Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, đề nghị sửa đổi các quy định gây vướng mắc, cản trở hoạt động đầu tư và kinh doanh
Trước thực trạng hệ thống pháp luật còn có những quy định chồng chéo, thiếu thống nhất, đang gây cản trở, khó khăn cho các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân, ngày 26/4/2021, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có Văn bản số 2849/UBND-NC2 yêu cầu rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật gây vướng mắc, ách tắc, cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội.
Trong thời gian qua, từ thực tiễn nhiệm vụ quản lý đầu tư, doanh nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư nhận thấy trong các văn bản quy phạm pháp luật từ Luật, Nghị định và các văn bản dưới Luật liên quan đến lĩnh vực đầu tư còn có nhiều mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu thống nhất, chưa phù hợp với thực tiễn đang gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước, cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội. Có thể nêu một số vướng mắc cụ thể như:
Vướng mắc về cơ quan lập Quy hoạch tỉnh: Luật Quy hoạch và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định “Cơ quan lập quy hoạch lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện nghiên cứu, xây dựng quy hoạch;…” và Nghị định số 37/2019/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch quy định trách nhiệm của cơ quan lập quy hoạch tỉnh là “ Lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch đáp ứng điều kiện về năng lực chuyên môn,….”. Theo đó, cơ quan lập Quy hoạch tỉnh là Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ lựa chọn tổ chức tư vấn để lập toàn bộ các nội dung của Quy hoạch tỉnh, bao gồm cả phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện. Tuy nhiên, theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của 37 luật liên quan đến Luật Quy hoạch và văn bản hướng dẫn thi hành đã sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đất đai quy định về trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là “Cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh có trách nhiệm lập phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo từng loại đất đến đơn vị hành chính trong quy hoạch tỉnh,….”. Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung 1 số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai đã bổ sung điều 9a, trong đó quy định “Sở Tài Nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức thực hiện xây dựng phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai cấp tỉnh:…”. Như vậy, giữa các văn bản trên không thống nhất về cơ quan chủ trì thực hiện phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện trong Quy hoạch tỉnh. Điều này đã làm cho các cơ quan QLNN rất khó khăn trong công tác tham mưu xây dựng và quản lý các quy hoạch của tỉnh.
Cũng về quy hoạnh thì vấn đề về chi phí cho hoạt động quy hoạch là một nội cần điều chỉnh: Luật Quy hoạch quy định “ Chi phí lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch được sử dụng từ vốn đầu tư công theo quy định về pháp luật đầu tư công” và quy định “phạm vi điều chỉnh của Luật Quy hoạch là hệ thống quy hoạch quốc gia”, gồm 5 loại quy hoạch là: (1) Quy hoạch cấp quốc gia, (2) Quy hoạch vùng, (3) Quy hoạch tỉnh, (4) Quy hoạch đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, (5) Quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn. Tuy nhiên, Nghị định 166/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh quy định: “Chi phí cho hoạt động lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, điều chỉnh và đánh giá quy hoạch di tích thực hiện theo điều 9 Luật Quy hoạch mà đây là Quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành không nằm trong hệ thống quy hoạch quốc gia. Do vậy, giữa Luật Quy hoạch và một số Luật, văn bản hướng dẫn thi hành các luật có liên quan đến Quy hoạch có sự chưa rõ ràng về chi phí cho hoạt động quy hoạch, cụ thể các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành chưa được xác định có được sử dụng vốn đầu tư công hay không, hay chỉ có các quy hoạch thuộc hệ thông quy hoạch quốc gia mới được sử dụng. Điều này đã làm cho các cơ quan QLNN, các doanh nghiệp, đơn vị thẩm tra không thể xác định được nguồn chi phí cho việc lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố điều chỉnh quy hoạch để duy trì nguồn kinh tế cho đơn vị.
Mới đây, khi Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ được ban hành, có quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng quy định: “Dự án đầu tư xây dựng khu đô thị: a) Dự án đâu tư xây dựng khu đô thị có nhà ở là dự án được đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hình thành từ một đơn vị ở trở lên theo quy hoạch phân khu được phê duyệt hoặc dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 héc ta trở lên đối với trường hợp quy hoạch phân khu không xác định rõ các đơn vị ở; b) Dự án đầu tư xây dựng khu đô thị không có nhà ở là dự án được đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với các công trình xây dựng khác có quy mô sử dụng đất từ 20 héc ta trở lên”. Nhưng không có quy định chuyển tiếp đối với các dự án có quy mô nhỏ hơn nhưng đã được xác định là khu đô thị mới để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định Nghị định 30/2015/NĐ-CP nhưng đến nay mới ký hợp đồng dự án, chưa thông báo thu hồi đất. Việc này làm cho các cơ quan QLNN, các nhà đầu tư không biết xử lý những dự án đó như thế nào, dẫn đến dự án bị treo, nảy sinh nhiều vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế của tỉnh, các nhà đầu tư không thể thực hiện bước tiếp theo. Dự án chưa thông ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân khi họ không thể di dời hay thực hiện xây dựng, sửa chữa nhà cửa. Đây là vấn đề cần được giải quyết sớm để những dự án có quy mô nhỏ sớm tiếp tục hoạt động trở lại.
Bên cạnh đó, trong quá trình lập, thẩm định các dự án đầu tư xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư nhận thấy vấn đề vướng mắc về xác định giá trị tổng mức đầu tư theo quy định của Luật Xây dựng sửa đổi như sau: Luật Xây dựng sửa đổi về thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng của người quyết định đầu tư, không quy định người quyết định đầu tư phải thẩm định tổng mức đầu tư đối với dự án không phải lập BCKTKT và cơ quan chuyên môn về xây dựng chỉ có quy định: “g) Sự tuân thủ quy định của pháp luật về xác định tổng mức đầu tư xây dựng”. Nghị định số 10/2021/NĐ-CP, 15/2021/NĐ-CP chỉ quy định thẩm định phương pháp xác định tổng mức đầu tư. Như vậy, có thể thấy không có cơ quan chuyên môn thẩm định giá trị cụ thể của tổng mức đầu tư dự án, điều này gây khó khăn trong việc thực hiện các nội dung như thiết kế BVTC-DT, lựa chọn nhà thầu…khi quyển tổng mức đầu tư không được cơ quan thẩm định đóng dấu. Làm cho các dự án bị đóng băng, không đủ cơ sở để thực hiện các bước tiếp theo.
Để tạo thuận lợi cho cơ quan QLNN và doanh nghiệp trong đầu tư và sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 đang diễn biễn phức tạp như hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị cần có sửa đổi, điều chỉnh văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực đầu tư tạo sự đồng bộ, thống nhất trong thực hiện./.
Các tin khác:
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra thực tế một số công trình, dự án, vụ việc trên địa bàn tỉnh