Thứ Ba, 06/09/2022 8:24:07 (GMT+7)

Tình hình kinh tế – xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2022

Tình hình kinh tế – xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2022

1. Sản xuất công nghiệp
Tháng 8/2022, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh nhìn chung duy trì được sự ổn định, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP ước tính tăng 4,23% so với tháng trước và tăng 10,11% so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp đã chủ động thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng thiếu nguyên vật liệu sản xuất do đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào; xây dựng kế hoạch sản xuất hợp lý; vận hành ổn định, hiệu quả, tối ưu công suất nhà máy;… Các ngành công nghiệp chủ lực như: sản xuất linh kiện điện tử tăng khá so với tháng trước do các hãng công nghệ lớn cho ra mắt thị trường thế hệ sản phẩm mới, các doanh nghiệp hỗ trợ điện tử trên địa bàn tỉnh đã tiếp cận được nhiều đơn hàng mới; ngành sản xuất ô tô, xe máy tiếp tục bị ảnh hưởng do tình trạng thiếu hụt chíp bán dẫn và linh kiện công nghệ cao và tháng Tám năm nay trùng với tháng Bảy âm lịch, người dân có tâm lý hạn chế chi tiêu, mua sắm nhất là đối với những mặt hàng có giá trị lớn như ô tô, xe máy khiến thị trường tiêu thụ sản phẩm của ngành kém sôi động hơn nhưng vẫn tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước, là thời kỳ dịch bệnh Covid-19 bùng phát phức tạp trên diện rộng tại nhiều tỉnh thành phía Nam.
Tính chung 8 tháng đầu năm, chỉ số IIP ước tính tăng 14,96% so với cùng kỳ, sản lượng sản xuất của 06 sản phẩm công nghiệp chủ yếu trên của tỉnh đều tăng so với 8 tháng đầu năm 2021, trong đó giày thể thao tăng 9,53%, gạch ốp lát tăng 3,03%, xe ô tô các loại tăng 5,1%, xe máy các loại tăng 9,94% và sản xuất linh kiện điện tử tăng 21,57%.
2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
Tháng Tám năm 2022, thời tiết thuận lợi cho cho sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa, phần lớn diện tích lúa đang trong thời kỳ đứng cái, làm đòng. Chăn nuôi ổn dịch, dịch bệnh được kiểm soát tốt. Giá bán thịt lợn hơi trên địa bàn có dấu hiện chững lại sau khi tăng mạnh trong tháng 7, gây tâm lý e ngại cho người chăn nuôi trong việc tái đàn, mở rộng quy mô, cụ thể:
Tính đến trung tuần tháng Tám, diện tích gieo trồng cây hằng năm vụ Mùa năm 2022 của toàn tỉnh ước đạt 31.403,19 ha, bằng 98,14% kế hoạch và giảm 2,50% (-804,58 ha) so với cùng kỳ năm trước, trong đó, diện tích gieo trồng vụ mùa cây Lúa 23.479,78ha, đạt 97,86%, giảm 512,36 ha so với cùng kỳ; cây Ngô 16.48,44ha, đạt 97,19%, giảm 47,6 ha so với cùng kỳ.
Tổng đàn trâu, bò ước tại thời điểm 31/8/2022 giảm 2,11%; tổng đàn lợn tăng 3,54%, tổng đàn gia cầm tăng 1,26% so với cùng thời điểm năm 2021. Sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng ước giảm 1,60% so với cùng kỳ; sản lượng sữa bò tươi tăng 7,5% (tương đương tăng 300 tấn), sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước tăng 3,52% (tương đương tăng 236 tấn), sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng tăng 3,48% so với cùng kỳ, sản lượng trứng gia cầm ước tăng 4,14% so với cùng kỳ. Tính chung 8 tháng đầu năm, sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng ước giảm 59,2 tấn; sản lượng sữa bò tươi tăng 12,88% (+4.221 tấn); sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước tăng 5,45% (+2.853,0 tấn); sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước tăng 4,24%; sản lượng trứng gia cầm ước tăng 5,87% so với tám tháng đầu năm 2021.
Trong tháng toàn tỉnh đã trồng mới được 55,5 ha diện tích rừng. Tính đến hết tháng Tám, diện tích rừng trồng mới tập trung của tỉnh ước đạt 604,2 ha, đạt 86,31% kế hoạch trồng rừng năm 2022 và tăng 10,08% so với cùng kỳ.
Tổng sản lượng thủy sản trong tháng ước đạt 2.348,5 tấn, giảm 1,0% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng nuôi trồng ước đạt 2.132,0 tấn, giảm 1,29%; sản lượng khai thác ước đạt 216,5 tấn, tăng 1,87%. Tính chung 8 tháng đầu năm, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 15.232,2 tấn, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 14.030,79 tấn, giảm nhẹ, sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 1.201,41 tấn, giảm 1,05%.
3. Các lĩnh vực dịch vụ
Trong tháng, nguồn cung hàng hóa phong phú, đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường, cùng với đó giá xăng dầu trong nước liên tục giảm, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục được kiểm soát tốt…, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tiêu dùng của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại và vận tải trên địa bàn. Bên cạnh đó, hoạt động du lịch đã tăng trở lại cũng góp phần tạo không khí sôi động cho thị trường bán lẻ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 ước đạt 5.671,0 tỷ đồng, tăng 0,11% so với tháng trước và tăng 29,18% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 41.904,3 tỷ đồng, tăng 18,27% so với cùng kỳ.
Tháng 8/2022, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,26% so với tháng trước; tăng 5,10% so với tháng 12/2021 và tăng 5,32% so với cùng kỳ năm trước. Giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm và nguyên vật liệu đầu vào tăng cao làm cho giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo, nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt tăng do thời tiết nắng nóng là những nguyên nhân chủ yếu làm CPI tăng. Tính chung 8 tháng đầu năm, CPI tăng 2,81% so với cùng kỳ năm trước mặc dù giá nhiên liệu được điều chỉnh giảm mạnh trong 2 tháng gần đây nhưng tính chung giá nhiên liệu vẫn tăng cao (tăng 40,45%) so sới cùng kỳ năm trước, đã tác động làm CPI chung tăng 1,30 điểm phần trăm, đây cũng là yếu tố chính làm CPI tăng cao so với cùng kỳ năm trước.
Dịch vụ tín dụng tăng trưởng tốt. Trong tháng mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trên địa bàn có xu hướng tăng nhẹ so với cuối năm 2021 (lãi suất tiền gửi bình quân tăng 0,19%/năm, lãi suất cho vay bình quân tăng khoảng 0,17%/năm) do nhu cầu tín dụng tăng đáp ứng cho tăng trưởng kinh tế phục hồi trở lại; cụ thể: Lãi suất cho vay trên địa bàn phổ biến từ 4-10,5%/năm đối với từng kỳ hạn và đối tượng; lãi suất huy động bằng VNĐ phổ biến từ 0,2-6,7%/năm đối với từng kỳ hạn. Tổng dư nợ cho vay đến 31/8/2022 ước đạt 114.500 tỷ đồng, tăng 12,21% so với cuối năm 2021.
4. Vốn đầu tư thực hiện nguồn ngân sách nhà nước
Trong tháng, các ngành chức năng của tỉnh đã nỗ lực triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các công trình, dự án, đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh nền kinh tế đang hồi phục và phát triển nhanh chóng, dự kiến tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý đạt 724.135 tỷ đồng, tăng 8,59% so với tháng trước và tăng 0,88% so với tháng cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng đầu năm, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 4.061,623 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,03% so với cùng kỳ và bằng 41,62% vốn kế hoạch năm.
5. Thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp
Thu hút vốn đầu tư trực tiếp trên địa bàn tỉnh có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Tám tháng đầu năm tỉnh đã thu hút được 16 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 150,36 triệu USD và có 28 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư 129,94 triệu USD (Tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn đạt 280,30 triệu USD). Đồng thời đã có 14 dự án DDI được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư 8.290 tỷ đồng và 8 dự án được điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư 1.507 tỷ đồng (Tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn đạt 9.797 tỷ đồng).
Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động rất khả quan, cao gấp 2,3 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Toàn tỉnh có 898 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 18.616 tỷ đồng, tăng 18,16% về số doanh nghiệp, tăng mạnh 129,47% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Số lượng doanh nghiệp quay trở lại thị trường có xu hướng tích cực với 314 doanh nghiệp, tăng 10,56% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 8 tháng đầu năm 2022 lên 1.212 doanh nghiệp (trung bình mỗi tháng có 152 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động).
6. Tình hình thu, chi ngân sách Nhà nước
Công tác quản lý thu ngân sách nhà nước được ngành Thuế và Tài chính tập trung triển khai quyết liệt. Kết quả tổng thu ngân sách 8 tháng đầu năm 2022 đạt 23.539,9 tỷ đồng đạt 73,8% dự toán, tăng 8,92% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa ước đạt 19.418 tỷ đồng, đạt 71,2% so dự toán và tăng 5,64% so với cùng kỳ năm 2021. Các khoản chi ngân sách được kiểm soát chặt chẽ, theo dự toán, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; ước thực hiện 8 tháng đầu năm 2022 đạt 14.259,4 tỷ đồng, đạt 75,57% dự toán, tăng 11,73% so với cùng kỳ.
7. Các lĩnh vực văn hóa – xã hội
Các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao diễn ra sôi nổi. Tỉnh đã tổ chức thành công chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật giữa nhóm nhạc Ấn Độ và Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Độc lập Ấn Độ. Tổ chức nhiều giải thi đấu thể thao như: Giải vô địch Bóng bàn, Cầu lông tỉnh năm 2022; giải vô địch các câu lạc bộ bóng chuyền hơi tỉnh; giải bóng chuyền hơi công nhân lao động các khu công nghiệp… Đến nay các địa phương trong tỉnh đã tổ chức thành công Đại hội Thể dục Thể thao cấp cơ sở và tập trung luyện tập để tham dự Đại hội thể dục thể thao tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ VI năm 2022.
Tỉnh đã chỉ đạo ngành giáo dục tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, kết quả có 99,97% học sinh đỗ tốt nghiệp THPT, điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT của học sinh Vĩnh Phúc đạt 7,026 điểm, đứng thứ 2 toàn quốc, tăng 03 bậc so với năm 2021. Để chuẩn bị cho năm học mới 2022-2023, UBND tỉnh đã ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học, hiện nay, các trường học đang khẩn trương hoàn thiện việc bổ sung, sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, tu sửa cảnh quan trường lớp để chào đón năm học mới.
Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được chú trọng. Tình hình dịch bệnh COVID-19 đã và đang được tỉnh kiểm soát tốt, số ca nhiễm mới trong tháng tiếp tục giảm; công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 05 đến 11 tuổi và tiêm mũi nhắc lại cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi được tăng cường thực hiện. Toàn tỉnh đã tiêm vắc xin COVID-19 cho 120.925 trẻ em từ 05 đến 11 tuổi, đạt 74,4% dân số trong độ tuổi, số trẻ em từ 12 đến 17 tuổi đã được tiêm phòng đạt 100% dân số trong độ tuổi, số người trên 18 tuổi trở lên đã được tiêm đạt 99,9% dân số trong độ tuổi.
Công tác thăm hỏi tặng quà nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ được các cấp tổ chức chu đáo, trang trọng, đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, đúng định mức với tổng kinh phí hơn 28,4 tỷ đồng. Đồng thời, bố trí kinh phí và vận động các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân để quan tâm, thăm hỏi, hỗ trợ, tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em khuyết tật, trẻ em mồ côi, trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trẻ em vùng dân tộc thiểu số, miền núi, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh phải điều trị dài ngày… trên địa bàn tỉnh.
8. Tình hình an ninh, trật tự, an toàn giao thông
Trong tháng, Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm được ngành Công an của tỉnh triển khai đồng bộ với các kế hoạch, chuyên đề về tấn công, trấn áp tội phạm, không để xảy ra điểm nóng trên địa bàn. Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông được các ngành chức năng trong tỉnh triển khai quyết liệt qua đó trong tháng giảm 02 vụ, giảm 03 người chết và giảm 03 người bị thương so với cùng kỳ. Trên địa bàn xảy ra 02 vụ cháy, không gây thiệt hại về người, ước thiệt hại 55 triệu đồng, nguyên nhân cháy đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ.

sokhdt.vinhphuc.gov.vn