Cần chiến lược tổng thể cho doanh nghiệp nhà nước
Hiệu quả đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước không chỉ được nhìn nhận trong phạm vi từng doanh nghiệp. Bởi vậy, cần một chiến lược tổng thể để các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu của nền kinh tế.
Các kế hoạch triệu tỷ đồng
Khoản tiền khổng lồ lên đến 328.797 tỷ đồng là kế hoạch đầu tư của 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong năm 2023. Chia theo lĩnh vực, thì đứng đầu là năng lượng, với 166.676 tỷ đồng, do EVN, PVN, TKV, Petrolimex thực hiện. Kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải là lĩnh vực đứng kế tiếp, với 49.571 tỷ đồng, do ACV, VEC, các tổng công ty đường sắt, hàng không, hàng hải thực hiện…
Nếu tính cả giai đoạn 2021 – 2025, tổng vốn đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là 1.228.000 tỷ đồng.
Đây là nhiệm vụ mà Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp giao các tập đoàn, tổng công ty nhà nước để đảm bảo tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư theo kế hoạch được giao hằng năm, cũng như đẩy nhanh tiến độ các dự án mới.
So với mức thực hiện năm 2022 (gần 156.500 tỷ đồng), kế hoạch năm 2023 có mức tăng đáng kể. Điều này cũng có nghĩa, trách nhiệm của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và các cơ quan có liên quan sẽ nặng hơn.
Cần phải nói thêm, cho tới thời điểm này, nhiều vướng mắc trong triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vẫn rất lớn.
Báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp gửi Chính phủ cho thấy, những khó khăn về cơ chế, chính sách là không nhỏ, như quy phạm pháp luật chưa đồng bộ; chưa đẩy mạnh phân công, phân cấp gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Quá trình thực hiện các dự án đầu tư phải tham chiếu quy định của nhiều văn bản pháp luật, một số nội dung chưa đồng nhất hoặc tăng thêm các bước thủ tục, làm cho quá trình đầu tư kéo dài.
Đặc biệt, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thực hiện chưa được sửa đổi theo thực tiễn, chưa tạo sự chủ động cho doanh nghiệp đưa ra những quyết định kịp thời.
Bên cạnh đó, các vướng mắc cụ thể, có tính chất đặc thù còn nhiều. Ví dụ được nhắc đến là kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2022 bị lỗ, dự kiến năm 2023 tiếp tục lỗ và có khả năng khiến EVN gặp khó khăn trong việc đảm bảo cân bằng tài chính, cân đối dòng tiền hoạt động để đầu tư các dự án điện…
Ví dụ khác, khi quy hoạch mạng cảng hàng không và điều chỉnh quy hoạch chi tiết các cảng hàng không chưa được trình và phê duyệt, thì Tổng công ty Hàng không Việt Nam rất khó khắc phục sự chậm trễ trong việc lập, thực hiện các dự án đầu tư cảng hàng không…
“Những vướng mắc này là một trong những nguyên nhân không nhỏ làm cho các tập đoàn, tổng công ty không phát huy được đầy đủ các nguồn lực vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, đóng góp tương xứng với nguồn lực được giao vào phát triển kinh tế – xã hội”, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo Chính phủ.
Xu thế không thể đứng ngoài
Trong đánh giá chung về hiệu quả đầu tư của 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước gửi Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, các tập đoàn, tổng công ty chưa phát huy hết hiệu quả nguồn lực vốn, tài sản được giao, chưa có nhiều đóng góp quan trọng trong việc tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội.
Có thể thấy rõ điều này nếu nhìn vào tỷ trọng giữa nguồn lực vốn, tài sản của các tập đoàn, tổng công ty và việc huy động, khai thác.
Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dành riêng một phần đánh giá cho việc chưa chú trọng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực, hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã tập trung đầu cho các dự án phục vụ sản xuất, kinh doanh chính, nhưng lại chưa có sản phẩm trong các ngành công nghệ cao, công nghệ lõi có tính chất lan tỏa hoặc có khả năng chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hóa, cơ khí chính xác…
Thời gian vừa qua, rất ít dự án, công trình được khởi công. Hoạt động đầu tư chủ yếu mang tính đơn lẻ, chưa có sự phối hợp, liên kết, tận dụng thế mạnh của hệ thống doanh nghiệp nhà nước trong các lĩnh vực để thực hiện các dự án lớn, trọng điểm… Năng lực quản trị và triển khai dự án còn yếu…
Tuy nhiên, những thách thức với hiệu quả của nguồn lực đang nằm trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn hơn rất nhiều khi nhìn vào những chuyển động gần đây của thị trường thế giới.
Theo các chuyên gia, sau đại dịch Covid-19 và những tác động rất lớn của tình hình địa – chính trị toàn cầu, thế giới đang chứng kiến sự thay đổi trong xu hướng phát triển của các tập đoàn tư nhân, doanh nghiệp nhà nước lớn trên thế giới. Các quốc gia đều khuyến khích doanh nghiệp tập trung đầu tư trong nước để nâng cao năng lực tự chủ của nền kinh tế.
Đồng thời, các chuyên gia cũng nhìn thấy sự dịch chuyển sang năng lượng tái tạo trước nguy cơ mất an ninh năng lượng do cuộc xung đột Nga – Ukraine, đón đầu các lĩnh vực mới, tạo ra đột phá trong công nghệ hay hoàn thiện hệ thống kết cầu hạ tầng quan trọng.
Ví dụ, Trung Quốc đề xuất mục tiêu nâng cao năng lực về cạnh tranh, đổi mới, kiểm soát, ảnh hưởng và chống rủi ro của kinh tế nhà nước; yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước thúc đẩy tăng trưởng ổn định, đóng vai trò dẫn dắt đầu tư, cải cách tổng thể hoạt động kinh tế…
Rõ ràng, hiệu quả đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước không chỉ được nhìn nhận trong phạm vi doanh nghiệp. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần thống nhất quan điểm về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh và đổi mới quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế để trở thành đầu tàu của nền kinh tế.
Nghĩa là, cần một chiến lược tổng thể đầu tư phát triển của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt