Thứ Sáu, 08/12/2023 10:04:39 (GMT+7)

Thúc đẩy phát triển tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn

Phát triển tiểu thủ công nghiệp (TTCN) đang là hướng đi hiệu quả, giúp đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi bộ mặt nông thôn. Nhờ đổi mới công nghệ, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất, TTCN khu vực nông thôn trong tỉnh thời gian qua đã có nhiều khởi sắc.

Thúc đẩy phát triển tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn

Nhiều hộ dân ở xã Lý Nhân (Vĩnh Tường) đầu tư máy móc hiện đại vào sản xuất nghề rèn truyền thống, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Được hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công, năm 2023, Công ty TNHH Thang Máy Đông Bắc, xã Đạo Tú (Tam Dương) đã đầu tư hơn 700 triệu đồng lắp đặt máy cắt laser phục vụ sản xuất (trong đó kinh phí khuyến công hỗ trợ là 201 triệu đồng). Chia sẻ về những thay đổi sau khi ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, đại diện Công ty TNHH Thang Máy Đông Bắc cho biết:

“Sau khi hoàn thiện dây chuyền sản xuất, đặc biệt là từ khi máy cắt laser được lắp đặt và đưa vào vận hành, năng suất lao động của công ty tăng lên rõ rệt. Không chỉ tạo ra sản phẩm với chất lượng bền, đẹp mà việc sử dụng nguyên liệu cũng hiệu quả hơn, tiết kiệm vật tư, vật liệu”. Doanh thu của công ty tăng trưởng mạnh, từ 285 triệu đồng/tháng lên hơn 2,5 tỷ đồng/tháng.

Năm 2023, Sở Công thương đã thực hiện hỗ trợ kinh phí đầu tư, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến cho 36 cơ sở công nghiệp nông thôn với tổng kinh phí hỗ trợ trên 5,5 tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm 2022.

Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, dây chuyền công nghệ; chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp – TTCN là một trong những nội dung quan trọng của Chương trình Khuyến công được triển khai hằng năm. Chính sách hỗ trợ này đã và đang tạo động lực tích cực để cơ sở sản xuất TTCN trên địa bàn tỉnh có điều kiện đổi mới công nghệ.

Thực tế, đổi mới công nghệ đang trở thành yêu cầu sống còn của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất TTCN hiện nay, nhất là trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Do đó, bên cạnh hỗ trợ của tỉnh, các cơ sở TTCN trong tỉnh cũng đã chủ động đầu tư áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới thiết bị trong sản xuất, thay thế dần các hoạt động lao động thủ công, máy móc thiết bị công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường.

Điển hình như việc đưa vào vận hành các máy CNC đục gỗ vi tính, máy điêu khắc mỹ thuật CNC tại các cơ sở, làng nghề mộc; máy dập, máy đột, máy mài, máy phay, máy cắt gọt kim loại tại các cơ sở sản xuất cơ khí; hay hệ thống trần thêu vi tính, hệ thống may công nghiệp tự động tại làng nghề bông vải sợi truyền thống.

Việc đầu tư máy móc thiết bị hiện đại vào các khâu sản xuất đã góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm năng lượng và tăng sức cạnh tranh của các cơ sở TTCN trên thị trường.

Với những hỗ trợ thiết thực của tỉnh cùng sự chủ động của các cơ sở trong việc đổi mới công nghệ, thích ứng với nhu cầu của thị trường, lĩnh vực TTCN của tỉnh những năm qua đã có những bước phát triển tích cực, đóng góp quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi bộ mặt nông thôn.

Là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển TTCN, xã Lý Nhân (Vĩnh Tường) hiện có làng nghề rèn và 2 làng nghề mộc được công nhận là làng nghề truyền thống.

Theo anh Trần Hoàng Hà, cán bộ khuyến công xã Lý Nhân: Thay vì sản xuất thủ công, các hộ làm rèn, mộc trong xã đã mạnh dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất. Chỉ tính riêng trong làng nghề rèn Bàn Mạch đã có 300 máy búa, 6 máy cán, 175 máy đột dập và hàng nghìn máy móc khác. Nhờ đó, doanh thu sản xuất hàng hóa TTCN hàng năm của xã ngày càng tăng. Các làng nghề đang giải quyết việc làm cho hơn 2.200 lao động trong và ngoài xã.

Hiệu quả của việc đổi mới công nghệ đối với sự phát triển ngành nghề TTCN ở khu vực nông thôn khá rõ, nhưng không phải dễ thực hiện, bởi đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Đặc biệt là với các cơ sở TTCN với quy mô nhỏ, thiếu tiềm lực về tài chính, vốn đầu tư ban đầu và vốn lưu động ít.

Theo đó, để thúc đẩy TTCN nông thôn phát triển, ngành công thương tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền các chủ trương, chính sách, cơ chế hỗ trợ khuyến khích phát triển công nghiệp – TTCN, chính sách khuyến công của tỉnh.

Đồng thời triển khai có hiệu quả nội dung xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật vào sản xuất; ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, dây chuyền công nghệ; chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp – TTCN.

Baovinhphuc