Thứ Sáu, 08/12/2023 10:03:14 (GMT+7)

Phát triển nguồn lao động chất lượng cao phục vụ các khu công nghiệp

Phát triển nguồn lao động chất lượng cao phục vụ các khu công nghiệp

Công ty TNHH sản xuất hàng may mặc Việt Nam (TAL) chuyên sản xuất các sản phẩm may mặc chất lượng cao tại Khu công nghiệp Bá Thiện 2 (Bình Xuyên) giải quyết việc làm cho gần 6.000 lao động trong và ngoài tỉnh với thu nhập trung bình 8 - 9 triệu đồng/người/tháng.

Giải bài toán thiếu hụt nguồn lao động trong các KCN, tỉnh đã triển khai các chính sách hỗ trợ đào tạo, tăng cường kết nối cung – cầu giữa lao động trong và ngoài tỉnh với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã chủ động cải thiện chính sách tiền lương, nâng cao các chế độ phúc lợi nhằm thu hút lao động đến làm việc bền vững, đáp ứng nhu cầu mở rộng phát triển sản xuất, kinh doanh (SXKD).

Toàn tỉnh hiện có 9 KCN đang hoạt động với 470 dự án còn hiệu lực đầu tư, tạo việc làm cho hơn 134.700 lao động, trong đó, lao động trong tỉnh chiếm gần 60%. Khảo sát của Ban Quản lý các KCN tại 112 doanh nghiệp trong KCN cho thấy, giai đoạn 2023 – 2025, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp là gần 48.000 lao động, trong đó, lao động phổ thông chiếm tới 86%.

Phần lớn các doanh nghiệp chỉ yêu cầu tuyển dụng lao động phổ thông, sau đó tự đào tạo nghề với thời gian đào tạo ngắn, đáp ứng nhu cầu của các công việc đơn giản trong quá trình sản xuất.

Theo đánh giá của Ban Quản lý các KCN, nguồn nhân lực của tỉnh đang trong tình trạng chưa ổn định, thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng. Mặt khác, các tỉnh, thành lân cận như Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên… đều đang phát triển các KCN, nhu cầu về nguồn lao động ở các địa phương cũng rất lớn nên có sự cạnh tranh nhất định.

Để thu hút lao động đến làm việc, thực hiện Nghị quyết số 12 của Tỉnh ủy về nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, cùng với những kết quả tích cực trong hoạt động SXKD của doanh nghiệp, thu nhập của lao động trong KCN đã có sự cải thiện rõ rệt qua các năm.

Hiện nay, thu nhập bình quân của người lao động đang làm việc tại các KCN trên địa bàn tỉnh đạt hơn 8 triệu đồng/người/tháng, cao hơn so với mặt bằng chung của các tỉnh phía Bắc.

Qua rà soát cho thấy, ngoài tiền lương, người lao động trong nhiều doanh nghiệp còn được hưởng một số phụ cấp như phụ cấp nặng nhọc độc hại, phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp chuyên cần… Ngoài ra còn có các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, nhà ở…

Hằng năm, tùy vào tình hình SXKD, người sử dụng lao động tại các doanh nghiệp đều chủ động xây dựng kế hoạch thưởng cho người lao động; trong đó, năm 2022, mức thưởng Tết Nguyên đán bình quân của lao động trong các KCN là hơn 6,3 triệu đồng/người; cao nhất là 260 triệu đồng/người.

Là doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, Công ty TNHH Compal Việt Nam (KCN Bá Thiện) hiện đang tạo việc làm cho 13.000 lao động với thu nhập trung bình 8 – 9 triệu đồng/người/tháng. Ông Cheng Ting Yen – Giám đốc Nhân sự công ty cho biết: “Do nhu cầu tuyển dụng lao động lớn, lực lượng lao động trong công ty hiện nay không chỉ đến từ Vĩnh Phúc, mà còn đến từ nhiều tỉnh lân cận như Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái…

Thu hút nguồn nhân lực vào Compal Việt Nam, môi trường làm việc được công ty đặc biệt chú trọng đầu tư. Hiện nay, hệ thống nhà ăn của công ty rộng rãi, sạch sẽ, cung cấp suất ăn đảm bảo dinh dưỡng với chi phí bình dân 22.000 đồng/suất ăn.

Các vị trí công nhân làm việc đều được trang bị điều hòa, lối đi trong nhà xưởng có mái che, đảm bảo an toàn khi di chuyển trong khu vực công ty. Ngoài lương cơ bản, công ty còn có rất nhiều phụ cấp, trợ cấp dành cho người lao động như thâm niên, chuyên cần, xăng xe, nhà ở, con nhỏ…

Vào các dịp sinh nhật, lễ tết, kết hôn, ốm đau… người lao động luôn nhận được sự quan tâm của Công đoàn và Ban lãnh đạo công ty. Ngoài ra, phong trào văn hóa – văn nghệ, thể dục – thể thao được công ty chú trọng triển khai, tạo sân chơi bổ ích, tinh thần đoàn kết gắn bó cho người lao động.

Với việc mở rộng quy mô sản xuất, năm 2024, dự kiến công ty tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng thêm khoảng 3.000 lao động”.

Giai đoạn 2021 – 2030, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ phát triển khoảng 23 KCN (thêm 4 KCN) và sau năm 2030 sẽ phát triển thêm 4 KCN, nâng tổng số các KCN trên địa bàn tỉnh là 27 KCN với tổng quỹ đất công nghiệp dự kiến khoảng 6.200 – 7.000 ha. Sự gia tăng về số lượng các KCN, doanh nghiệp mới thành lập phản ánh triển vọng tốt về thị trường lao động, tiềm năng và nhu cầu sử dụng lao động đối với các doanh nghiệp trong KCN là rất lớn.

Để thu hút lực lượng lao động trong và ngoài tỉnh đến làm việc bền vững, bên cạnh các chính sách hỗ trợ đào tạo, kết nối cung – cầu lao động của tỉnh, hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã chủ động cải thiện mức thu nhập, chế độ phúc lợi cho người lao động.

Theo đề án “Nâng cao đời sống công nhân, người lao động trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2026,” tỉnh phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân của công nhân, người lao động gấp 2 lần mức lương tối thiểu vùng; phấn đấu toàn tỉnh có thêm khoảng 10.000 công nhân, người lao động có nhà ở xã hội, ký túc xá đảm bảo điều kiện, cơ sở hạ tầng thiết yếu.

Đến nay, thu nhập bình quân của công nhân trong KCN đã gấp 2 lần mức lương tối thiểu vùng, đạt mục tiêu đề ra.

Đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghiệp, UBND tỉnh chỉ đạo Sở LĐ,TB&XH, Ban Quản lý các KCN phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai các chương trình kết nối cung – cầu lao động trong và ngoài tỉnh, hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp trong tuyển dụng lao động.

Nâng cao hiệu quả các phiên giao dịch việc làm, hỗ trợ người sử dụng lao động tuyển dụng bằng hình thức trực tuyến; tổ chức các hoạt động kết nối, giao dịch việc làm có sự liên kết giữa các địa phương trong tỉnh, giữa Vĩnh Phúc với các tỉnh lân cận.

Tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề và người lao động trực tiếp gặp gỡ, trao đổi thông tin thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng lao động, đồng thời, kết nối hợp tác đào tạo giữa các doanh nghiệp với các trường nghề trong việc đào tạo và cung ứng nhân lực theo nhu cầu sử dụng.

Baovinhphuc