Một số thách thức của DDI Vĩnh Phúc khi tiếp cận tham gia chuỗi giá trị cung ứng trên địa bàn tỉnh
Trong bối cảnh, cạnh tranh thị trường ngày càng khốc liệt, việc các doanh nghiệp (DN) nội tỉnh khi tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI có vai trò quan trọng nhằm tạo đà bứt phá cho doanh nghiệp nội tỉnh phát triển; Đồng thời cũng để các doanh nghiệp nội tỉnh nhìn nhận, sát hạch lại năng lực thật sự, sức chống chịu, khả năng thích nghi thị trường, tăng khả năng cạnh tranh của một DN so với đối thủ cùng ngành, cùng lĩnh vực; Qua đó tái cấu trúc DN theo hướng hiệu quả, bền vững hơn nhằm phát triển doanh nghiệp và giúp tăng trưởng kinh tế – xã hội.
Thực tế cho thấy, việc kết nối trên ngoài có vai trò đặc biệt quan trọng đối với cả hai bên, tạo môi trường cộng sinh giữa các doanh nghiệp cùng phát triển, mang tới nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nội tỉnh; Bên cạnh đó, chúng ta cần nhìn nhận từ những cơ hội là những thách thức đặt ra đối với các doanh nghiệp nội tỉnh khi tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI, cụ thể:
Theo kết quả khảo sát, rào cản quan trọng nhất làm cho liên kết giữa DDI Vĩnh Phúc và FDI chưa phát triển được như mong đợi, là do bản thân năng lực của doanh nghiệp nội địa của tỉnh chưa đáp ứng việc liên kết. Doanh nghiệp chưa chủ động trong tìm kiếm, tiếp cận với các khách hàng FDI tiềm năng, hầu hết phụ thuộc vào việc khách hàng FDI tự tìm đến. DN cũng ít có khả năng chủ động tìm kiếm thông tin, chính sách, chương trình hỗ trợ của địa phương, tham gia các sự kiện liên kết, kết nối. Hầu như không có doanh nghiệp nào có chuyên viên chuyên tìm kiếm, phân tích thông tin thị trường, tìm kiếm khách hàng mới. Các DDI lĩnh vực chế tạo trên địa bàn tỉnh cũng ít tham gia các tổ chức hội, hiệp hội, nhóm doanh nghiệp sinh hoạt chung. Phần lớn các doanh nghiệp có quen biết dựa trên mối quan hệ của lãnh đạo, việc phối hợp, trao đổi thông tin và kinh nghiệm vẫn còn ít được thực hiện.
Mặc dù các doanh nghiệp FDI hỗ trợ khá nhiều cho các nhà cung cấp của họ, tác động lan tỏa của hoạt động này chỉ tập trung chỉ vào một số công ty đã tham gia liên kết thành công. Các doanh nghiệp chưa tham gia được vào chuỗi cung ứng hoặc tham gia ở lớp dưới không được tiếp cận hoàn toàn không có thông tin về FDI-DDI, không nắm được các yêu cầu và nhu cầu của FDI, do đó, không có mục tiêu cụ thể để phát triển nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu trong tương lai.
Bên cạnh một vài doanh nghiệp đã kết nối thành công và phát triển thành NCC ổn định, đa số doanh nghiệp chưa từng liên kết hoặc chỉ liên kết, cung ứng với một vài khách hàng trong chuỗi. Qua phỏng vấn, nhóm nhận thấy doanh nghiệp Vĩnh Phúc chưa chủ động trong kết nối với doanh nghiệp FDI, hầu hết khách hàng FDI mà doanh nghiệp tiếp cận được là do có quan hệ từ trước hoặc do khách tự tìm đến, rất ít doanh nghiệp tự tìm và giới thiệu năng lực của mình với khách hàng FDI. Các doanh nghiệp cũng thiếu chủ động trong việc tham gia các sự kiện kết nối, hội chợ, hội thảo để tìm kiếm khách hàng FDI mới, được tổ chức tại Hà Nội/Bắc Ninh/TPHCM. Các doanh nghiệp đã kết nối thành công với một hoặc một số khách hàng FDI lại phụ thuộc quá nhiều vào khách hàng chính, ít tìm hiểu thông tin, tìm kiếm khách hàng mới, nên có nhiều rủi ro trong kinh doanh.
Khó tiếp cận các nguồn lực và thiếu định hướng để phát triển bền vững: Các DN nội tỉnh có quy mô nhỏ, chỉ tập trung vào sản xuất, không có kinh nghiệm về thương mại, quan hệ với cơ quan địa phương… nên đã bỏ lỡ các cơ hội đầu tư mặt bằng sản xuất phù hợp, hay tiếp cận các chương trình ưu đãi của tỉnh. Hầu hết các doanh nghiệp đều không có được chiến lược, định hướng phát triển rõ ràng. Các lãnh đạo doanh nghiệp phần lớn có mong muốn đầu tư mở rộng sản xuất nhưng mục tiêu, kế hoạch và các bước đi cụ thể đều không rõ ràng, nhất quán.
Theo đánh giá của các ngành chức năng, về những cơ hội và thách thức của doanh nghiệp khi tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI; Thời điểm hiện tại, tỉnh đang triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao trên địa bàn với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để hỗ trợ các doanh nghiệp của tỉnh tham gia vào chuỗi cung ứng cho doanh nghiêp lớn phù hợp với đặc điểm, điều kiện của tỉnh. Đồng thời, thực hiện đánh giá, tư vấn cho một số doanh nghiệp của tỉnh nâng cao khả năng cạnh tranh để có khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp FDI.
Các tin khác:
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra thực tế một số công trình, dự án, vụ việc trên địa bàn tỉnh