Gỡ vướng dự án PPP, mở đường hút vốn đầu tư mới
Nhiều dự án giao thông lớn đã được phê duyệt chủ trương đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và đang tích cực triển khai các bước tiếp theo với quyết tâm rất lớn của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho thấy những chuyển động tích cực từ khi Luật PPP có hiệu lực thi hành (ngày 1/1/2021). Dù vậy, việc triển khai các dự án PPP vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, nếu được tháo gỡ hiệu quả sẽ mở ra nhiều cơ hội thu hút nguồn vốn tư nhân hơn trong thời gian tới.
Luật PPP “mở đường” cho nhiều dự án lớn
Ngày 20/11/2022, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng thay mặt Thủ tướng Chính phủ trao Quyết định chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) – Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) theo phương thức PPP cho Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp. Đây là dự án hạ tầng giao thông mới nhất được duyệt chủ trương đầu tư theo phương thức PPP, kể từ khi Luật PPP có hiệu lực. Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 17.200 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước tham gia Dự án là 6.500 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư là 1.605 tỷ đồng và 9.095 tỷ đồng từ các nguồn huy động.
Cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc là đoạn tuyến thứ hai trong ba đoạn tuyến thuộc cao tốc Dầu Giây – Liên Khương được phê duyệt chủ trương đầu tư. Trước đó, tháng 9/2022, Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây – Tân Phú (giai đoạn 1) đã được phê duyệt chủ trương đầu tư theo phương thức PPP. Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 8.365,651 tỷ đồng, phần vốn nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm thu xếp khoảng 7.065,651 tỷ đồng, phần vốn nhà nước tham gia trong Dự án khoảng 1.300 tỷ đồng. Đoạn cuối của tuyến cao tốc này là Bảo Lộc – Liên Khương đang được tổ chức thẩm định, dự kiến cũng kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP.
Trong năm 2022, đại dự án hạ tầng giao thông khác được phê duyệt chủ trương đầu tư theo phương thức PPP là Dự án thành phần 3 Đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng thủ đô Hà Nội. Sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án khoảng 56.536 tỷ đồng, trong đó vốn nhà đầu tư thu xếp khoảng 29.447 tỷ đồng.
Ngoài những dự án trên, theo thống kê sơ bộ của phóng viên Báo Đấu thầu, từ khi Luật PPP có hiệu lực thi hành đến nay, một số dự án PPP khác đã được quyết định chủ trương đầu tư như: Cảng hàng không Sapa, Cảng hàng không Quảng Trị, tuyến đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hóa – Sầm Sơn và đoạn Quảng Xương – Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Danh mục thu hút đầu tư của nhiều địa phương thời gian tới cũng có những dự án dự kiến kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP.
Theo ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), mục tiêu Chính phủ đặt ra là đến năm 2030 nước ta có 5.000 km đường cao tốc, như vậy còn dư địa phát triển rất lớn, mở ra nhiều cơ hội cho đầu tư các công trình giao thông theo phương thức PPP.
Gỡ vướng mắc để thu hút đầu tư hiệu quả
Dù có nhiều dự án PPP được phê duyệt chủ trương đầu tư, nhưng việc chưa có dự án nào đi vào thực hiện trong gần 2 năm qua dẫn đến một số ý kiến băn khoăn, quan ngại việc triển khai dự án PPP.
Trong báo cáo giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ KH&ĐT chia sẻ một số vướng mắc, khó khăn. Đó là, có độ trễ trong việc áp dụng chính sách mới tại Luật PPP. Mặt khác, các dự án PPP mới vẫn chỉ tập trung ở lĩnh vực giao thông mà chưa được mở rộng sang các lĩnh vực tiềm năng khác do văn bản hướng dẫn chi tiết cho việc thực hiện dự án PPP trong các lĩnh vực này chưa được nghiên cứu, ban hành. Nhiều dự án được thực hiện trong giai đoạn trước không thực sự khả thi, dẫn đến tình trạng nợ xấu của các dự án BOT, BT khiến thị trường tín dụng dành cho PPP ngày càng hạn chế. Bên cạnh đó, để đạt mục tiêu giải ngân cấp bách vốn đầu tư công nhằm phục hồi kinh tế, một số dự án chuẩn bị đầu tư theo PPP chuyển sang đầu tư công hoàn toàn, dẫn đến giảm số lượng dự án PPP được triển khai…
Nhằm khắc phục các khó khăn trên, Bộ KH&ĐT đã tham mưu với Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 23/11/2021 để đẩy mạnh thu hút nguồn vốn tư nhân thông qua phương thức PPP. Bộ đang tổ chức rà soát, tổng kết tình hình thực hiện Luật PPP và đề xuất các giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án PPP. Theo đó, sẽ rà soát, sửa đổi các quy định gây vướng mắc trong quá trình thực hiện; đồng thời đôn đốc các bộ quản lý ngành ban hành thông tư hướng dẫn việc thực hiện dự án PPP thuộc ngành mình; xử lý dứt điểm tồn tại, vướng mắc của các dự án BOT, BT đã thực hiện trong giai đoạn trước. Các bộ, ngành, địa phương cần chủ động lựa chọn đúng các dự án khả thi, hấp dẫn khu vực tư nhân và ưu tiên bố trí nguồn ngân sách nhà nước làm “vốn mồi”, tăng tính khả thi cho dự án. Đồng thời, nghiên cứu cách thức tiếp cận các quỹ đầu tư quốc tế có lãi suất thấp, thời gian ân hạn dài, làm đa dạng kênh huy động vốn đầu tư cho các dự án PPP.
Về phía nhà đầu tư, VARSI kiến nghị các bộ, ngành sớm tháo gỡ có kết quả các dự án BOT vướng mắc, tạo niềm tin để huy động mạnh mẽ nguồn lực xã hội tham gia đầu tư dự án hạ tầng lớn của đất nước.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt