Thứ Tư, 15/02/2017 10:56:59 (GMT+7)

Doanh nghiệp Hàn Quốc kỳ vọng gì vào môi trường kinh doanh Việt Nam

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 19-2017/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng năm 2020. Ông Hong Sun, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về kỳ vọng của các doanh nghiệp nước ngoài về nghị quyết này.

Doanh nghiệp Hàn Quốc kỳ vọng gì vào môi trường kinh doanh Việt Nam

Đây là lần thứ tư trong 4 năm trở lại đây, Chính phủ Việt Nam ra nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh. Ông có bình luận gì về chính sách mới này của Chính phủ?

Trong 2 năm trở lại đây, các chỉ số đánh giá môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có sự sụt giảm. Chính vì thế, năm 2017, Chính phủ Việt Nam đang cố gắng để cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nghị quyết 19 đã đưa ra các giải pháp để thực hiện mục tiêu này.

Trong nội dung của Nghị quyết, phần lớn là các giải pháp cải thiện các chỉ số thuộc yếu tố cơ bản, mà chủ yếu tập trung vào các cải cách hành chính và chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan trong thực hiện các chính sách này. Bên cạnh đó, việc cải thiện các chỉ số thuộc yếu tố nâng cao và sáng tạo cũng được quan tâm. Những nội dung tập trung cải cách đều được xây dựng dựa trên các chỉ số đánh giá của các tổ chức thế giới.

Tại Việt Nam, thủ tục hành chính gần như là mối quan ngại nhất của các doanh nghiệp. Như tôi được biết, trở ngại lớn của Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung vào các vấn đề như: khả năng tiếp cận tài chính, chính sách pháp luật không có tính ổn định, chất lượng lao động còn hạn chế và đặc biệt là một số vấn đề liên quan đến chính quyền chưa được cải thiện rõ rệt như tính năng động của chính quyền, các chi phí không chính thức gây ảnh hưởng trực tiếp tới việc đánh giá môi trường kinh doanh của quốc gia. Vì thế, việc tập trung vào cải cách hành chính là đúng đắn và hữu ích.

Đối với doanh nghiệp, nghị quyết này có thể giúp giải quyết triệt để khó khăn thường gặp phải hay không?

Việt Nam đang cố gắng cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh với các thị trường trong khu vực, để xứng đáng là một địa điểm đầu tưlý tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, có một điều tôi nhận thấy là, các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, Nghị quyết đã đặt ra các mục tiêu rõ ràng để cải thiện. Nhưng khá nhiều nhiệm vụ khác lại không định ra mục tiêu rõ ràng.

Tôi cho rằng, các vấn đề về kinh tế đều có mối liên hệ chặt chẽ, có thể gây ảnh hưởng trực tiếp cho nhau. Vì thế, nếu đã xác định cần phải cải thiện vấn đề gì thì nên có biện pháp cải thiện triệt để, toàn diện.

Đâu là thách thức lớn nhất trong việc thực hiện Nghị quyết 19?

Nhìn chung, các giải pháp được đưa ra trong Nghị quyết đều là cần thiết cho Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, cá nhân tôi nhận thấy, thử thách lớn nhất của Việt Nam trong vấn đề này đó là giai đoạn thực thi. Các giải pháp không khó để đưa ra, nhưng việc thực thi sao cho đạt hiệu quả cao và nhanh chóng luôn là vấn đề thách thức.

Chẳng hạn, Chính phủ đang cố gắng đơn giản hoá, giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, pháp lý, nhưng do quá trình thực hiện phát sinh các vướng mắc, dẫn đến việc chính sách, giải pháp mang tính tích cực chưa thu được kết quả như mong đợi.

Ông có thể nói rõ hơn?

Trên thực tế, Việt Nam đã có những nỗ lực cải thiện các thủ tục hành chính nhưng chưa tạo được đột phá. Thay đổi cần chú trọng đến cả chất và lượng, không nên chỉ chú trọng ở những thay đổi bề mặt hoặc chỉ để tâm đến các chỉ số.

Tôi cho rằng, điều quan trọng hơn cả là tính hiệu quả và bền vững của những thay đổi đó đến đâu, bởi thế không nên lơ là việc kiểm soát chất lượng.

Mục tiêu cuối cùng của việc cải thiện thứ hạng trong các bảng đánh giá cũng là để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh công bằng, thuận lợi, nhằm thu hút đầu tư nước ngoài. Vì thế, tôi mong rằng, tất cả những cố gắng của Chính phủ sẽ mang đến thay đổi chiều sâu để tạo môi trường thực sự tốt cho các doanh nghiệp phát triển.

Theo Thanh Tùng - Báo Đầu tư