Nhiều giải pháp, kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp dịch vụ du lịch chịu ảnh hưởng dịch Covid-19
Sáng 23/3 tại Khu danh thắng Tây Thiên, xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có buổi làm việc với trên 100 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Bùi Hồng Đô, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, buổi làm việc nhằm cung cấp tình hình du lịch Vĩnh Phúc, thông tin về chủ trương, sách phát triển du lịch, kế hoạch xúc tiến, quảng bá du lịch của tỉnh trong thời gian tới. Đây cũng là dịp để cơ quan quản lý nhà nước lắng nghe những chia sẻ từ các doanh nghiệp du lịch để tìm ra các giải pháp hữu hiệu thúc đẩy phát triển dịch vụ, du lịch của tỉnh.
Ông Bùi Hồng Đô, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu
Thống kê cho thấy, năm 2020, lượng khách đến Vĩnh Phúc ước đạt 4.760.000 lượt, giảm 28% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 1.255 tỷ đồng, giảm 35% so cùng kỳ. Công suất sử dụng phòng đạt 30% đến 35%. Trong quý I năm 2021 và thời gian tới, các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch sẽ vẫn còn gặp khó khăn trước diễn biến phực tạp của đại dịch Covid-19.
Trước thực trạng doanh nghiệp, hộ kinh doanh du lịch gặp khó khăn và thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu, đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của tỉnh để hỗ trợ thêm đối với doanh nghiệp, người lao động chịu tác động của dịch bệnh. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông, quảng bá về du lịch Vĩnh Phúc và hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch do Tổng cục Du lịch và các hiệp hội du lịch phát động.
Đánh giá cao mục đích của buổi làm việc, các doanh nghiệp thẳng thắn chia sẻ những tồn tại, vướng mắc, khó khăn do dịch bệnh Covid 19 và đề xuất tỉnh, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm triển khai các giải pháp cụ thể, hữu hiệu gỡ khó giúp doanh nghiệp: Tiếp tục giảm tiền thuê đất năm 2021; giãn cách đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; giảm 50% thuế giá trị gia tăng. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường các chương trình quảng bá truyền thông du lịch của tỉnh; đào tạo nâng cao nghiệp vụ công tác du lịch cho các cơ sở dịch vụ du lịch, nhất là giữ chân lao động hoạt động trong ngành du lịch; phối hợp với các ngành, địa phương quan tâm giải quyết vấn đề môi trường, cảnh quan tại các khu du lịch; giải quyết vấn đề bất cập trong kiểm tra liên ngành; đẩy mạnh số hóa tại các khu du lịch trọng điểm của tỉnh, nhất là khu danh thắng Tây Thiên; phát triển hệ thống giao thông công cộng kết nối 2 khu du lịch lớn là Tam Đảo và Tây Thiên. Các doanh nghiệp cũng mong muốn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên gặp gỡ các doanh nghiệp dịch vụ du lịch để lắng nghe và đồng hành cùng doanh nghiệp.
Đại diện doanh nghiệp phát biểu kiến nghị, đề xuất
Đóng góp các giải pháp, kế sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường du lịch, sản phẩm du lịch, quản lý điểm đến, nhằm phục hồi, phát triển du lịch, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với Vĩnh Phúc, đại diện các doanh nghiệp cho rằng thực tế các doanh nghiệp hoạt động du lịch, dịch vụ của tỉnh hiện vẫn còn hoạt động rời rạc, thiếu sự liên kiết. Để đưa du lịch Vĩnh Phúc vươn lên mạnh mẽ, các doanh nghiệp cần đoàn kết cùng bắt tay nhau làm du lịch; phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh, đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp FDI, DDI đang hoạt động trên địa bàn tỉnh khai thác, sử dụng dịch vụ du lịch của tỉnh; tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp với ngành tăng cường xúc tiến du lịch tại một số tỉnh, thành trong nước, nhất là các tỉnh miền Trung; quan tâm phát triển các sản phẩm lữ hành, sản phẩm trải nghiệm, khám phá, hướng đến tour nội địa của tỉnh thu hút người dân tại các thành phố lớn, các doanh nghiệp du lịch phối hợp thành lập TEAM về sản phẩm du lịch đặc trưng Vĩnh Phúc. Tăng cường quảng bá xúc tiến du lịch bằng công nghệ, xây dựng fanpage về du lịch Vĩnh Phúc; đề xuất triển khai nhiều sản phẩm sự kiện để quảng bá du lịch như chương trình maraton Vĩnh Phúc…
Cảm ơn và tiếp thu các ý kiến tâm huyết, sâu sắc của doanh nghiệp đóng góp tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định sớm triển khai thực hiện các kiến nghị thuộc thẩm quyền của Sở; ngành sẽ đẩy mạnh đổi mới các hoạt động xúc tiến du lịch, phối hợp hiệu quả công – tư trong xúc tiến, quảng bá du lịch, tạo đột phá trong phương thức huy động các nguồn lực; đào tạo nguồn nhân lực hướng dẫn viên du lịch; lựa chọn các sản phẩm Ocoop đặc trưng đã được công nhận để xây dựng sản phẩm du lịch cho tỉnh. Bên cạnh đó, tăng cường vai trò của doanh nghiệp trong công tác xúc tiến du lịch; đẩy mạnh liên kết, phối hợp với các doanh nghiệp và các hội nghề nghiệp trong hoạt động du lịch; tạo gắn kết giữa văn hóa, thể thao để tạo động lực phát triển du lịch…
Các tin khác:
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra thực tế một số công trình, dự án, vụ việc trên địa bàn tỉnh