Tăng cường phòng chống cháy nổ trong các doanh nghiệp dệt may
Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao do nguyên liệu và sản phẩm đều là chất dễ cháy. Chính vì vậy, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy (PCCC) tỉnh luôn quan tâm, tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn các doanh nghiệp này thực hiện tốt công tác PCCC, tạo sự chuyển biến trong ý thức, nhận thức của các chủ doanh nghiệp.
Hiện nay, toàn tỉnh có 15 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may, trong đó 2 doanh nghiệp loại I thuộc sự quản lý của Phòng Hướng dẫn và Chỉ đạo (HD&CĐ) về phòng cháy, Cảnh sát PCCC tỉnh; 13 doanh nghiệp loại II thuộc Phòng Cảnh sát PCCC khu vực quản lý. Đa số các doanh nghiệp này thiết kế xây dựng theo kiểu nhà 1 tầng, mái gối liên tiếp, trong khi đó, số lượng hàng hóa, vật tư, nguyên liệu sắp xếp chưa được phân loại theo tính chất nguy hiểm cháy, nổ, không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC; trong quá trình sản xuất luôn tồn đọng một lượng xơ, bụi lớn trên trần và trong các đường ống thông gió và khe rãnh có đường dây điện đi qua… điều này làm tăng nguy cơ cháy, nổ.
Trước thực trạng trên, để tăng cường công tác PCCC tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may, Cảnh sát PCCC tỉnh chỉ đạo Phòng HD&CĐ về phòng cháy chủ động rà soát, lập danh sách và phân loại các doanh nghiệp đưa vào diện quản lý về công tác PCCC theo quy định; xây dựng lịch kiểm tra và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng thời gian, đúng quy định; chủ động phối hợp với các ban, ngành chức năng, các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người đứng đầu doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định PCCC; hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng lực lượng, phương tiện PCCC tại chỗ; tổ chức tập huấn theo phương châm “4 tại chỗ”, trang bị phương tiện PCCC đầy đủ theo quy định; hướng dẫn các doanh nghiệp duy trì chế độ tự kiểm tra an toàn PCCC; đưa công tác tự kiểm tra trở thành nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, nâng cao ý thức cảnh giác phòng ngừa các nguy cơ cháy nổ; chủ động phát hiện các sơ hở, thiếu sót về an toàn PCCC, giúp doanh nghiệp kịp thời có những biện pháp ngăn chặn, khắc phục.
Được đánh giá là một trong những công ty thực hiện tốt công tác PCCC, Công ty TNHH Midori Apparel Việt Nam (KCN Khai Quang) là công ty 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, chuyên sản xuất và gia công các sản phẩm: Quần, áo, mũ bảo hộ lao động và quần áo xuất khẩu. Nhận thức được ý nghĩa tầm quan trọng của việc phòng, chống cháy nổ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thời gian qua, công ty luôn quan tâm, chú trọng đầu tư hệ thống PCCC, tuân thủ các quy định về thẩm duyệt và nghiệm thu khi xây dựng nhà xưởng. Toàn bộ diện tích nhà xưởng và các vị trí làm việc đều được trang bị hệ thống PCCC tự động; các trang thiết bị PCCC được công ty thường xuyên bảo dưỡng và thay mới. Đặc biệt, công ty luôn chú trọng việc tuyên truyền, nâng cao kiến thức, ý thức về PCCC cho toàn bộ công nhân, nhân viên.
Nhờ thực hiện hiệu quả các giải pháp trên, đa số doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh đã mở hồ sơ theo dõi, quản lý hoạt động PCCC theo đúng quy định. Mỗi doanh nghiệp ban hành nội quy PCCC phù hợp với đặc thù hoạt động sản xuất; thành lập đội PCCC cơ sở và duy trì hoạt động có hiệu quả; chủ động thực hiện đầy đủ các quy trình trong việc thẩm duyệt và cấp phép PCCC đối với các công trình xây dựng mới, cải tạo lại và các điều kiện an toàn PCCC trong quá trình sản xuất, kinh doanh; đồng thời, trang bị đầy đủ các trang thiết bị PCCC như: Bình bột MFZ4; MFZ8, MFZT35, bình khí MT3, MT5 tại các điểm có nguy cơ cháy nổ cao. Chấp hành nghiêm túc các quy định về PCCC như: Nguồn nước chữa cháy, trang bị phương tiện PCCC…
Đại úy Phan Đức Tùng, Đội trưởng Đội Hướng dẫn kiểm tra an toàn PCCC, Phòng HD&CĐ về phòng cháy cho biết: Bên cạnh các doanh nghiệp có ý thức chủ động đảm bảo an toàn PCCC, bảo vệ tài sản của mình, còn không ít các chủ doanh nghiệp chưa nhận thức đúng đắn, thiếu kiến thức cơ bản về pháp luật và thực tiễn công tác PCCC, còn thờ ơ, chủ quan, phó mặc trách nhiệm cho nhân viên cấp dưới. Nhiều doanh nghiệp khi cơi nới, xây dựng thêm công trình thuộc diện phải thẩm duyệt PCCC nhưng không trình hồ sơ để thẩm duyệt lại. Hệ thống điện không đảm bảo an toàn PCCC như: Câu móc tạm bợ, dây dẫn điện bố trí không gọn gàng, không lắp đặt đủ thiết bị aptomat, cầu chì bảo vệ, việc kiểm tra, bảo quản, sửa chữa thay thế không được quan tâm đầy đủ. Hàng hóa chưa được bố trí, sắp xếp đảm bảo các điều kiện về khoảng cách an toàn PCCC, khả năng chống cháy lan, việc thoát nạn cũng như việc sử dụng trang thiết bị PCCC. Hệ thống PCCC chưa được trang bị đầy đủ theo quy định pháp luật, thiếu hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động; hệ thống cấp nước chữa cháy trong và ngoài nhà được lắp đặt nhưng không đảm bảo lưu lượng và áp lực chữa cháy khi cần thiết, trữ lượng nước dự trữ bên trong không đảm bảo phục vụ chữa cháy khi xảy ra tình huống cháy lớn, phức tạp. Không thực hiện việc bảo dưỡng định kỳ phương tiện PCCC đã trang bị, khi kiểm tra hệ thống không được đảm bảo, đặc biệt có những doanh nghiệp hệ thống PCCC không hoạt động được. Ngoài ra, một số doanh nghiệp, việc vệ sinh công nghiệp nhà xưởng, thiết bị máy móc chưa tiến hành thường xuyên, còn để bụi bông, sợi vải tồn tại nhiều trong nhà xưởng…. tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy nổ cao.
Để phòng chống cháy nổ, đảm bảo an toàn trong sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp dệt may cần thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn PCCC. Bố trí đủ nhân lực thường trực bảo vệ,lượng thường trực sẵn sàng chữa cháy khi có tình huống cháy xảy ra. Đầu tư trang thiết bị PCCC đảm bảo đủ số lượng, chất lượng như: Máy bơm nước, bình chữa cháy… theo đúng quy định, đảm bảo công tác phòng chống cháy nổ, từ đó hạn chế đến mức thấp nhất khi cháy nổ xảy ra.
Các tin khác:
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra thực tế một số công trình, dự án, vụ việc trên địa bàn tỉnh