CP Đầu tư và Phát triển. Ngày 10/06/2013, Sở Xây dựng ban hành văn bản số: 1060/SXD – QL&PTĐT hỗ trợ vay vốn để đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ – CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ, UBND tỉnh đã thành lập quỹ phát triển nhà ở tỉnh Vĩnh Phúc, đồng thời chỉ đạo các sở, ngành tích cực triển khai thực hiện Thông tư 11 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thông tư 07 của Bộ Xây dựng về cho vay hỗ trợ nhà ở. Sau 5 tháng triển khai chương trình hỗ trợ tín dụng nhà ở, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Vĩnh Phúc và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Vĩnh Phúc đã giải ngân cho gần 150 khách hàng vay trên 30 tỷ đồng mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Ngân hàng cổ phần Ngoại thương Vĩnh Phúc: Điểm nghẽn lớn nhất trong triển khai cho vay đối với gói tín dụng 30.000 tỷ là hiện các phòng công chứng không công chứng việc cho vay bằng tài sản đảm bảo được hình thành trong tương lai. Trong khi đó, Ngân hàng được cho khách hàng vay vốn thế chấp bằng tài sản đảm bảo được hình thành trong tương lai chính là căn nhà mà khách hàng sẽ sở hữu. Vì thế, phía ngân hàng không thể cho vay do sợ rủi ro, nhất là đối tượng vay là người thu nhập thấp. Vấn đề bất cập nói trên cần sớm được các cấp, ngành chức năng có biện pháp để tháo gỡ.

Theo Đặng Quang Giới - Báo Vĩnh Phúc