Thứ Sáu, 17/07/2020 20:09:20 (GMT+7)

Để kinh tế tập thể đóng góp nhiều hơn vào GDP của tỉnh

Những năm qua, hoạt động kinh tế tập thể, hợp tác xã có nhiều chuyển biến tích cực, đóng góp quan trọng trong công tác giải quyết việc làm, bảo đảm đời sống cho người lao động, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển. Với mục tiêu đóng góp nhiều hơn vào tổng giá trị sản phẩm của tỉnh, Vĩnh Phúc đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ kinh tế hợp tác xã đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Hiện toàn tỉnh có 730 hợp tác xã, 11 tổ hợp tác với tổng số thành viên hơn 230 nghìn người. Số vốn hoạt động của các hợp tác xã trên 960 tỷ đồng; tổng giá trị tài sản gần 1.100 tỷ đồng. Doanh thu bình quân của các hợp tác xã đạt hơn 1,1 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 43 nghìn lao động và đóng góp hơn 3% trong cơ cấu giá trị tổng sản phẩm toàn tỉnh.


HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý, xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên
là mô hình hoạt động hiệu quả

Xác định khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã là một trong những khu vực kinh tế quan trọng, đóng góp tích cực cho tăng trưởng chung của tỉnh cũng như tạo việc làm và đẩy mạnh phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân, những năm qua, tỉnh đã xây dựng, ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ khu vực kinh tế hợp tác xã phát triển. Hằng năm, tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý hợp tác xã và cấp kinh phí đào tạo, bồi dưỡng. Đồng thời, các hợp tác xã, tổ hợp tác cũng chủ động cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo ngắn hạn, dài hạn do Trung ương tổ chức để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng nhu cầu phát triển trong hình mới. Chỉ tính riêng giai đoạn từ 2011 – 2020, toàn tỉnh đã tổ chức 40 lớp bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực, kỹ năng về quản lý hợp tác xã cho hơn 6.000 lượt cán bộ, thành viên các hợp tác xã. Hiện đã có gần 32% cán bộ quản lý các hợp tác xã có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên.

Song song với đó, tỉnh quan tâm, tạo điều kiện cho các hợp tác xã tham gia các chương trình, dự án xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh để giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm, định hướng thị trường và hợp tác liên kết sản xuất. Từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 36 hội chợ xúc tiến thương mại; tổ chức cho hàng trăm lượt hợp tác xã tham gia các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, để giúp các hợp tác xã đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, hằng năm, thông qua các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án thuộc các lĩnh vực, UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí đầu tư, hỗ trợ các hợp tác xã ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới trang thiết bị, thông qua các chương trình sản xuất lúa xuân muộn; nuôi cá rô phi đơn tính; hỗ trợ máy nông nghiệp; xây dựng nhà lưới, cơ sở bảo quản, chế biến nông sản; hỗ trợ máy móc trong sản xuất đồ mộc, mây tre đan, cơ khí, rèn, nhôm kính…Đến nay, toàn tỉnh đã có 28 hợp tác xã ứng dụng một hoặc một số loại công nghệ cao như công nghệ bảo quản lạnh, sản xuất an toàn theo quy trình VietGap, sản xuất mạ khay, cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất, thu hoạch, chế biến và bảo quản sau thu hoạch…vào sản xuất.

Ngoài ra, để hỗ trợ các hợp tác xã tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, bên cạnh các cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh tăng cường chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng dành nguồn vốn cho các hợp tác xã vay để mở rộng sản xuất; thành lập Quỹ hỗ trợ hợp tác xã để chủ động về nguồn vốn hỗ trợ các hợp tác xã phát triển. Hiện các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đang cho gần 60 hợp tác xã vay vốn với tổng số tiền gần 210 tỷ đồng, tăng 25% so với cuối năm 2019. Riêng Quỹ hỗ trợ hợp tác xã tỉnh đến nay đã hỗ trợ cho gần 689 hợp tác xã với tổng dư nợ gần 330 tỷ đồng.

Cùng với đó, tỉnh còn triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ thành lập mới hợp tác xã; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; giao đất, cho thuê đất; hỗ trợ giống, vốn khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh và mua bảo hiểm cho các hợp tác xã nông nghiệp…

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đóng góp của kinh tế tập thể vào GDP của tỉnh thấp, sản phẩm hợp tác xã mang thương hiệu còn ít và chưa tạo dựng được uy tín, khả năng cạnh tranh trên thị trường. Số lượng, quy mô kinh tế tập thể phát triển chậm; chất lượng nguồn nhân lực của kinh tế tập thể còn thấp.

Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, kinh tế tập thể, hợp tác xã đóng góp 3,14% vào GDP của tỉnh và đến năm 2030 là 3,5%, doanh thu và lãi của hợp tác xã tăng bình quân từ 5 – 6%/năm, giảm tỉ lệ hợp tác xã hoạt động yếu kém, không hiệu quả xuống dưới 5%, tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể, hợp tác xã; hoàn thiện cơ chế chính sách, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, xây dựng và nhân rộng các mô hình hợp tác xã hiệu quả. Cùng với đó, huy động các nguồn lực xã hội để phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, tạo điều kiện thuận lợi các hợp tác xã tiếp cận với vốn, đất đai, xây dựng cơ sở hạ tầng.

Nguồn: vinhphuc.gov.vn