Cải cách hành chính góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh
Tác động suy thoái kinh tế toàn cầu những năm gần đây đã ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế, trong đó có Vĩnh Phúc. Là tỉnh luôn dẫn đầu về phát triển kinh tế của cả nước, đặc biệt là lĩnh vực thu hút đầu tư, với chỉ số cạnh tranh (PCI) luôn ở tốp đầu. Tuy nhiên, năm 2012, lần đầu tiên sau 16 năm tách tỉnh, tốc độ kinh tế của tỉnh đạt mức tăng trưởng thấp nhất (đạt 2,52%), trong đó chỉ số PCI của đã “tụt dốc” không phanh, đứng thứ 43/63 tỉnh, thành (tụt 26 bậc so với năm 2011). Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc cải thiện PCI là động lực và đòn bẩy để thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển trong 2 năm qua, tỉnh ta đề ra nhiều giải pháp, trong đó xác định: cải cách hành chính và các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ quan trọng nhằm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Trước sự sụt giảm mạnh chỉ số PCI, UBND tỉnh đã sớm ra quyết định thành lập Ban xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA) và triển khai Đề án cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Vĩnh Phúc (giai đoạn 2013-2015) nhằm khắc phục những hạn chế và bất cập cập trong thu hút đầu tư trong thời gian qua. Ngay sau IPA thành lập, đi vào hoạt động và triển khai kịp thời Đề án với sự vào cuộc của các cấp, ngành và địa phương trong tỉnh bước đầu đã góp phần tích cực vào việc cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Ông Nguyễn Tiến Hạnh, Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc IPA cho biết: Xác định rõ chức năng năng, nhiệm vụ của mình có ảnh hưởng đến môi trường đầu tư cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, IPA đã chủ động tham mưu cho tỉnh về cơ chế chính sách; hỗ trợ doanh nghiệp về các thủ tục hành chính; đồng thời chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch, tổ chức các đợt đi xúc tiến đầu tư, trong đó hướng tập trung vào các thị trường tiềm năng như: khu vực Đông Bắc Á gồm các nước như: Nhật Bản và Hàn Quốc và một số nước châu Âu và Mỹ…
Cùng với lựa chọn thị trường xúc tiến đầu tư, IPA tham mưu cho tỉnh đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua việc thực hiện tốt công tác hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị đầu tư, các doanh nghiệp đã đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn; nhất là giải quyết nhanh các TTHC về đầu tư – kinh doanh, kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tiếp tục đổi mới các nội dung phục vụ hoạt động xúc tiến cũng từng bước được xây dựng mang tính chuyên nghiệp hơn thông qua việc xây dựng bộ tài liệu xúc tiến đầu tư, phương pháp tìm hiểu thông tin, tiếp cận với nhà đầu tư, thông tin truyền thông được chú trọng hơn, hoàn thiện hơn.
Một trong các hoạt động tích cực trong CCHC đó là tỉnh đã thành lập phòng một cửa liên thông (do IPA trực tiếp điều hành), nhằm kịp thời giải quyết các thủ theo đúng quy trình một cách nhanh gọn nhất. Vì thế, mọi thủ tục hành chính các dự án đầu tư trực tiếp và đầu tư xây dựng cơ bản được giải quyết theo hướng công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục từ 1/3 đến 1 nửa so với quy định chung của nhà nước, rút ngắn khoảng 20-50% số thời gian so với trước đây. Theo ông Hạnh, để làm được điều này, một số cán bộ chuyên môn của các sở, ngành liên quan có chức năng kiêm nhiệm, sẵn sàng trực trong ngày để mọi hồ sơ, thủ tục được giải quyết nhanh nhất. Cán bộ các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Ban Quản lý các khu công nghiệp luôn nhiệt tình trong tư vấn, hướng dẫn các nhà đầu tư về lập dự án, thực hiện các dịch vụ hỗ trợ nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật; hướng dẫn cụ thể về quy trình, thủ tục hành chính, thành phần hồ sơ, mẫu biểu…
Góp phần rút ngắn khoảng cách giữa doanh nghiệp với các cơ quan công quyền của tỉnh, IPA của tỉnh đã xây dựng Cổng thông tin “Đối thoại Doanh nghiệp – Chính quyền” (doithoaidoanhnghiep.vinhphuc.gov.vn) với 5 thứ tiếng: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, tiếng Anh và tiếng Việt. Đây là cầu nối thuận lợi nhất để doanh nghiệp và các cơ quan công quyền của tỉnh đối thoại và trao đổi với nhau bất kỳ khi nào doanh nghiệp có nhu cầu. Thông qua hệ thống, các thắc mắc, yêu cầu của doanh nghiệp được gửi trực tiếp đến cơ quan có trách nhiệm giải quyết một cách nhanh chóng, đầy đủ và chính xác.
Cùng với đó, IPA đã đưa phần mềm điện tử một cửa liên thông vào sử dụng từ tháng 3/2013 nhằm tăng cường công tác giám sát của các cơ quan có trách nhiệm giải quyết thủ tục hành chính đúng thời gian quy định, đảm bảo tính công khai, minh bạch. Các hoạt động trên dù mới đi vào hoạt động nhưng bước đầu đã phát huy hiệu quả, đặc biệt là các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao, từ đó góp phần tích cực cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, bước đầu lấy lại niềm tin cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh tại tỉnh.
Theo báo cáo, 9 tháng đầu năm 2013, IPA của tỉnh tiếp nhận 560 hồ sơ dự án, trong đó đã giải quyết xong 373 hồ sơ, số giải quyết trước hạn và đúng hạn là 343 hồ sơ, đạt tỷ lệ 91,95%; giải quyết cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 31 dự án, trong đó 15 dự án FDI với số vốn 100,9 triêu USD, sử dụng8,36 ha đất và 16 dự án DDI với số vốn đăng ký 4388 tỷ đồng, sử dụng 80,32 ha đất .
Cùng với hoạt động xúc tiến và hỗ trợ đầu tư kịp thời của IPA , với vai trò cơ quan đầu mối chủ trì triển khai thực hiện các Đề án, diễn đàn, thỏa thuận hợp tác của tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đưa bộ phận “Một cửa” vào hoạt động, tích cực tham mưu cho tỉnh kịp thời ban hành Đề án cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2013-2015. Với đề án này, môi trường kinh doanh của tỉnh sẽ được cải thiện, một hình ảnh Vĩnh Phúc năng động sẽ là động lực để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng là cơ quan đầu mối tại địa phương triển khai “Hệ thống quy định điện tử Việt Nam” (e-Regulation Vietnam). Đến nay, Sở đang tiến hành tổng hợp thông tin từ các sở, ngành liên quan trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận đầu tư và thực hiện các thủ tục hành chính của doanh nghiệp, trình UBND tỉnh phê duyệt nội dung triển khai tại địa phương. Khi hệ thống đi vào hoạt động, mọi thông tin về tỉnh, các thủ tục hành chính được công khai trên mạng internet, có sự giao lưu trực tuyến giữa nhà đầu tư và cơ quan công quyền của tỉnh. Đây là kênh thông tin giúp các nhà đầu tư rút ngắn thời gian chuẩn bị hồ sơ, không phải đi lại nhiều lần, hỏi nhiều cơ quan khác nhau hoặc thông qua Công ty tư vấn tìm hiểu về thủ tục đầu tư tại tỉnh.
Cùng với đó, Sở đang tiếp tục đẩy mạnh nâng cấp Cổng thông tin thành phần trên Cổng thông tin – Giao tiếp điện tử của tỉnh. Từ việc nâng cấp này, mọi thông tin sẽ được cập nhật nhanh hơn, thuận tiện hơn cho người truy cập. Đồng thời, Sở còn bổ sung thêm những quy trình, thủ tục theo dõi, lưu giữ hồ sơ và sửa đổi, bổ sung danh mục các thủ tục theo quy trình ISO, giúp việc cung cấp số liệu, thông tin một cách tổng hợp, góp phần minh bạch hóa thủ tục hành chính của ngành.
Những động thái tích cực trên đã, đang góp phần xây dựng môi trường kinh doanh của tỉnh thực sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn và thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Hình ảnh về một Vĩnh Phúc năng động với môi trường kinh doanh và đầu tư đang dần cải thiện, tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội năm 2013 và những năm tiếp theo. Đây cũng chính là mục tiêu Đề án cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2013-2015 đã đề ra.
Các tin khác:
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra thực tế một số công trình, dự án, vụ việc trên địa bàn tỉnh