Thứ Sáu, 03/02/2017 8:02:32 (GMT+7)

Doanh nghiệp FDI: Khi cam kết không chỉ là lời hứa

Trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã cho thấy trách nhiệm với cam kết của mình khi đầu tư vào Việt Nam.

Doanh nghiệp FDI: Khi cam kết không chỉ là lời hứa

CEO Intel Việt Nam: “Hành trình 10 năm với nhiều sáng kiến phát triển bền vững”

Trò chuyện với phóng viên Báo Đầu tư dịp đầu năm mới, bà Sherry Boger, CEO của Intel Products Vietnam (IPV) vẫn đầy hứng khởi khi nói về chặng đường 10 năm của Tập đoàn Intel đầu tư, xây dựng nhà máy tại Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP).

“Dịp cuối năm vừa qua, chúng tôi đã kỷ niệm 10 năm có mặt tại Việt Nam. Những thành tựu của chặng đường vừa qua đã góp phần vào sự thành công của khối FDI nói chung và của ngành công nghệ bán dẫn cho Việt Nam. Thành công ấy đã tạo cảm hứng và tin tưởng cho Intel tiếp tục mở rộng và đẩy mạnh sản xuất trong những năm tiếp theo”, bà Sherry Boger mở đầu câu chuyện.

Cần nhắc lại rằng, sau khi được cấp phép cuối năm 2006, Tập đoàn Intel đã nhanh chóng khởi công xây dựng nhà máy tại SHTP trên diện tích 4,6 ha, trở thành nhà máy lớn nhất trong số các nhà máy kiểm định và lắp ráp của Intel trên toàn cầu. Năm 2010, những sản phẩm Intel gắn nhãn “Made in Vietnam” chính thức được xuất xưởng. Theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm vừa qua, IPV cán mốc 600 triệu sản phẩm được xuất xưởng tại Việt Nam.

Trong câu chuyện của mình, bà Sherry Boger dường như không muốn đề cập đến những số liệu, báo cáo phân tích về những đóng góp của IPV đối với ngành công nghệ bán dẫn, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam hay về giá trị gia tăng bình quân so với các doanh nghiệp FDI khác, đóng góp cho kim ngạch xuất khẩu. Thay vào đó là câu chuyện về những sáng kiến phát triển bền vững mà Intel đã kiên trì theo đuổi, thực hiện trong một thập kỷ hoạt động tại Việt Nam.

Những năm qua, IPV đã có hàng chục sáng kiến và có những sáng kiến sau nhiều năm kiên trì thực hiện mới được đánh giá đúng tầm.

Có lẽ, sáng kiến khiến nữ CEO của Intel Việt Nam tự hào nhất là Chương trình liên minh giáo dục kỹ thuật bậc cao (HEEAP) – dự án hợp tác công tư đầu tiên ở Việt Nam giữa Chính phủ, doanh nghiệp và các trường đại học bang Arizona (ASU – Mỹ) nhằm đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật không chỉ cho nhu cầu tuyển dụng của IPV mà còn cho ngành công nghệ cao tại Việt Nam. HEEAP với sự tham gia của các trường đại học và ba trường cao đẳng kỹ thuật hàng đầu của Việt Nam, với mục tiêu cao nhất là các trường kỹ thuật ở Việt Nam sẽ đào tạo sinh viên theo các chuẩn quốc tế như chuẩn ABET hoặc chuẩn AUN. Một khi sinh viên được đào tạo theo chuẩn quốc tế thì bằng cấp của họ cũng sẽ được quốc tế công nhận. “Tính đến nay, dự án này đã giúp đào tạo hơn 5000 giảng viên thuộc 8 trường đối tác và trao 454 suất học bổng nữ sinh kỹ thuật cho sinh viên thuộc 15 trường cao đẳng và dạy nghề tại Việt Nam”, bà Sherry Boger nói và cho biết, trong thời gian tới, Intel sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động này.

Xuất phát từ cam kết bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững, IPV còn thực hiện sáng kiến năng lượng xanh khi đầu tư một hệ thống năng lượng mặt trời với sản lượng 321.000 kWh/năm và giảm thải 221.300 kg khí thải CO2 hàng năm. Riêng năm 2016, Intel đã triển khai 16 dự án tiết kiệm năng lượng với tỷ lệ tiết kiệm đạt 4.678.845 kWh.

Cũng liên quan đến các sáng kiến trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam, thời gian qua, IPV đã phối hợp triển khai dự án giáo dục phổ thông đào tạo cho trên 150.000 chuyên gia giáo dục tại 28 tỉnh và thành phố cũng như tạo sự chuyển đổi mạnh mẽ về phương pháp học tập cho sinh viên tại nhiều trường đại học, cao đẳng.

“Dự kiến trong quý I/2017, IPV sẽ công bố một chương trình hỗ trợ giáo dục mới nhằm hỗ trợ nguồn nhân lực cốt cán cho dự án Thành phố thông minh của TP.HCM”, bà Sherry Boger chia sẻ.

CEO Bosch Việt Nam: “Đồng hành với các dự án thiết thực cho cộng đồng”

Trong dịp khánh thành “Hệ thống xe máy điện cộng đồng”, ông Võ Quang Huệ, Tổng giám đốc Công ty Bosch Việt Nam hồ hởi cho phóng viên Báo Đầu tư biết, 18 xe máy điện đầu tiên do sinh viên Việt Nam nghiên cứu, phát triển đã được hoàn thành. Đây là thành quả của chương trình “Green Challege” do Bosch Việt Nam khởi xướng, hợp tác với các trường Đại học bách khoa TP.HCM, Đại học bách khoa Đà Nẵng và Đại học Việt Đức (Bình Dương) được khởi động từ năm 2015. Với dự án này, sinh viên của 3 trường nghiên cứu và phát triển một hệ thống quản lý và vận hành xe máy điện cộng đồng. Các hệ thống do sinh viên đề xuất phải thân thiện môi trường và đáp ứng được những yêu cầu do Bosch quy định, bao gồm hệ thống xác nhận và thanh toán tiền sử dụng xe máy điện, trạm sử dụng năng lượng tái tạo và thiết bị theo dõi xe máy điện. Bosch Việt Nam tài trợ hơn 4 tỷ đồng cho toàn bộ dự án. Các chuyên gia của Bosch tư vấn chuyên môn để triển khai dự án trong năm 2016. Về ứng dụng trong thực tiễn, một chiếc xe máy điện do sinh viên Việt Nam nghiên cứu, phát triển nếu sạc đầy điện có thể chạy được quãng đường 80 km với tốc độ tối đa 45 km/giờ…

Điều khiến vị CEO của Bosch Việt Nam vui, không chỉ bởi từ những ý tưởng sáng tạo của sinh viên, khi được sự tư vấn và hỗ trợ của doanh nghiệp đã có những thành công bước đầu. Quan trọng hơn, hệ thống này nếu được triển khai tại các thành phố lớn của Việt Nam sẽ góp phần giải quyết những thách thức giao thông và môi trường hiện nay và sẽ là một trong những giải pháp góp phần xây dựng các thành phố thông minh. Theo ông Huệ, thông qua dự án này, Bosch và các trường đại học giới thiệu một phương tiện giao thông tiên tiến và thân thiện với môi trường cho cộng đồng. Và, đây sẽ là phương tiện “xanh” vì cuộc sống đô thị bền vững.

“Chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục hợp tác với các trường học để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu – phát triển mang tính ứng dụng cao tại Việt Nam. Vì sao chúng tôi chọn con đường này? Vì chúng tôi có niềm tin mạnh mẽ vào con người và tiềm năng phát triển của Việt Nam. Nhưng để khai phá, giải phóng những tiềm năng ấy, cần nhất là sự chung tay từ nhiều phía: nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng và từng cá nhân”, ông Huệ chia sẻ.

Trong năm tài khóa gần nhất được công bố, Bosch Việt Nam đạt doanh thu hợp nhất 68 triệu USD, tăng gần 50% so với năm trước đó và là kết quả cao nhất đạt được kể từ khi có mặt tại thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, điều khiến vị CEO của Bosch Việt Nam trăn trở, đó là, làm sao để giáo dục Việt Nam ngày càng chất lượng hơn, người lao động Việt Nam được nâng cao năng lực và sức cạnh tranh để hội nhập quốc tế và nền công nghiệp nước nhà ngày càng phát triển. “Tôi mong muốn nhiều người đồng hành với mình, nhất là những người trẻ. Càng có nhiều người chung tay, sức mạnh sẽ càng lan tỏa”, ông Huệ nói.

Trong một lần trò chuyện với phóng viên Báo Đầu tư, CEO của một doanh nghiệp FDI khá “đình đám” đang hoạt động tại Việt Nam có chia sẻ quan điểm về giá trị đích thực của một doanh nghiệp. Theo đó, giá trị của một doanh nghiệp không phải là những tuyên bố hùng hồn mà chính là những việc họ thực sự làm nhằm mang lại lợi ích kinh tế, giá trị gia tăng cho khách hàng, người lao động và xã hội…
Có lẽ, đó không chỉ là giá trị mà chỉ riêng doanh nghiệp đó theo đuổi. Trong giai đoạn hiện nay, khi mà cam kết phát triển bền vững của doanh nghiệp FDI không chỉ còn là khẩu hiệu, lời kêu gọi thì câu chuyện của những Intel, Bosch… là những câu trả lời đáng ghi nhận và cần được nhân rộng.
Theo Hồng Sơn - Báo Đầu tư