Vĩnh Phúc tạo môi trường hấp dẫn nhà đầu tư
Với phương châm “Tất cả các nhà đầu tư vào Vĩnh Phúc đều là công dân Vĩnh Phúc. Thành công của doanh nghiệp chính là thành công và niềm tự hào của tỉnh”, tỉnh Vĩnh Phúc luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất, luôn sát cánh, cùng tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đây là khẳng định của ông Phùng Quang Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc khi bày tỏ thiện chí của tỉnh Vĩnh Phúc đối với các nhà đầu tư.
Song song với vị trí địa lý thuận lợi, Vĩnh Phúc có thế mạnh về giao thông – vận tải, là tỉnh liền kề Thủ đô Hà Nội, tiếp giáp Sân bay quốc tế Nội Bài, có đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy toả đi khắp đất nước, trong đó có hệ thống đường bộ cao tốc, đường sắt xuyên Á qua địa bàn tỉnh.
Vĩnh Phúc thuộc Vành đai kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) – Hà Nội – Hải Phòng (Việt Nam) và Vành đai phát triển công nghiệp các tỉnh phía Bắc Việt Nam.
Phát huy những lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, nhất là vùng đất có tiềm năng phát triển về công nghiệp và dịch vụ, du lịch, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh công tác quy hoạch, từ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội đến quy hoạch ngành, lĩnh vực phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia, để định hướng phát triển lâu dài, thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Trong đó, Quy hoạch Phát triển 20 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 do tỉnh xây dựng; Quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering LTD (Nhật Bản) thực hiện, đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt.
Trên cơ sở đó, Vĩnh Phúc đang triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển kinh tế – xã hội bền vững.
Ông Nguyễn Kim Khải, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, để tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh, tập trung thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển, đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu đến hàng rào các khu công nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nghề cho lao động; chỉ đạo, giải quyết kịp thời kiến nghị và thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư không chỉ trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư mà trong suốt đời hoạt động của dự án.
Đối với các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, ngoài các ưu đãi theo quy định chung của Nhà nước, các nhà đầu tư còn được hưởng các ưu đãi của tỉnh như: giải quyết các thủ tục hành chính nhanh chóng tại bộ phận “một cửa” thuộc Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc khi cấp giấy chứng nhận đầu tư và thành lập doanh nghiệp với thời gian thực hiện được rút ngắn chỉ còn một nửa so với quy định; được hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề và ưu tiên tuyển dụng lao động theo yêu cầu của dự án; hỗ trợ kinh phí lập hồ sơ dự án xin cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án…
Cũng theo ông Khải, để duy trì sự tăng trưởng, nâng cao cả chất lượng và số lượng các dự án đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc, trong đó có dòng vốn FDI, tỉnh Vĩnh Phúc kiên trì tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh công tác cải cách các thủ tục hành chính trong thu hút đầu tư; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh.
Đặc biệt, Vĩnh Phúc sẽ tham gia Hội nghị Kinh tế Hợp tác đầu tư Việt Nam – Nhật Bản 2013 được tổ chức từ ngày 22-24/9/2013, nhằm tiếp cận các nhà đầu tư Nhật Bản, tăng cường thu hút dòng vốn từ Nhật Bản trong các lĩnh vực mà Vĩnh Phúc có thế mạnh và đang có nhu cầu hợp tác, đồng thời, giới thiệu tới các nhà đầu tư Nhật Bản về tiềm năng, lợi thế và các quy hoạch, dự án kêu gọi nguồn vốn đầu tư từ Nhật Bản.
Trong số các nhà đầu tư đến từ 13 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Vĩnh Phúc, Nhật Bản có 20 dự án, là quốc gia có vốn đầu tư lớn thứ hai tại tỉnh, với 676 triệu USD. Điều đáng ghi nhận là, Nhật Bản là quốc gia đầu tiên có dự án đầu tư vào Vĩnh Phúc. Trong đó, sự góp mặt của các “ông lớn” như: Honda, Toyota… đã đặt nền tảng cho sự phát triển ngành công nghiệp ô tô, xe máy trên địa bàn tỉnh và có đóng góp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc trong những năm qua.
Để thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2020 trở thành một tỉnh công nghiệp, Vĩnh Phúc đang và sẽ chú trọng phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, phát triển mạnh công nghiệp sản xuất linh kiện điện tử; thu hút đầu tư FDI vào các lĩnh vực y tế, giáo dục, dịch vụ, đặc biệt ưu tiên các dự án đầu tư sử dụng công nghệ cao có suất đầu tư lớn, sử dụng đất đai, lao động có hiệu quả, có nhiều sản phẩm xuất khẩu.
Vĩnh Phúc cũng sẽ tăng cường hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đảm bảo về số lượng và yêu cầu về trình độ đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.
Các tin khác:
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra thực tế một số công trình, dự án, vụ việc trên địa bàn tỉnh