Tháo gỡ điểm nghẽn giải phóng mặt bằng
Nhằm tạo quỹ đất sạch thu hút các nhà đầu tư, tỉnh đã linh hoạt ban hành, triển khai các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tế, bảo đảm giải quyết hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp (DN), qua đó, tháo gỡ các điểm nghẽn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (BT- GPMB). Từ đó có thêm nhiều công trình, dự án đưa vào sử dụng, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội (KT-XH) của tỉnh.
Thời gian qua, công tác GPMB được xác định là điểm nghẽn, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án phát triển KT-XH của tỉnh. Nguyên nhân do cơ chế BT- GPMB xung đột đơn giá bồi thường giữa việc tự thỏa thuận và bồi thường, hỗ trợ theo chính sách của Nhà nước; việc thực hiện GPMB chưa giao cho tổ chức GPMB chuyên nghiệp; quy trình, trình tự còn bất cập giữa các quy định của hệ thống pháp luật hiện hành.
Để tháo gỡ các vướng mắc đó, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 02- NQ/TU ngày 26/2/2021 về lãnh đạo thực hiện các biện pháp đẩy nhanh công tác GPMB để thực hiện các dự án phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, HĐND và UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố rà soát các chính sách, pháp luật liên quan đến công tác GPMB; khảo sát, đánh giá tình hình thực tế, tham khảo các tỉnh bạn, từ đó tham mưu cho tỉnh các giải pháp thực hiện.
Tỉnh đã cụ thể hóa các quy định của Luật, Nghị định, Thông tư liên quan đến công tác BT- GPMB tại địa phương, tạo cơ chế đồng bộ trong công tác tổ chức thực hiện GPMB trên địa bàn tỉnh.
Điển hình như Nghị quyết số 01/2021 của HĐND tỉnh và Quyết định số 13/2021 của UBND tỉnh quy định về một số biện pháp đặc thù đảm bảo công tác GPMB kịp thời, đúng tiến độ đối với các dự án trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, bước đầu đã tháo gỡ được vướng mắc lớn nhất về giá bồi thường, hỗ trợ trong GPMB, trong đó quy định thêm mức thưởng cho hộ gia đình, cá nhân có đất nông nghiệp bị thu hồi với mức hỗ trợ tối đa 43,2 triệu đồng/sào.
Quyết định 61/2021 về ban hành quy định chi tiết một số điều về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh (thay thế các quyết định cũ), trong đó đã tăng mức hỗ trợ từ 2,5 lần lên 3,5 lần và tăng các khoản hỗ trợ khác, đã tạo điều kiện để người có đất thu hồi được tăng đơn giá bồi thường, hỗ trợ về đất nông nghiệp lên khoảng 150 triệu đồng/sào đã khuyến khích được người dân tự nguyện thực hiện các quyết định thu hồi đất, tạo điều kiện cho việc đẩy nhanh tiến độ GPMB.
Quy trình, trình tự thực hiện GPMB đã được UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cấp huyện thực hiện, chủ động phối hợp với UBND các huyện, thành phố rà soát những khó khăn, vướng mắc tham mưu UBND tỉnh giải quyết; rà soát khu đất dịch vụ, quỹ đất ở của các địa phương để chi trả đất dịch vụ cho người dân và bố trí đất tái định cư cho các hộ dân trong thực hiện GPMB một số dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh; rà soát đưa vào quy hoạch, kế hoạch dự kiến các quỹ đất tái định cư, khu nghĩa trang phục vụ GPMB các dự án trong giai đoạn 2020-2025.
Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã giải quyết xong việc nợ đất dịch vụ của người dân có đất thu hồi; việc bố trí các quỹ đất phục vụ tái định cư, các khu nghĩa trang được ưu tiên quy hoạch và đầu tư xây dựng song song với công tác GPMB của dự án; công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã bố trí các quỹ đất nghĩa trang; quỹ đất di chuyển, hoàn trả các công trình hạ tầng-xã hội trong phạm vi GPMB của các dự án, đảm bảo tiến độ GPMB cho các công trình Nhà nước thu hồi đất.
Với những giải pháp đồng bộ về cơ chế, chính sách BT- GPMB đã nâng cao được nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong công tác GPMB, tạo được sự đồng thuận của người dân có đất thu hồi và trở thành khâu đột phá GPMB thực hiện các dự án Nhà nước thu hồi đất, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư phát triển KT-XH của tỉnh.
Kết quả 9 tháng năm 2022, toàn tỉnh thực hiện GPMB cho 346 dự án, công trình phát triển KT-XH, trong đó diện tích đã thực hiện GPMB hơn 600ha, đạt 56% so với diện tích kế hoạch GPMB của năm; thực hiện tái định cư cho 152 hộ với diện tích 1,35ha; giải quyết cơ bản xong về đất dịch vụ cho các hộ dân đủ điều kiện.
Việc xây dựng phương án và tổ chức cưỡng chế theo quy định của pháp luật trong GPMB được xây dựng chặt chẽ, vì vậy các cuộc cưỡng chế được thực hiện an toàn cho 17 trường hợp tổ chức cưỡng chế kiểm đếm; 23 cuộc tổ chức cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất do người dân cố tình không chấp hành. Qua đó, tạo được sự lan tỏa, phối hợp, tuân thủ pháp luật trong việc BT- GPMB.
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các công trình, dự án, nhất là các dự án trọng điểm, thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ BT- GPMB các KCN mới có quyết định thành lập như Sơn Lôi, Sông Lô I, Sông Lô II, Tam Dương I – khu vực 2; Thái Hòa – Liễn Sơn – Liên Hòa khu vực 2 (giai đoạn 1) và Nam Bình Xuyên tạo quỹ đất sạch để đầu tư hạ tầng, thu hút dự án đầu tư mới.
Chỉ đạo các ngành, địa phương xây dựng kế hoạch GPMB cụ thể, chi tiết cho từng năm, từng dự án, công trình; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các quy định, chế độ chính sách của nhà nước về BT- GPMB; tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách BT- GPMB khi Nhà nước thu hồi đất, nhất là về giá bồi thường, đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và DN
Các tin khác:
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra thực tế một số công trình, dự án, vụ việc trên địa bàn tỉnh