Thứ Năm, 22/10/2020 17:48:56 (GMT+7)

Nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trong giai đoạn tới

Để hoàn thiện dự thảo Báo cáo tổng kết 05 năm tình hình thực hiện Nghị quyết số 35 và dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 39/2018/NĐ-CP trước khi trình Chính phủ, ngày 19/10/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội thảo góp ý đối với các dự thảo nêu trên. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông chủ trì Hội thảo.

Thứ trưởng Trần Duy Đông phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: MPI

Hoạt động của doanh nghiệp đã có bước phát triển mạnh

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh, doanh nghiệp (DN) có vị trí đặc biệt quan trọng của nền kinh tế, là bộ phận chủ yếu tạo ra tổng sản phẩm trong nước (GDP). DN luôn được đặt trong mối quan hệ tổng hòa với các thành tố khác của nền kinh tế. Do đó, chính sách phát triển DN thường được điều chỉnh, sửa đổi phù hợp với ưu tiên phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia trong từng thời kỳ, tập trung giải quyết các thách thức đối với sự phát triển của DN. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, chính sách phát triển DN luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách phát triển của quốc gia, đặc biệt nhiều quốc gia đã luật hoá và đưa vào Hiến pháp các nguyên tắc bảo vệ, hỗ trợ DN, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

Trong khoảng hai thập kỷ gần đây, hoạt động của DN đã có bước phát triển mạnh, góp phần giải phóng và phát triển sức sản xuất, huy động và phát huy nội lực vào phát triển kinh tế – xã hội, góp phần quyết định vào phục hồi và tăng trưởng kinh tế, tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng thu ngân sách và tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội như: tạo việc làm, xoá đói, giảm nghèo…

DN là yếu tố quan trọng, quyết định đến chuyển dịch các cơ cấu lớn của nền kinh tế quốc dân như cơ cấu nhiều thành phần kinh tế, cơ cấu ngành kinh tế, cơ cấu kinh tế giữa các vùng, địa phương. Có thể nói vai trò của DN không chỉ quyết định sự phát triển bền vững về mặt kinh tế mà còn quyết định đến sự ổn định và lành mạnh hóa các vấn đề xã hội.

Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, với vai trò ngày một quan trọng và không thể thay thế của DN, đặc biệt trong khoảng 5 năm trở lại đây, Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao thông qua việc ban hành nhiều quyết sách quan trọng cụ thể hóa quan điểm thực hiện nghiêm túc, nhất quán một mặt bằng pháp lý và điều kiện kinh doanh cho các DN, không phân biệt hình thức sở hữu, thành phần kinh tế, khuyến khích phát triển các DN khu vực tư nhân trong và ngoài nước vào các lĩnh vực mà pháp luật không cấm; tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN. Luật Hỗ trợ DNNVV và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 là hai trong số các chính sách quan trọng về phát triển doanh nghiệp giai đoạn 5 năm qua.

Nghị quyết số 35/NQ-CP được ban hành ngay từ đầu nhiệm kỳ của Chính phủ giai đoạn 2016-2020, đã phản ánh tinh thần đổi mới mạnh mẽ và hành động quyết liệt của Chính phủ mới, coi doanh nghiệp là động lực của phát triển kinh tế với những nguyên tắc như DN có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm; Nhà nước lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ; Nhà nước có chính sách đặc thù hỗ trợ DNNVV, DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo. Đồng thời, cũng có nguyên tắc mang quan điểm rất mới, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, như không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn này, công tác hỗ trợ DNNVV cũng được chú trọng. Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Hỗ trợ DNNVV (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018). Đây là đạo luật đầu tiên ở nước ta về hỗ trợ DNNVV. Luật được xây dựng và ban hành nhằm thiết lập đồng bộ các chính sách, chương trình hỗ trợ DNNVV trên cơ sở hỗ trợ có chọn lọc; phù hợp mục tiêu, định hướng phát triển, lợi thế cạnh tranh và nguồn lực của đất nước trong từng thời kỳ. Qua đó, nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng của DNNVV.

Để hướng dẫn triển khai Luật, ngày 11/3/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV (hiện nay 5/5 Nghị định hướng dẫn Luật đã được ban hành đầy đủ).

Có thể nói các chính sách về phát triển DN và hỗ trợ DNNVV giai đoạn vừa qua đã được ban hành khá đầy đủ, toàn diện và bước đầu đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Tốc độ tăng doanh nghiệp bình quân giai đoạn 2016-2019 là 14,4%, tăng khoảng 80% so với bình quân giai đoạn 2011-2015; tỉ lệ đóng góp của khu vực kinh tế ngoài nhà nước trong tổng mức đầu tư toàn xã hội liên tục tăng lên từ 36,7% năm 2015 lên 46% năm 2019.

Thúc đẩy khu vực doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, bứt phá hơn nữa, trở thành động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tiếp theo

Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, chúng ta đang bước vào giai đoạn cuối thực hiện Kế hoạch kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020 và Chiến lược 2011-2020. Đây là thời điểm rất quan trọng để chúng ta đánh giá việc thực hiện các chính sách về phát triển doanh nghiệp đã được ban hành, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm để có thể đề xuất định hướng và giải pháp phát triển doanh nghiệp hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Trong đó, để hoàn thiện dự thảo Báo cáo tổng kết 05 năm tình hình thực hiện Nghị quyết số 35 và dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 39/2018/NĐ-CP trước khi trình Chính phủ, Thứ trưởng Trần Duy Đông đề nghị các đại biểu tập trung góp ý làm rõ nguyên nhân tại sao 50% mục tiêu của Nghị quyết số 35 chưa đạt được mặc dù theo báo cáo của các bộ, ngành và địa phương thì trên 99% các nhiệm vụ, giải pháp đã được hoàn thành; đồng thời đề xuất định hướng, giải pháp để có thể thúc đẩy khu vực doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, bứt phá hơn nữa, trở thành động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tiếp theo. Đối với dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 39/2018/NĐ-CP, đề nghị tập trung cho ý kiến đối với một số vấn đề được nhận định còn đang vướng mắc trong quá trình triển khai vừa qua như các định mức hỗ trợ; cách thức, quy trình hỗ trợ; nội dung hỗ trợ trọng tâm (chuyển đổi hộ kinh doanh, tham gia cụm liên kết chuỗi giá trị, khởi nghiệp sáng tạo); một số chính sách chưa được triển khai (cấp bù lãi suất, ưu đãi thuế…), cơ chế điều phối, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương; nguồn kinh phí thực hiện.

Hội thảo được nghe đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày dự thảo tổng kết 5 năm tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 và cho biết, Nghị quyết đã quy định cụ thể các nhóm nhiệm vụ và giải pháp nhằm đạt được mục tiêu đề ra. Các nhóm giải pháp được thiết kế tương ứng với các giai đoạn phát triển của doanh nghiệp, bao gồm: Cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; Tạo dựng môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp sáng tạo và khởi nghiệp; Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh; Giảm chi phí kinh doanh và Bảo vệ lợi ích và quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp.

Trong 5 năm thực hiện Nghị quyết, 99,99% tổng số nhiệm vụ và giải pháp có thời hạn giao cho các Bộ, ngành đã hoàn thành; 100% địa phương xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, ký cam kết với VCCI về cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN; 46/63 tỉnh, thành phố có cam kết cụ thể về số lượng DN của địa phương đến năm 2020…

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chưa đạt chất lượng, chưa đạt tiến độ, yêu cầu đề ra; thiếu liên thông, chia sẻ kết nối dữ liệu; doanh nghiệp chưa quen với việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến;… Điều này do một số nguyên nhân như hệ thống cơ quan, đơn vị đầu mối hỗ trợ DN chưa được hình thành đầy đủ, nhất quán; Hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, hoàn thiện; Chính sách khuyến khích đầu tư còn riêng rẽ manh mún; cơ chế quản lý theo ngành, theo địa bàn với nhiều văn bản khác nhau dẫn đến khó nắm bắt, khó tiếp cận; Chính sách ưu đãi chưa đủ hấp dẫn, chưa quan tâm đúng mức tới nâng cao chất lượng DN (mới thúc đẩy thành lập nhiều DN); DN khu vực tư nhân, DNNVV còn yếu thế trong việc tiếp cận các nguồn lực nhà nước; Nguồn lực dành cho các hoạt động hỗ trợ DN chưa tương xứng với tiềm năng của khu vực này; Năng lực của nhiều DN còn yếu, chưa đủ hấp thụ các chính sách hỗ trợ, tư duy ngắn hạn, sổ sách không minh bạch, chưa mạnh dạn đầu tư công nghệ, chưa chú trọng bảo vệ thương hiệu, uy tín…

Dự thảo Báo cáo cũng đưa ra các khuyến nghị nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Hội nhập và thực thi các FTAs; Quản lý nhà nước hướng tới nền quản trị hiện đại, trực tuyến, kiến tạo cho DN; Ảnh hưởng biến đổi khí hậu, xâm ngập mặn, hạn hán, dịch bệnh; Thách thức và thời cơ từ tác động của dịch bệnh Covid-19. Từ đó, đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như hỗ trợ DN sau tác động bởi dịch bệnh Covid-19; Phát triển DN có quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt trong một số ngành, tạo cực tăng trưởng mới cho phát triển kinh tế; Thúc đẩy nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo trong DN nhằm phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cho DN; Tăng cường liên kết DN, tham gia chuỗi giá trị; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác phát triển DN.

Tại Hội thảo, các đại biểu là đại diện của các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội doanh nghiệp đã trao đổi, đóng góp ý kiến tập trung các vấn đề còn đang tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai, đề xuất các giải pháp để giảm thiểu tối đa khoảng cách giữa chính sách và thực thi, nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trong giai đoạn tới.

Phát biểu tại Hội thảo, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang Nguyễn Cường bày tỏ đồng tình với dự thảo Báo cáo tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết 35 và cho biết, sau khi Nghị quyết ra đời, Tỉnh triển khai xây dựng chương trình hành động, trong đó xác định những mục tiêu, giải pháp theo đúng tinh thần của Nghị quyết và phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành trong Tỉnh. Sau 5 năm thực hiện, những mục tiêu đề ra cơ bản hoàn thành và đạt được một số kết quả quan trọng. Thủ tục hành chính có liên quan đến hoạt động của DN tập trung rà soát cắt giảm từ 25-30% và yêu cầu các sở, ngành có sáng kiến về cải cách hành chính. Về tạo dựng môi trường thuận lợi cho DN khởi nghiệp, Tỉnh tổ chức nhiều cuộc thi và được nhiều DN trẻ tham gia với nhiều ý tưởng trong khởi nghiệp sáng tạo, thông qua đó đã dành nguồn lực để hỗ trợ DN thực hiện ý tưởng. Về quyền bình đẳng trong tiếp cận cơ hội kinh doanh, Tỉnh chỉ đạo các sở, ngành công khai minh bạch các tài liệu có liên quan đến DN, đồng thời tập trung giảm chi phí cho DN, đảm bảo lợi ích hợp pháp cho DN.

Trong 5 năm qua, tỉnh Bắc Giang đã có những đột phá trong phát triển DN, số DN được thành lập mới tăng gấp đôi so với giai đoạn trước, đóng góp quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế – xã hội của Tỉnh và thuộc top đầu cả nước về tăng trưởng GRDP. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế như số DN tạm ngừng, giải thể, không kê khai thuế… còn chiếm tỷ lệ cao. Về quyền bình đẳng, DN tư nhân chưa được đối xử công bằng so với DN FDI hoặc DN có nguồn gốc cổ phần hóa từ DN nhà nước… Trong giai đoạn tới, Tỉnh tập trung khắc phục những khó khăn, phát huy những kết quả đạt được để hỗ trợ DN phát triển tốt hơn.

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DNNVV, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội Lê Văn Quân cho biết, để triển khai Nghị quyết 35, thành phố Hà Nội đã ban hành cơ bản đầy đủ các văn bản triển khai thực hiện Nghị quyết. Về cải cách thủ tục hành chính, Thành phố đẩy mạnh cắt giảm các thủ tục không cần thiết, đẩy mạnh các hoạt động qua mạng và đến nay, 100% hồ sơ được triển khai qua mạng. Về đối thoại chính quyền với doanh nghiệp được thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm, tối thiểu 2 kỳ/năm, triển khai kết nối để tháo gỡ khó khăn cho DN. Về chính sách hỗ trợ DN, Thành phố đã hoàn thiện toàn bộ căn cứ pháp lý để triển khai thực hiện một cách tích cực, đặc biệt là các chính sách theo Luật Hỗ trợ DNNVV và được đánh giá là địa phương bố trí nguồn lực lớn nhất, đồng bộ, hiệu quả nhất trong việc hỗ trợ đào tạo nhân lực. Về xúc tiến thương mại, Thành phố dành nguồn lực hỗ trợ DN xúc tiến trong nước và quốc tế, đào tạo, ứng dụng khoa học công nghệ;…

Nhìn chung sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 35 cho thấy, việc ban hành và thực hiện Nghị quyết rất thành công, hiệu quả, nâng cao nhận thức, tư duy về tầm quan trọng của phát triển DN. Đặc biệt, việc ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc hỗ trợ để DN tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, trong thời gian tới Thành phố cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách và tạo thuận lợi trong việc thực thi. Đồng thời, tiếp tục cắt giảm các thủ tục hành chính, tạo sự thông thoáng cho DN hoạt động; tạo môi trường, kiến tạo để DN tư nhân phát triển; thống nhất chính sách mới để triển khai hiệu quả hơn nữa Nghị quyết số 35…

Tại Hội thảo, từ góc nhìn của các bộ, ngành, doanh nghiệp như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hiệp Hội DNNVV, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ thành phố Hồ Chí Minh, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao… đã báo cáo, chia sẻ về tình hình thực hiện Nghị quyết 35 đối với ngành, lĩnh vực, từ đó đưa ra những đề xuất định hướng và giải pháp phát triển doanh nghiệp hiệu quả hơn trong thời gian tới. Đồng thời đánh giá cao dự thảo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thực hiện Nghị quyết số 35. Dự thảo được xây dựng công phu, khoa học, chỉ ra những kết quả đạt, chưa đạt và những kiến nghị, giải pháp cụ thể về hỗ trợ phát triển DN trong giai đoạn tới./.

Nguồn: mpi.gov.vn