Thứ Hai, 27/11/2023 14:16:48 (GMT+7)

Thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới và sáng tạo trên địa bàn tỉnh

Với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh về ứng dụng, chuyển giao công nghệ, hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, những năm gần đây, hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới và sáng tạo trên địa bàn được đẩy mạnh; đã khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu phát triển, hình thành năng lực sản xuất, góp phần tạo bứt phá về năng suất, chất lượng sản phẩm, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới và sáng tạo trên địa bàn tỉnh

Sở Khoa học và Công nghệ đã chủ động tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành và triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tăng cường thu hút đầu tư, tạo đà khởi nghiệp sáng tạo. Trong đó, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 18 quy định một số nội dung và mức chi để thực hiện Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh tổ chức ký kết Chương trình phối hợp hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2025 giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và tỉnh Vĩnh Phúc với mục tiêu hình thành và phát triển Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị Tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng về phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.

Giai đoạn 2019 – 2022, ngành Khoa học và Công nghệ đã triển khai gần 30 mô hình ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, được đánh giá có hiệu quả thực tiễn như: Mô hình trồng thử một số giống nho đen siêu ngọt; trồng cây dược liệu Sacha inchi có giá trị kinh tế cao, là nguồn nguyên liệu phục vụ cho xuất khẩu; ứng dụng nuôi trồng thử nghiệm nấm dược liệu Vân Chi – một trong những loại nấm dược liệu chứa các hoạt chất trong hỗ trợ phòng, chống ung thư; ứng dụng công nghệ khí canh trong nhân giống và sản xuất thử nghiệm cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, thời gian nhân giống nhanh; ứng dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo giống bò mới Blonde và Wagyu với đàn bò cái nền lai Zebu giúp nâng cao năng suất và chất lượng đàn bò thịt so với các nhóm bò lai đang có; ứng dụng công nghệ sinh học để nâng cao giá trị cho sản phẩm sữa tươi tại Công ty cổ phần Chăn nuôi và Chế biến sữa Vĩnh Thịnh… Đến nay, toàn tỉnh có 23 sản phẩm đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận, được cấp chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, góp phần phát triển kinh tế gia đình và địa phương. Nhiều sản phẩm được xuất khẩu như: Thanh long ruột đỏ, huyện Lập Thạch; rắn Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường; trà hoa vàng, huyện Tam Đảo… Một số sản phẩm có thị trường phát triển rộng như: Bánh tẻ Tứ Yên, bánh hòn Hương Canh, ổi Đôn Nhân, gạo ngon Phú Xuân, bưởi Vĩnh Tường, sữa bò Tam Đảo.

Các hoạt động đổi mới sáng tạo được ngành Khoa học và Công nghệ triển khai hiệu quả như: Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, giai đoạn 2021 – 2025; cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh; Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2022. Ngành cũng đã ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng, phát triển truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12850:2019 về truy xuất nguồn gốc và bảo đảm kết nối được với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia; dự kiến thời gian tới sẽ áp dụng truy xuất nguồn gốc cho một số sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, hướng tới phát triển thương mại điện tử, kinh tế số và xuất khẩu.

Tham gia vào chương trình xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, Sở đã lựa chọn, đề xuất và được tỉnh phê duyệt 4 dự án sản xuất thử nghiệm phát triển kinh tế tại các địa phương xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, gồm các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Hợp tác xã sản xuất và thương mại Định Trung, thành phố Vĩnh Yên; ứng dụng khoa học công nghệ trồng hoa và rau sạch tại thôn Thụ ích, xã Liên Châu, huyện Yên Lạc; trồng sen tại thôn Đông, xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường; trồng cây trám đen tại thôn Vân Nam, xã Vân Trục và thôn Quảng Cư, xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch.

Năm 2023, tỉnh dành gần 51 tỷ đồng kinh phí sự nghiệp để phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong đó, tỉnh luôn lấy ứng dụng và chuyển giao công nghệ làm trọng tâm, lấy hiệu quả kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường làm thước đo khi triển khai áp dụng. Nhờ đó, kết quả đạt được của ngành Khoa học và Công nghệ đã và đang góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới và sáng tạo trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, thời gian tới, tỉnh chú trọng phát triển đồng bộ, có trọng tâm trọng điểm, lấy doanh nghiệp làm trung tâm và động lực chính để bứt phá; khai thác, phát huy các nguồn lực về trí tuệ và vật chất cho phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thúc đẩy nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, khoa học lý luận chính trị để có cơ sở khoa học phục vụ tốt cho việc tham mưu các cơ chế chính sách của các ngành phục vụ sự nghiệp đối mới, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và con người. Đồng thời, tiếp tục ban hành các cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là cơ chế, chính sách trong việc thực hiện các nhiệm vụ thuộc chương trình quốc gia; tăng cường ứng dụng, chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ; phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ; phát triển hạ tầng khoa học và công nghệ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đẩy mạnh các thành tố của hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về liên kết, chuyển giao tại các địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.

vinhphucgov.vn