Nâng cao lợi thế động của quốc gia để thu hút FDI
Để thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dịch chuyển từ Trung Quốc, Việt Nam cần phát huy, cải thiện lợi thế cạnh tranh động, chứ không chỉ dựa vào lợi thế tĩnh.
Trong bối cảnh năm 2020, khi cả thế giới đang đối mặt với đại dịch Covid-19 cùng với căng thẳng trong quan hệ Mỹ – Trung, một làn sóng dịch chuyển của các công ty, nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc vừa để đối phó với đại dịch vừa để giảm sự ảnh hưởng bởi quan hệ Mỹ – Trung. Các chuyên gia quốc tế và trong nước có chung nhận định là, làn sóng FDI đang dịch chuyển khỏi Trung Quốc và có thể vào Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia hay các quốc gia khác.
Trên thế giới, có nhiều lý thuyết giải thích lý do các công ty đa quốc gia (MNCs) quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư. Tiêu biểu trong số đó, mô hình OLI nổi tiếng của tác giả Dunning (1979) phát biểu rằng, các MNCs sẽ tận dụng lợi thế sở hữu thông qua lợi thế quốc tế hóa để khai thác lợi thế địa điểm. Theo Dunning (1981), các MNCs sẽ đánh giá mô hình OLI theo hướng động (Dynamic), nghĩa là xem xét sự dịch chuyển FDI theo hướng chủ động, thay đổi, chứ không phải theo hướng tĩnh (Static).
Ví dụ, với các công ty lựa chọn địa điểm tiêu thụ, họ không chỉ đánh giá tiềm năng của thị trường hiện tại (GDP, GDP bình quân, dân số, tốc độ tăng trưởng trung bình), mà còn xem xét tiềm năng phát triển trong tương lai của địa điểm đó. Hoặc nếu chi phí lao động trong tương lai của thị trường tiếp nhận vốn ngày càng tăng, thì thị trường đó càng mất dần lợi thế chi phí, sẽ ảnh hưởng đến quyết định tái đầu tư của các công ty. Hoặc tiền lương trung bình của lao động quốc gia tiếp nhận vốn ngày càng tăng nhưng năng suất không tăng sẽ là bất lợi đối với các nhà đầu tư trong tương lai, mặc dù thời điểm hiện tại họ có thể chấp nhận được.
Thực tiễn đang không như nhiều người suy nghĩ. Đó là FDI vào Ấn Độ liên tục tăng từ cuối năm 2019 đến nay, kể cả đang trong giai đoạn đối phó với Covid-19, thì Ấn Độ vẫn thu hút FDI kỷ lục với 49,97 tỷ USD năm 2019, tăng 13% so với năm 2018 (Cục Xúc tiến thương mại và công nghiệp Ấn Độ – DPIIT, 2020). Số liệu thống kê của DPIIT cũng cho thấy, 3 tháng đầu năm 2020, Ấn Độ thu hút được 13,2 tỷ USD, tăng 21,76% so với cùng kỳ năm 2019 (10,87 tỷ USD).
Đối với Việt Nam, năm 2019, chúng ta thu hút lượng vốn FDI kỷ lục, song năm 2020, khi đối mặt với Covid-19, lượng vốn FDI vào Việt Nam đang giảm dần. Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tính đến ngày 20/5/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 13,89 tỷ USD, bằng 83% so với cùng kỳ năm 2019. Kết quả so sánh theo tháng cũng tương tự, nếu tháng 1/2020, Việt Nam thu hút được 5,3 tỷ USD, thì sang tháng 2, chỉ thu hút được 1,14 tỷ USD, tháng 3 là 2,08 tỷ USD, tháng 4 là 3,78 tỷ USD và tháng 5 là 1,56 tỷ USD.
Vậy, chiến lược quốc gia nào cho Việt Nam để thu hút FDI dịch chuyển từ Trung Quốc? Trước khi trả lời câu hỏi này, cần điểm qua chiến lược là gì?
Có nhiều khái niệm về chiến lược. Khởi nguồn của khái niệm này được các nhà quân sự dùng trong chiến tranh, nghĩa là cách để đánh thắng đối thủ. Ngày nay, người ta có thể tiếp cận khái niệm chiến lược theo 3 hướng: chiến lược tổng quát, chiến lược kinh doanh và chiến lược cạnh tranh (Campell & cộng sự, 2002).
Theo Chandler (1962), chiến lược là xác định các mục đích và mục tiêu lâu dài của một doanh nghiệp/tổ chức và việc áp dụng các chuỗi hành động, phân bổ nguồn lực cần thiết để đạt được mục tiêu đề ra. Vậy, khái niệm chiến lược, theo Chandler, là chiến lược được định sẵn hay lập kế hoạch.
Tuy nhiên, theo Campell và cộng sự (2002), ngoài chiến lược được định sẵn (Deliberate strategy), còn có chiến lược mới nổi/thích ứng (Emergent strategy). Chiến lược mới nổi không định sẵn mục tiêu, cũng không có lộ trình định sẵn như chiến lược định sẵn, nhưng đó là một sự thay đổi/thích ứng với hành vi để tổ chức đạt được cùng vị thế như chiến lược định sẵn.
Theo Montgomery (2012), ngày nay, chiến lược không phải cố định, mà mang tính cách mạng, di chuyển và thay đổi. Theo quan điểm của tác giả bài viết này, chiến lược mới nổi là chiến lược không cố định, mà thay đổi theo bối cảnh thực tế, hay nói cách khác, người ta có thể hình thành chiến lược năng động (Dynamic strategy) để đạt được lợi thế cạnh tranh năng động (Dynamic competitive strategy).
Như vậy, câu trả lời cho câu hỏi Việt Nam cần chiến lược gì để thu hút FDI, theo tác giả, đó là chiến lược cạnh tranh động hay Việt Nam cần phát huy, cải thiện lợi thế cạnh tranh động của mình, chứ không chỉ dựa vào lợi thế tĩnh (như tài nguyên thiên nhiên, nhân công dồi dào với giá rẻ, chất lượng trung bình, vị trí địa lý…).
Điều Việt Nam cần làm là phát huy, hay dịch chuyển các lợi thế tĩnh thành lợi thế động, như liên tục đào tạo, cải thiện chất lượng lao động, cải thiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng thông tin, hạ tầng xã hội và hạ tầng logistics gắn với phát huy vị trí địa lý cửa ngõ của 3 nước Đông Dương, điểm trung chuyển hàng hải quốc tế. Muốn làm được như vậy, ắt hẳn cần có chính sách động hay linh hoạt từ các nhà hoạch định chính sách.
Tin rằng, Việt Nam sẽ là điểm đến lý tưởng với các nhà đầu tư nếu làm được như vậy.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt