Thêm trợ lực Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
Thời gian qua, với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Tỉnh Vĩnh Phúc cũng có nhiều chương trình, đề án, kế hoạch triển khai hỗ trợ. Mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025 tại Quyết định số 2204/QĐ-UBND ngày 21/11/2022.
Việc xây dựng Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp đến năm 2025 là cần thiết để khuyến khích, thúc đẩy phát triển DNNVV, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh minh bạch, bình đẳng, thông thoáng và thuận lợi, giúp các DNNVV có cơ hội phát triển nhanh và bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Hướng tới mục tiêu: (1) mỗi năm tăng 1.300 – 1.500 doanh nghiệp thành lập mới trong đến năm 2025. Trong đó, đặc biệt chú trọng khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi từ các hộ kinh doanh;(2) 100% doanh nghiệp thành lập mới đến năm 2025 được phổ biến, nhận thức về chuyển đổi số; Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%.(3) Đến năm 2025, DNNVV phấn đấu đạt được các chỉ tiêu: Giải quyết việc làm mới cho người lao động bình quân hàng năm đạt 7.700 người/năm; GRDP của DNNVV tạo ra năm sau so với cùng kỳ năm trước tăng 10-15%/năm; Nộp ngân sách của các DNNVV năm sau so với cùng kỳ năm trước tăng 7-10%/năm so với cùng kỳ năm trước (năm sau so với năm trước); Đóng góp vốn đầu tư của các DNNVV trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội hàng năm tăng khoảng 10-15% so với cùng kỳ năm trước (năm sau so với năm trước); (4) Củng cố, nâng cấp các mô hình sản xuất tập trung, liên kết sản xuất hiện có để phát triển hình thành khoảng 05 cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị thuộc 05 ngành tiềm năng: Công nghệ thông tin; Công nghiệp điện tử; Công nghiệp cơ khí chế tạo; Nông nghiệp công nghệ cao; Bảo quản và chế biến nông sản.
Để thực hiện được mục tiêu trên, đề án đã dự kiến tổng nhu cầu kinh phí triển khai hơn 213 tỷ đồng với 05 nhóm nội dung hỗ trợ:
Hỗ trợ chung: Hỗ trợ thông tin pháp lý; Hỗ trợ tiếp cận tín dụng; Hỗ trợ mặt bằng sản xuất; Hỗ trợ mở rộng thị trường; Hỗ trợ thuế , kế toán; Hỗ trợ tư vấn cho DNNVV; Hỗ trợ công nghệ; Hỗ trợ nguồn nhân lực cho DNNVV
Hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh: – Hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn về trình tự, thủ tục, hồ sơ đăng ký chuyển đổi thành lập doanh nghiệp; Hỗ trợ đăng ký doanh nghiệp, công bố thông tin doanh nghiệp; Hỗ trợ Thủ tục đăng ký ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; Hỗ trợ lệ phí môn bài; Hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền sử dụng đất có thời hạn theo quy định của pháp luật;Hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán;Hỗ trợ thủ tục đăng ký ngành, nghề kinh doanh có điều kiện…
Hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo: Hỗ trợ sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung; Hỗ trợ tư vấn sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; Hỗ trợ thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; Thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm, mô hình kinh doanh mới; Hỗ trợ về công nghệ; Hỗ trợ đào tạo, huấn luyện chuyên sâu; Hỗ trợ về thông tin, truyền thông, xúc tiến thương mại, kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo; Hỗ trợ lãi suất khi DNNVV vay vốn trung và dài hạn tại các tổ chức tín dụng để thực hiện phương án, dự án sản xuất – kinh doanh,
Hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị: Hỗ trợ về đào tạo nâng cao trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất chuyên sâu cho các DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; Hỗ trợ DNNVV nâng cao năng lực liên kết sản xuất và kinh doanh; Hỗ trợ thông tin, phát triển thương hiệu, kết nối và mở rộng thị trường; Hỗ trợ tư vấn về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; Hỗ trợ thực hiện các thủ tục về sản xuất thử nghiệm, kiểm định, giám định, chứng nhận chất lượng; Hỗ trợ lãi suất cho DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
Tiếp tục triển khai hiệu quả, đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh phù hợp với thực tiễn: Nghị quyết số 19/2020/NQ-HĐND ngày 14/12/2020; Nghị quyết số 87/2019/NQ-HĐND ngày 11/12/2019 của HĐND tỉnh Nghị quyết số 89/2019/NQ-HĐND ngày 11/12/2019; Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND ngày 14/12/2020…
Theo đó, Đề án cũng quy định rõ nhiệm vụ trọng tâm của từng cơ quan, đơn vị để tập trung chỉ đạo triển khai kịp thời, hiệu quả các giải pháp đặt ra, tổ chức thực hiện đảm bảo hoàn thành các mục tiêu của Đề án./.
Các tin khác:
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra thực tế một số công trình, dự án, vụ việc trên địa bàn tỉnh