Chủ Nhật, 20/09/2020 8:33:24 (GMT+7)

Vĩnh Phúc thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh phát triển

Đi qua gần 3/4 chặng đường của năm 2020, tình hình kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển ổn định. Sản xuất nông nghiệp được quan tâm đẩy mạnh với chăn nuôi gia cầm đang trên đà phát triển tốt, chăn nuôi lợn dần được khôi phục sau đại dịch tả lợn châu Phi. Sản xuất công nghiệp duy trì đà phục hồi tích cực; kinh doanh thương mại và dịch vụ đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của nhân dân. Các công trình đầu tư xây dựng được đẩy nhanh tiến độ, nhất là các công trình trọng điểm chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Hoạt động tín dụng, ngân hàng được đẩy mạnh, đáp ứng tốt nhu cầu nguồn vốn cho đầu tư phát triển.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, kinh tế – xã hội phục hồi, phát triển ổn định trở lại là nhờ Vĩnh Phúc đã thực hiện tốt “nhiệm vụ kép” là vừa phòng chống dịch vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế, nhất là triển khai thực hiện hiệu quả 8 nhóm giải pháp, chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh phát triển.

Theo đó, căn cứ Nghị quyết số 42, Nghị định số 41 của Chính phủ, Chỉ thị số 11 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 01 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn chính sách, quy định của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương về việc hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động chịu tác động ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 để các đối tượng biết, lập hồ sơ, thủ tục và được xem xét, giải quyết kịp thời. Đồng thời, yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ được giao, kịp thời giải quyết hồ sơ hỗ trợ doanh nghiệp, người dân nhanh chóng vượt qua các khó khăn, ảnh hưởng của dịch bệnh, khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Thực hiện Thông tư số 01 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,  đến tháng 8/2020, toàn tỉnh có 11.450 khách hàng được cho vay mới lãi suất thấp hơn từ 0,5-2%/năm so với lãi suất cũ; miễn, giảm lãi vay, cơ cấu lại thời gian trả nợ cho 1.257 khách hàng, dự nợ đạt trên 3.550 tỷ đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 521 khách hàng, dự nợ đạt 1.186 tỷ đồng.

Về chính sách hỗ trợ thuế theo Nghị định số 41 và Nghị quyết số 84 của Chính phủ, đến nay, Cục Thuế tỉnh đã thực hiện gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất cho 849 doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân với tổng số tiền trên 765 tỷ đồng.

Thực hiện Nghị quyết số 42 của Chính phủ, Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ, Vĩnh Phúc đã hỗ trợ trên 125,5 tỷ đồng cho người có công, thân nhân người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Sở Lao động – Thương binh – Xã hội đã hướng dẫn 10 doanh nghiệp, HTX; xác nhận cho 32 doanh nghiệp có trên 1.800 lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương làm hồ sơ hỗ trợ theo quy định; hướng dẫn 6 doanh nghiệp về trình tự, thủ tục tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Bảo hiểm xã hội tỉnh tiếp nhận công văn đề nghị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất của 20 doanh nghiệp, đơn vị. Liên đoàn Lao động tỉnh chi trên 1,4 tỷ đồng hỗ trợ cho gần 2.850 đoàn viên, người lao động theo Quyết định số 643 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Đối với chính sách hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện theo Văn bản số 2698 của Bộ Công Thương, Điện lực Vĩnh Phúc đã thực hiện giảm giá điện, tiền điện các tháng 4,5,6 cho 214.180 khách hàng, với số tiền trên 138 tỷ đồng.

Riêng việc giải quyết thủ tục nhập cảnh, đến tháng 8/2020, UBND tỉnh đã đề nghị Cục Xuất nhập cảnh, Bộ Công an cho phép nhập cảnh đối với 793 lao động nước ngoài là nhà quản lý, chuyên gia, lao động kỹ thuật cao làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tiếp nhận, cấp mới và cấp lại  85 giấy phép lao động cho người nước ngoài.

Để kinh tế – xã hội của tỉnh tiếp tục vượt qua các khó khăn, thách thức, hoàn thành và vượt các chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 đề ra, tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về công tác giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho sản xuất kinh doanh phát triển cuối tháng 8/2020 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trì khẳng định, thời gian qua, Vĩnh Phúc đã quyết liệt triển khai thực hiện tốt các nhóm chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, để các nhóm chính sách này ngày càng đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, Vĩnh Phúc đề nghị Chính phủ, Quốc hội ban hành chính sách hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, trong đó, cần miễn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với linh kiện sản xuất trong nước; có chính sách ưu đãi để phát triển dòng xe chiến lược dung tích nhỏ, tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện môi trường. Xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc để tỉnh có chiến lược thu hút đầu tư bài bản, cụ thể. Cùng với đó chỉ đạo Tổng Cục thuế, Tổng cục Hải quan nghiên cứu, xem xét cho các doanh nghiệp chế xuất được hưởng các ưu đãi như: Miễn, giảm thuế nhập khẩu đối với  hàng hóa, máy móc thiết bị trong thời gian chờ hoàn tất các thủ tục để được công nhận là doanh nghiệp chế xuất.

Từ các chính sách trợ lực kịp thời của Trung ương, của tỉnh, nhất là tinh thần chủ động vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, 8 tháng đầu năm, kinh tế – xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định. Đặc biệt, ngành sản xuất công nghiệp duy trì đà phục hồi tích cực. Cụ thể, tháng 8/2020, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 2% so với tháng trước. Trong đó, các sản phẩm công nghiệp chủ yếu, chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đều tăng so với tháng trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, vận tải hành khách, hàng hóa có sự phục hồi, phát triển khá so với những tháng trước đây và đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng, vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp, người dân, tạo động lực mới, thúc đẩy kinh tế – xã hội của tỉnh tăng trưởng những tháng cuối năm.

Nguồn: vinhphuc.gov.vn