Thứ Sáu, 19/08/2022 14:09:39 (GMT+7)

Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các doanh nghiệp với chủ đề “Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững”

Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các doanh nghiệp với chủ đề “Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững”

Hình ảnh tại buổi hội nghị

Thực hiện văn bản số 1053/CĐ-CPCP ngày 08/8/2022 của Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh tổ chức họp Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các doanh nghiệp với chủ đề “Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững”. Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, cùng dự và điều hành hội nghị có các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, địa phương, các hiệp hội cùng nhiều doanh nghiệp trên cả nước. Về thành phần tham dự phía tỉnh Vĩnh Phúc có đồng chí Lê Duy Thành, Phó Bí thư tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh, Lãnh đạo các Sở, ban ngành, hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cùng dự;
Tại hội nghị, Thủ tướng cơ bản đồng tình với các giải pháp thời gian tới được nêu trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ý kiến của các bộ, ngành, địa phương tại Hội nghị, nhấn mạnh thêm một số nội dung lớn mang tính chất nền tảng để nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phát triển và nêu rõ các nhiệm vụ cụ thể trong ngắn hạn cần tập trung triển khai:
Một là, khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý tồn tại từ lâu chưa được giải quyết, còn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Hai là, tiếp tục hỗ trợ nhằm giảm thuế, phí xăng dầu, các nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh; nghiên cứu phát triển vùng nguyên liệu thay thế nguyên liệu nhập
khẩu. Ba là, tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả chương trình phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt là thần tốc hơn nữa trong tiêm chủng vaccine theo mục tiêu đã đề ra. Bốn là, đẩy mạnh kết nối cung – cầu lao động, đào tạo, đào tạo lại cho người lao động nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường. Năm là, đẩy mạnh công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội nhằm nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Sáu là, cải cách thể chế, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh triển khai thủ tục trực tuyến
Về các nhiệm vụ, giải pháp trong dài hạn, Thủ tướng yêu cầu: Thứ nhất, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thực chất thủ tục hành chính; đẩy mạnh công tác xây dựng chiến lược ngành, quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, tạo thuận lợi và niềm tin cho doanh nghiệp xây dựng định hướng đầu tư sản xuất kinh doanh dài hạn và bền vững. Thứ hai, thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Thứ ba, tăng cường hiệu quả triển khai các chính sách và nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế, nắm bắt và đón đầu các xu hướng kinh doanh mới, xu hướng thị trường mới.
Nhằm phát huy những kết quả đạt được, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022, tỉnh Vĩnh Phúc cũng kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương một số nội dung sau:
1. Sớm có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách thuộc Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ nhất là các chính sách miễn, giảm thuế, chính sách về lãi suất… để các địa phương có căn cứ triển khai.
2. Đề nghị Bộ Lao động-TB&XH hướng dẫn cụ thể một số vướng mắc, phát sinh theo quy định tại điểm a, Khoản 1, Điều 13, Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Chính phủ như sau: Chủ cơ sở cho thuê, cho trọ có được ủy quyền bằng văn bản hợp pháp cho đại diện ký thay được không? Trường hợp doanh nghiệp xây dựng ký túc xá, nhà trọ cho người lao động ở có thể thu tiền hoặc chỉ thu tiền điện, tiền nước, rác thải,…thì người lao động đang ở trong các khu ký túc xá, nhà trọ của doanh nghiệp có thuộc đối tượng hỗ trợ hay không?
3. Đề nghị Bộ Tài chính, Cục Thuế tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ: Nghị định số 15/2022/NĐ-CP không quy định giảm thuế giá trị gia tăng xuống còn 8% với tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ mà đưa ra danh mục loại trừ với những hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không được giảm, vẫn giữ nguyên mức thuế suất 10%, được quy định chi tiết trong ba phụ lục đi kèm. Do Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/2/2022 nên trong quá trình thực hiện doanh nghiệp gặp phải một số khó khăn, vướng mắc:
+ Một số doanh nghiệp không nắm rõ mặt hàng kinh doanh có thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế giá trị gia tăng hay không?
+ Một số doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc trong việc tra cứu mã ngành kinh doanh và mã hồ sơ code khi nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu.
+ Người nộp thuế gặp khó khăn trong việc rà soát, đối chiếu, kiểm tra hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp liệu nằm trong danh mục hay không?
+ Điều 4 của Nghị định quy định cơ sở kinh doanh phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng. Trường hợp cơ sở kinh doanh không lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng thì không được giảm thuế giá trị gia tăng. Điều này làm tăng chi phí của doanh nghiệp (tăng chi phí thời gian của kế toán và chi phí sử dụng hóa đơn) vì đối với cùng một khách hàng thay vì lập 01 hóa đơn ghi nhiều thuế suất khác nhau (5%, 8%, 10%) thì doanh nghiệp phải lập 02 hóa đơn: 01 hóa đơn ghi thuế suất 8% và 01 hóa đơn ghi thuế suất khác (5%, 10%).
Kết thúc buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị đang thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn UBND tỉnh gồm: Ban quản lý các khu công nghiêp, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Hội doanh nghiệp tỉnh và các đơn vị liên quan tham mưu đề xuất cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời giao Văn phòng UBND tỉnh ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị tổng hợp tất cả các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để tổ chức hội nghị đối thoại nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh./.

Nguyễn Bá Lộc