Tỉnh Vĩnh Phúc phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế
Ngày 26/7/2022, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Mục đích chính của kế hoạch nhằm cụ thể hóa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy liên quan đến chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; các chỉ tiêu đạt được phải cao hơn mục tiêu chung của cả nước, phấn đấu đến năm 2025 tỉnh Vĩnh Phúc vào nhóm 15 các tỉnh, thành phố dẫn đầu về chuyển đổi số; Phát triển hạ tầng số, dữ liệu số và các công cụ phân tích thông minh để kịp thời đưa ra các quyết sách trong hoạt động quản lý nhà nước. Sử dụng công nghệ số và dữ liệu số làm yếu tố đầu vào chính, sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động chính để tăng năng suất lao động, đổi mới mô hình kinh doanh và tối ưu hóa cấu trúc nền kinh tế .
Mục tiêu nhằm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số để tạo nền tảng, cơ sở cho xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Đến năm 2025, xây dựng, hoàn thiện các nền tảng số để chính quyền số vận hành đồng bộ, toàn diện, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả trên môi trường thực – số; hình thành các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế số để kinh tế số đóng góp quan trọng vào GRDP của tỉnh; thúc đẩy xã hội số thông qua việc người dân được trang bị đầy đủ kỹ năng số, tham gia vào quá trình phát triển dữ liệu số, tạo ra giá trị gia tăng trên môi trường thực – số, góp phần phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Đến năm 2030, chính quyền số hoạt động hiệu lực, hiệu quả với việc ra quyết định quản lý dựa trên dữ liệu số và hệ thống dịch vụ số; kinh tế số và xã hội số phát triển nhanh, bền vững.
Mục tiêu phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đến năm 2030:
Tỷ trọng kinh tế số đạt trên 30% GDP;
Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%;
Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 20%;
Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng nền tảng hợp đồng điện tử đạt 100%;
Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 70%;
Tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 3%.
Tối thiểu có 1.100 doanh nghiệp công nghệ số.
Nhiệm vụ, giải pháp chính phát triển kinh tế số gồm:
Xây dựng kế hoạch phổ biến kiến thức chung về xây dựng lộ trình và thực hiện chuyển đổi sang kinh tế số, giới thiệu và chia sẻ các bài học thành công của doanh nghiệp khi chuyển đổi qua kinh tế số ở trên thế giới cũng như ở Việt Nam.
Tổ chức các chương trình phổ biến kiến thức về các công nghệ số, các loại mô hình kinh tế số đổi mới sáng tạo, chia sẻ kinh nghiệm của những doanh nghiệp trong từng lĩnh vực đang thành công nhờ các mô hình kinh doanh sáng tạo với công nghệ số. Xây dựng nền tảng thu thập dữ liệu về doanh nghiệp, sản phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật, nhân lực về sản xuất, phân tích, so sánh, đánh giá, dự báo về hoạt động sản xuất.
Triển khai Chương trình xác định Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo, đôn đốc doanh nghiệp trong ngành, lĩnh vực, địa bàn tích cực tham gia. Có chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp nỗ lực đạt mức độ chuyển đổi số cao để hình thành các doanh nghiệp số.
Triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát và logistic chuyển đổi số, thúc đẩy việc áp dụng nhanh chóng nền tảng mã địa chỉ bưu chính VPostcode trong hoạt động thương mại điện tử và logistic; Chương trình hỗ trợ các cơ sở, cửa hàng bán lẻ chuyển đổi số; Chương trình hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể chuyển đổi số, kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. Triển khai Nền tảng quản trị tổng thể, Nền tảng kế toán dịch vụ, Nền tảng tối ưu hóa chuỗi cung ứng, Nền tảng thương mại số nông nghiệp, Nền tảng trí tuệ nhân tạo, Nền tảng trợ lý ảo, Nền tảng thiết bị IoT.
Triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 – 2025.
Triển khai Chương trình thúc đẩy dịch vụ Mobile-Money. Hướng dẫn, triển khai Chương trình hỗ trợ bệnh viện, trường học thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số quản trị hoạt động của đơn vị.
Triển khai Nền tảng hóa đơn điện tử quốc gia, kết nối, liên thông với toàn bộ các cơ quan thuế, cho phép thanh toán hóa đơn điện tử, rút ngắn thời gian thực hiện giao dịch điện tử.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và các chỉ tiêu được phân công tại Kế hoạch này, các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng Kế hoạch hoặc xem xét bổ sung vào Kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025 của cơ quan, đơn vị, địa phương để tổ chức thực hiện.
Các tin khác:
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra thực tế một số công trình, dự án, vụ việc trên địa bàn tỉnh