Doanh nghiệp chủ động đổi mới, hội nhập
Không chỉ đóng góp trên 90% tổng thu ngân sách Nhà nước, bằng sự nỗ lực hoàn thiện bản thân, mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, khoa học kỹ thuật, nâng cao năng lực điều hành và triển khai các dự án sản xuất, kinh doanh mới, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng khẳng định rõ vai trò đầu tàu trong công cuộc đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện tỉnh Vĩnh Phúc có trên 15.000 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 9.500 doanh nghiệp đang hoạt động. 4 năm qua, dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức do dịch bệnh Covid-19 và suy giảm kinh tế toàn cầu nhưng Vĩnh Phúc vẫn là điểm sáng của cả nước về thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, phát triển doanh nghiệp. Riêng 3 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của tỉnh tăng 6,67% so với cùng kỳ 2023. Toàn tỉnh thu hút 9 dự án DDI mới, với tổng vốn đăng ký 1.530 tỷ đồng; 17 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 123,94 triệu USD, đạt gần 31% kế hoạch giao đầu năm. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cả về số lượng và vốn đầu tư. Đặc biệt, nhờ sự chủ động tìm kiếm, nắm bắt cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, đóng góp chủ lực cho thu ngân sách Nhà nước, tạo công ăn việc làm, giảm nghèo, đồng hành với các hoạt động an sinh xã hội của tỉnh.
Là doanh nghiệp DDI đầu tiên được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc, hơn 4 năm qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty cổ phần Tập đoàn CNCTech ngày càng phát triển.
CNCTech hướng tới mục tiêu xây dựng chuỗi liên kết toàn cầu
Ông Vũ Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn CNCTech cho biết: Năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do thị trường đầu ra và đơn hàng sản xuất giảm. Để vượt khó khăn, CNCTech đã chủ động nắm bắt, khai thác, tận dụng tối đa các cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết và Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2022 – 2026 thực hiện Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030 để có thêm những đối tác mới, đơn hàng mới, thị trường mới theo chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại và đầu tư trực tiếp vào một số thị trường trọng điểm như Nhật, Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc; đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là lan tỏa được tinh thần, lòng nhiệt huyết, đạo đức kinh doanh, củng cố nguồn nhân lực có trình độ, khát vọng, sáng tạo và cống hiến. Nhờ đó, từ cuối năm 2023 đến nay, hoạt động của công ty có nhiều khởi sắc, với đơn hàng tăng.
Cũng theo ông Tuấn, để đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao của khách hàng và hướng tới xuất khẩu vào các thị trường phát triển, 18 công ty thành viên và các công ty liên kết của CNCTech luôn tuân thủ và đáp ứng tiêu chuẩn của các hệ thống quản lý chất lượng và hệ thống quản lý môi trường theo chuẩn quốc tế như: ISO 9001, ISO 14001, RBA, UL, TAPA… Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, phát triển sản phẩm mới và tối ưu hóa sản xuất; phát triển nhiều chuỗi công nghệ như: công nghệ gia công CNC, công nghệ đúc chính xác cao, công nghệ xử lý bề mặt và tự động hóa. Bên cạnh đó, CNCTech góp vốn cùng Sky Light và MK thành lập ra công ty công nghệ Pavana với mục tiêu trở thành nhà sản xuất ODM camera thông minh hàng đầu Việt Nam; bắt tay với một doanh nghiệp Nhật Bản để phát triển các hệ phần mềm quản lý gia công thông minh, ứng dụng công nghệ máy học, từ đó có thể nhân rộng ứng dụng cho các doanh nghiệp ngành dọc, kết nối mạng lưới các nhà sản xuất Việt để cùng bước cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Với Công ty TNHH Công nghiệp chính xác Việt Nam 1, những năm qua, nhờ việc chủ động đổi mới công nghê, nâng cao chất lượng sản phẩm, công ty đã không ngừng phát triển và trở thành doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực cơ khí, cung cấp linh kiện xe máy, ô tô chính cho công ty sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước như: Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam, Yamaha Việt Nam, Ford và xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Pháp, Mỹ nhờ chuỗi tổ hợp các công đoạn sản xuất hoàn chỉnh.
Công ty TNHH Công nghiệp chính xác Việt Nam 1 -DN tiên phong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ
Theo đại diện công ty, để phát triển, vươn xa trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Công ty TNHH Công nghiệp chính xác Việt Nam 1 đã tập trung cải tiến máy móc, thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển; hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp sản xuất linh kiện ly hợp xe máy, linh kiện ô tô, dập nóng nhôm/sắt, hệ thống làm mát/tản nhiệt, nhúng PVC. Đặc biệt, tháng 12/2023, công ty đã liên kết với Công ty TNHH Lioho Việt Nam triển khai xây dựng dự án công nghiệp cơ khí Lioho Machine Works Việt Nam tại Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc, với tổng mức đầu tư 75 triệu USD, chuyên sản xuất các sản phẩm phụ tùng ô tô, xe gắn máy, linh kiện kim loại của thiết bị mạng internet, linh kiện kim loại của máy bơm và phụ tùng máy khác. Khi nhà máy này đi vào hoạt động, các sản phẩm sẽ được cung cấp cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài…
Cũng chủ động đón đầu làn sóng hội nhập, từ năm 2019 đến nay, Công ty cổ phần Giày Vĩnh Yên đã tập trung đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường đàm phán, ký kết các hợp đồng gia công với với các đối tác mới, thị trường mới để cạnh tranh về thị phần xuất khẩu, nhất là với các doanh nghiệp FDI hoạt động trong cùng lĩnh vực. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam mở cửa để đón “làn sóng” đầu tư mới vào chuỗi sản xuất thông minh và chuỗi cung ứng toàn cầu, Công ty cổ phần Giày Vĩnh Yên đã tăng cường nắm bắt tình hình thị trường thế giới, nhu cầu tiêu thụ giày của người dân các nước đối tác truyền thống và thị trường tiềm năng. Tăng cường đầu tư máy móc thiết bị, chủ động đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất chất lượng sản phẩm; nâng cao năng lực cho đội ngũ quản lý, nâng cao nhận thức và trình độ tay nghề cho người lao động; hoàn thiện hệ thống phòng chống cháy nổ, bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn lao động theo các quy chuẩn của doanh nghiệp khi tham gia hội nhập.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo ra các cơ hội mới, động lực mới để các doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng, doanh nghiệp trong cả nước nói chung phát triển, bởi các hiệp định mà Việt Nam đã kỹ kết, nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) đã bao phủ gần như toàn bộ các lĩnh vực về hàng hóa và dịch vụ và có mức độ cam kết sâu nhất, mức cắt giảm thuế gần như về 0%. Cụ thể, đối với CPTPP, Việt Nam cam kết xóa bỏ gần 100% số dòng thuế, trong đó 65,8% số dòng thuế có thuế suất 0% ngay từ khi Hiệp định có hiệu lực; 86,5% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 4 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; 97,8% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 11 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Đối với EVFTA, Việt Nam cam kết xóa bỏ 65% dòng thuế ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực từ năm 2020; xóa bỏ trên 99% số dòng thuế trong vòng 9 năm; số còn lại sẽ áp dụng hạn ngạch thuế quan với mức thuế trong hạn ngạch là 0%.
Đồng hành cùng doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập, tỉnh Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo sự bình đẳng, minh bạch, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh cho tất cả các doanh nghiệp. Chỉ đạo các sở, ngành liên quan rà soát, tham mưu tỉnh sửa đổi, ban hành các cơ chế, chính sách mới nhằm hỗ trợ, tạo thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp phát triển. Đồng thời, tổ chức các buổi làm việc cụ thể với các sở, ban, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp để lắng nghe, đồng hành và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng chuyển đổi số trong sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tăng cường xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và xây dựng thương hiệu; phát triển thương mại điện tử để tăng khả năng giao dịch, tìm kiếm, mở rộng thị trường. Xây dựng các cơ chế khuyến khích, mời gọi các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài kết nối với doanh nghiệp trong tỉnh, hình thành và phát triển chuỗi cung ứng. Đồng thời, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng logistics, hạ tầng kho bãi; phát triển hạ tầng số phục vụ các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và người dân thông suốt; xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tích hợp, kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu lớn phục vụ tốt hơn cho các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế.
Các tin khác:
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra thực tế một số công trình, dự án, vụ việc trên địa bàn tỉnh