Ra mắt Sổ tay chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực chế biến và phân phối thực phẩm và lĩnh vực bán lẻ và Logistics
Trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, cuối tháng 6 vừa qua, Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và các cơ quan thuộc các Bộ, ngành liên quan ra mắt Sổ tay chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNVVV) trong lĩnh vực chế biến và phân phối thực phẩm, Chuyển đổi số cho DNNVV trong lĩnh vực bán lẻ và Logistics.
Sổ tay về chuyển đổi số cho các DNNVV trong lĩnh vực chế biến và phân phối thực phẩm cung cấp thông tin ở mức tổng quan nhằm nâng cao nhận thức và đưa ra các chỉ dẫn cho DNNVV triển khai áp dụng công nghệ số trong chế biến và phân phối thực phẩm. Từ đó, Sổ tay đưa ra gợi ý về việc xây dựng lộ trình triển khai chuyển đối số của doanh nghiệp ngành chế biến và phân phối thực phẩm trong tiêu thụ sản phẩm thị trường nội địa và xuất khẩu. Việc xây dựng lộ trình phụ thuộc vào mức độ ưu tiên của doanh nghiệp đối với các yếu tố về mục tiêu và tính chất của hoạt động kinh doanh. Các yếu tố mà doanh nghiệp cần cân nhắc khi xây dựng kế hoạch chuyển đổi số gồm: Tuân thủ quy định của nhà nước và quy định, tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu; Mở rộng thị trường, thu hút khách hàng và tối ưu chi phí.
Sổ tay chuyển đổi số cho DNNVV trong lĩnh vực bán lẻ & logistics cung cấp kiến thức nền tảng và thông tin tổng quan với mục tiêu nâng cao nhận thức và đưa ra các chỉ dẫn cho DNNVV bao gồm cả các doanh nghiệp khởi nghiệp triển khai áp dụng chuyển đổi số. Từ đó, sổ tay hướng tới đề xuất lộ trình phù hợp để áp dụng công nghệ cũng như giải pháp chuyển đổi số theo các cấp độ khác nhau, gắn với các mục tiêu sản xuất, kinh doanh và nguồn lực hiện có của doanh nghiệp, cụ thể: Xây dựng, sử dụng phần mềm quản lý nhà cung cấp, Giải pháp quản lý vận tải, Quản lý hệ thống kênh phân phối, Trung tâm kiểm soát chuỗi cung ứng (Supply chain control tower)…
Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp thực hiện. Chương trình hướng tới mục tiêu đến năm 2025: 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; Tối thiểu 100.000 doanh nghiệp được hỗ trợ kỹ thuật về chuyển đổi số; Tối thiểu 100 doanh nghiệp được hỗ trợ là mô hình chuyển đổi số điển hình thành công để lan tỏa và nhân rộng; Thiết lập mạng lưới chuyên gia gồm tối thiểu 100 tổ chức, cá nhân tư vấn, cung cấp giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển các nền tảng số.
Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ giai đoạn hậu dịch Covid-19 với sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế và sự ứng dụng ngày càng hiệu quả của các phương thức sản xuất kinh doanh mới gắn với chuyển đổi số, doanh nghiệp nào nắm vững và sớm có được một chiến lược chuyển đổi số hiệu quả, bài bản, thì sẽ đón bắt được các cơ hội phát triển để bứt phá, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp và chế biến thực phẩm. Bên cạnh đó, với nhu cầu thương mại xuyên biên giới ngày càng tăng cùng với sự bùng nổ của các nền tảng thương mại điện tử, cũng như các thay đổi hành vi của người tiêu dùng đang đòi hỏi doanh nghiệp có sự bứt phá để nhanh chóng đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhóm ngành bán lẻ và logistics đang trong thời điểm thuận lợi để đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh, sản xuất và phát triển nhanh chóng với sự trợ giúp của chuyển đổi số. Do đó, cuốn Sổ tay chuyển đổi số có thể coi là cẩm nang rất quan trọng giúp hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp và người nông dân trong quá trình này./.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt