Vĩnh Phúc: Điểm đến đầu tư an toàn, tiềm năng
10 tháng đầu năm 2022, nhiều nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng vốn, mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Vĩnh Phúc. Điều này cho thấy Vĩnh Phúc tiếp tục là điểm đến an toàn, tin cậy cho các nhà đầu tư gắn bó lâu dài.
Với sự đồng hành, hỗ trợ kịp thời của Tỉnh, cùng nỗ lực vượt khó của chính nhà đầu tư, ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, nhà đầu tư đã nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực vào sự phục hồi, phát triển của địa phương. Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Vĩnh Phúc, trong 10 tháng đầu năm 2022, Tỉnh đã cấp phép mới cho 25 dự án, điều chỉnh tăng vốn cho 32 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đạt 312,5 triệu USD. Một trong những dự án có quy mô lớn được trao giấy chứng nhận đầu tư trong 10 tháng đầu năm 2022 là Dự án Nhà máy Ojitex Vĩnh Phúc với tổng vốn đăng ký 58 triệu USD, được Ban Quản lý các khu công nghiệp Vĩnh Phúc trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tháng 3/2022.
Theo Sở KH&ĐT Vĩnh Phúc, một trong những điểm sáng về thu hút FDI 10 tháng đầu năm 2022 của Tỉnh là 32 dự án điều chỉnh quy mô với 136,45 triệu USD, tăng 11,23% so với cùng kỳ năm trước. Việc các nhà đầu tư điều chỉnh tăng quy mô đầu tư hơn 11% so với cùng kỳ năm trước cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhà đầu tư đã ổn định trở lại, khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư của địa phương, tiếp tục đưa ra các quyết định đầu tư mở rộng dự án hiện hữu tại Tỉnh.
“Quan điểm của tỉnh Vĩnh Phúc là các nhà đầu tư đầu tư tại địa phương là công dân của Tỉnh, thành công của doanh nghiệp chính là thành công của Tỉnh. Do vậy, Tỉnh sẽ luôn luôn đặc biệt quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư”, bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhấn mạnh tại một hội nghị kết nối đầu tư với doanh nghiệp Nhật Bản gần đây.
Với quan điểm này, tỉnh Vĩnh Phúc luôn quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đến tìm hiểu, đầu tư. Những năm qua, lãnh đạo Tỉnh đã tận dụng thời cơ, thế mạnh của Tỉnh, thể hiện tầm nhìn, sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, thu hút các dự án đầu tư bằng các chương trình, đề án cụ thể, phù hợp với từng thời kỳ. Những năm gần đây, Tỉnh chú trọng thu hút FDI theo chiều sâu, với nhiều dự án đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp hiện đại, công nghệ cao thân thiện với môi trường, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và hướng tới giải quyết việc làm cho lao động trình độ cao.
Cùng với đó, Tỉnh đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư phù hợp với bối cảnh thực tế của địa phương. Lựa chọn các nhà đầu tư đủ năng lực để đầu tư hạ tầng khu công nghiệp; giảm giá thuê đất và gia hạn nộp thuế đất; ban hành chính sách đất dịch vụ, huy động nguồn kinh phí để giải phóng mặt bằng nhanh; ban hành chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ; đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng; hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách về thu hút đầu tư, tập trung vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào các khu công nghiệp… Tỉnh cũng triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)…
Theo kết quả chỉ số PCI công bố mới nhất, năm 2021, Vĩnh Phúc tăng 24 bậc so với năm 2020, vươn lên vị trí thứ 5 cả nước, được ghi nhận là địa phương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc năm 2021. Trong đó, các vấn đề sau đăng ký đầu tư, chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp… có nhiều cải thiện. Điều này cho thấy môi trường kinh doanh của Vĩnh Phúc đang rất thuận lợi.
Đánh giá về tiềm năng của tỉnh Vĩnh Phúc trong thu hút đầu tư nước ngoài, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, với sự chủ động và thân thiện của chính quyền, các doanh nghiệp lớn coi đây là “căn cứ địa” để sản xuất và mở rộng hoạt động đầu tư.
Tại các hội nghị xúc tiến, kết nối đầu tư được tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức từ đầu năm đến nay, nhiều nhà đầu tư Nhật Bản, Singapore, Malaysia… đánh giá cao môi trường đầu tư của Tỉnh, nhận định Vĩnh Phúc là điểm đến đầu tư an toàn, tiềm năng cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Daiki Mihara, Tổng giám đốc Honda Việt Nam, cho biết, Honda đã lựa chọn Vĩnh Phúc là nơi đặt trụ sở chính và nhà máy sản xuất quy mô hơn 70 ha. Trong thời gian đầu tư tại Việt Nam, Honda luôn nhận được sự đồng hành và hỗ trợ của Tỉnh, giúp doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong thực thi các chính sách về thủ tục hành chính, thuế, giải phóng mặt bằng và nhiều thủ tục khác.
Vĩnh Phúc – điểm đến đầu tư an toàn, tiềm năng
Bằng việc tích cực cải thiện môi trường đầu tư, lắng nghe và kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, hơn 25 năm qua, Vĩnh Phúc luôn khẳng định là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, với dòng vốn đầu tư cả FDI, DDI tăng vọt; hàng trăm tập đoàn, doanh nghiệp, nhà đầu tư đã tìm đến Vĩnh Phúc, ngay cả giữa những lúc đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Chia sẻ với phóng viên Cổng Thông tin – Giao tiếp điện tử nhân sự kiện Vĩnh Phúc ngược dòng ngoạn mục quay trở lại Top 5 tỉnh, thành dẫn đầu về PCI, nhiều nhà đầu tư cho biết, với họ, Vĩnh Phúc luôn là điểm đến đầu tư an toàn, tiềm năng.
Ông Đinh Hoài Nam, Giám đốc phát triển kinh doanh Công ty TNHH Sea Logicstics Việt Nam (GLP):
Như các nhà đầu tư khác, GLP đã đi khảo sát, tìm hiểu môi trường đầu tư ở nhiều nước và một số tỉnh, thành của Việt Nam. Sau vài lần đến Vĩnh Phúc, được gặp gỡ, trao đổi cơ chế chính sách với lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành, nhất là nắm được các thông tin về thu ngân sách, tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư, phát triển các khu công nghiệp, phát triển công nghiệp, GLP rất muốn được đầu tư phát triển ngành logistics hiện đại và thân thiện với môi trường tại đây.
Theo ông Nam, GLP đang phát triển, vận hành cơ sở hạ tầng kho vận và hậu cần hiện đại tập trung tại khu vực Đông Nam Á. Mặc dù trên địa bàn tỉnh có một số doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực logistics và cuối tháng 12/2021, tỉnh đã khởi công xây dựng Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc theo hướng hiện đại, mang tầm vóc khu vực và quốc tế nên GLP tin tưởng sẽ phát triển tốt tại tỉnh, bởi Vĩnh Phúc có vị trí thuận lợi, có ngành công nghiệp phát triển, thị trường xuất-nhập khẩu hàng hóa rộng lớn. Bên cạnh đó, nhìn rộng ra thì Việt Nam được xem là một trong những thị trường hấp dẫn nhất nhờ vào dân số năng động, nền kinh tế đang ngày càng phát triển và sự gia tăng tiêu dùng nội địa của tầng lớp trung lưu. “Chúng tôi nhận thấy những điểm tương đồng giữa Việt Nam và các mô hình kinh doanh logistics của chúng tôi tại Trung Quốc và Ấn Độ. Vì thế, chúng tôi tự tin sẽ tận dụng những kiến thức, kinh nghiệm và chuyên môn tại các thị trường nói trên để hình thành một doanh nghiệp phát triển bền vững và dẫn đầu tại Việt Nam về logistics.”- ông Nam chia sẻ.
Ông KC CHEN, Phó Tổng Giám đốc cấp cao Công ty TNHH Compal Việt Nam:
Việt Nam đang từng bước trở thành “cứ điểm” sản xuất của nhiều ngành hàng trên thế giới, trong đó có sản xuất linh kiện điện tử. Với Compal Việt Nam – doanh nghiệp nằm trong Top 500 công ty hàng đầu thế giới, Top 100 công ty công nghệ toàn cầu chuyên sản xuất máy tính xách tay, các thiết bị ngoại vi, thiết bị thông minh khác như đồng hồ thông tin, xe hơi thông minh…thì việc tìm kiếm được môi trường đầu tư, xây dựng nhà máy để hoạt động là điều vô cùng quan trọng.
Hơn chục năm có mặt tại tỉnh, Compal Việt Nam luôn tự hào là một trong những doanh nghiệp có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế – xã hội, giải quyết việc làm ổn định cho trên 5.000 lao động. Chúng tôi cũng rất yên tâm và cảm kích trước sự quan tâm, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp phát triển, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Cụ thể, trong thời gian dịch bệnh diễn ra căng thẳng, các ca nhiễm cộng đồng tăng lên nhiều, tỉnh đã chỉ đạo rà soát, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, ưu tiên bố trí tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19 cho người lao động trong doanh nghiệp; đề xuất phương án truy vết, khoanh vùng, cách ly người tiếp xúc gần với trường hợp nhiễm Covid-19 một cách hợp lý, bảo đảm an toàn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời dành chỗ ở, có xe buýt đưa đón miễn phí cho công nhân ngoại tỉnh; công bố kịp thời các vùng dịch để doanh nghiệp biết, thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch; điều xe chở F0 đi cách ly tập trung hoặc về địa phương để thực hiện cách ly và điều trị….
Bên cạnh đó, để khôi phục, duy trì hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong tình hình mới, tỉnh đã kịp thời có những giải pháp hỗ trợ, giúp doanh nghiệp nhanh chóng tuyển được số lao động bị thiếu hụt do dịch bệnh từ các tỉnh, thành phố lân cận như Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Tuyên Quang…
Compal Việt Nam tin tưởng, với việc tích cực cải thiện môi trường đầu tư từ việc chăm sóc các nhà đầu tư tại chỗ trong đại dịch và việc PCI của tỉnh đã vươn lên xếp vị trí thứ 5 cả nước sẽ là cú hích mới thúc đẩy hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài của Vĩnh Phúc trong thời gian tới.
Ông Đinh Khải Hoàn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kohsei Multipack Việt Nam:
Kohsei Multipack Việt Nam là doanh nghiệp liên doanh vốn đầu tư của Nhật Bản và Hàn Quốc, đi vào hoạt động tại khu công nghiệp Bình Xuyên từ năm 2008, chuyên sản xuất túi bao bì dẻo từ nhựa dẻo PP, PE phục vụ sản xuất cho ngành công nghiệp. Hơn 14 năm đầu tư tại Vĩnh Phúc, chúng tôi luôn tự hào là một trong những doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động, có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của tỉnh, với sản lượng bình quân khoảng 2 triệu sản phẩm/năm, chủ yếu xuất khẩu sang thị trường các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Philippines…giải quyết việc làm ổn định cho gần 700 lao động với mức lương bình quân 10,5 triệu đồng/người tháng.
Theo ông Hoàn, trong khó khăn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, nhà đầu tư nước ngoài cảm nhận rõ hơn và trân quý hơn hơn những tình cảm, quan điểm chỉ đạo, phương châm trong thu hút đầu tư của tỉnh là coi “nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư tại Vĩnh Phúc là công dân của Vĩnh Phúc”. Bởi trên thực tế, Kohsei Multipack Việt Nam là một trong những doanh nghiệp đầu tiên trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 ngay từ đợt dịch đầu. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của tỉnh vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa bảo đảm các hoạt động sản xuất, Công ty đã linh hoạt đưa ra các giải pháp, kế hoạch sản xuất, chiến lược thị trường phù hợp. Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, để động viên, khuyến khích người lao động ngoại tỉnh ở lại Vĩnh Phúc làm việc, Công ty đã hỗ trợ chi phí sinh hoạt, ăn, ở cho công nhân ngoại tỉnh; hỗ trợ các chi phí xét nghiệm sàng lọc cho công nhân; xây dựng phương án 3 tại chỗ để ứng phó với dịch bệnh. Nhờ đó, người lao động luôn tin tưởng, gắn bó, quay trở lại Công ty làm việc ngay khi hết cách ly y tế, giúp doanh nghiệp không bị thiếu hụt lao động trong đại dịch, góp phần đưa doanh thu của Công ty năm 2021 đạt trên 18 triệu USD, nộp ngân sách nhà nước gần 9 tỷ đồng.
Ông Hoàn cho rằng, để Vĩnh Phúc tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, về lâu dài tỉnh cần có những giải pháp cụ thể trong công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; quan tâm đầu tư xây dựng nhà ở công nhân, các thiết chế văn hóa công nhân để thu hút lao động ngoài tỉnh vào làm việc, giúp các doanh nghiệp giải quyết tốt bài toán thiếu hụt lao động. Cùng với đó, kịp thời có các chính sách ưu đãi về thuế, nguồn vốn vay ưu đãi để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, nhanh chóng phục hồi, phát triển khi gặp khó khăn.
Các tin khác:
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra thực tế một số công trình, dự án, vụ việc trên địa bàn tỉnh