Tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025
Căn cứ Luật đầu tư công, Luật ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, dự kiến tổng nguồn vốn theo kế hoạch là trên 32 nghìn tỷ đồng.
Trên cơ sở kế hoạch đầu tư công năm 2021 đã được HĐND tỉnh giao tại Nghị quyết số 36/NQ-HĐND ngày 15/12/2020, căn cứ các chủ trương đầu tư dự án được phê duyệt đến ngày 30/4/2021, UBND tỉnh Vĩnh Phúc dự kiến xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Mục tiêu đầu tư công giai đoạn 2021-2025 là thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển nền kinh tế, đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội thiết yếu, phục vụ cho các mục tiêu, chỉ tiêu của chiến lược kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025; quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2020-2025; kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025 của tỉnh và các quy hoạch ngành, lĩnh vực được duyệt.
Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 tỉnh Vĩnh Phúc được xây dựng trên nguyên tắc tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư công, ngân sách nhà nước và các quy định, hướng dẫn của trung ương, phù hợp với kế hoạch tài chính 05 năm giai đoạn 2021-2025, khả năng cân đối vốn đầu tư công và thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác. Nguồn lực từ ngân sách nhà nước dành cho đầu tư công được lập kế hoạch theo hướng tập trung, tổng thể, làm cơ sở để các cấp, các ngành chủ động xác định, lựa chọn danh mục dự án cần đầu tư cần thiết trong giai đoạn 2021-2025. Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của các sở, ngành và địa phương để xác định nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2025 phù hợp với các mục tiêu phân bổ nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025; chủ động sắp xếp thứ tự các nhiệm vụ chi ưu tiên, các chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo mức độ cấp thiết, quan trọng và khả năng triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2025; tập trung bố trí vốn đầu tư công để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình, dự án quan trọng, trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực quan trọng; Ưu tiên bố trí vốn cho các dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia (như: Nông thôn mới nâng cao; Giảm nghèo bền vững; Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn…) và các dự án thuộc nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh. Bố trí đủ vốn cho các dự án giao thông có tính liên kết vùng có tác động lan tỏa; các dự án thủy lợi đảm bảo an toàn nguồn nước, an toàn hồ đập; Bố trí đủ vốn cho dự án phục vụ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; đủ vốn cho quy hoạch, vốn thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư. Bảo đảm công khai, minh bạch và công bằng trong lập kế hoạch đầu tư công trung hạn; quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư theo quy định của pháp luật, tạo quyền chủ động cho các cấp, các ngành và nâng cao hiệu quả đầu tư.
Dự kiến các kết quả chủ yếu đạt được của kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 là: (1) Phấn đấu đến năm 2025: Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước; thu nhập thực tế bình quân đầu người cao hơn cả nước, đạt mức 80-85 triệu đồng; kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I, trong đó, kết cấu hạ tầng đô thị Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Tam Đảo cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại IV, làm tiền đề để thành lập các thị xã. (2) Hoàn thiện đầu tư, nâng cấp một số tuyến giao thông, các cầu kết nối Vĩnh Phúc với các tỉnh, thành phố lân cận, đáp ứng yêu cầu phát triển, liên kết vùng theo quy hoạch (như: Đường vành đai 5 ven chân núi Tam Đảo; đường trục Bắc – Nam; Đông – Tây; Cầu Vân Phúc; Các nút giao của đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai). Đầu tư hoàn thiện hệ thống trạm, đường dây theo quy hoạch điện lực, trong đó tập trung phục vụ các khu, cụm công nghiệp, các dự án lớn của tỉnh. Đầu tư hoàn thiện một số nhà máy nước sạch tại các huyện và phát triển mạng lưới đường ống cấp nước đến các hộ dân. (3) Hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, theo hướng có chiều sâu, gắn với giá trị nhân văn, bản sắc nông thôn Vĩnh Phúc. Đảm bảo duy trì đạt chuẩn, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới gắn với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất/1ha đất canh tác, thu nhập bình quân đầu người và đời sống tinh thần của người dân; xử lý ô nhiễm môi trường, rác thải, nước thải; nâng cao hiệu quả sử dụng các thiết chế văn hoá, thể thao ở nông thôn. (4) Đầu tư hoàn thiện nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động dạy và học, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu trường đạt chuẩn quốc gia các mức độ theo tiêu chí mới. Hoàn thiện đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực cho các bệnh viện tuyến tỉnh, các trung tâm y tế tuyến huyện; phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh, khoa vệ tinh trên địa bàn tỉnh; phát triển dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến, nhất là tuyến huyện, tuyến cơ sở. Hoàn thành đồng bộ, đưa vào sử dụng hiệu quả Bệnh viện Sản Nhi và Bệnh viện đa khoa tỉnh mới. Phát triển y học cổ truyền, tăng cường kết hợp với y học hiện đại trong phòng, khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng. Khuyến khích thu hút các loại hình bệnh viện nghỉ dưỡng, trung tâm dưỡng lão…
Các tin khác:
- UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Tập đoàn Vingroup sẽ ký kết hợp tác toàn diện Xúc tiến, thu hút đầu tư, liên kết hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển bền vững.
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao