Ngành Công nghiệp quyết tâm đạt mục tiêu
Năm 2016 đi qua, mặc dù còn gặp không ít khó khăn nhưng ngành Công nghiệp vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định, khẳng định vị thế là ngành chủ lực trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, tạo đà quan trọng cho những bước phát triển mới trong năm 2017, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng Vĩnh Phúc trở thành trung tâm công nghiệp du lịch của vùng và cả nước, thành phố trực thuộc Trung ương vào những năm 20 của thế kỷ XXI.
Nhận diện rõ những khó khăn của tình hình kinh tế thế giới và trong nước tác động đến sản xuất công nghiệp, năm 2016, Vĩnh Phúc đã triển khai hàng loạt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất công nghiệp phát triển. Tỉnh ủy, UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo các ban, ngành chức năng tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp; phát triển công nghiệp hỗ trợ; quy hoạch hạ tầng giao thông, điện, xăng dầu, hệ thống bán lẻ…; đẩy mạnh xúc tiến thương mại và phát triển thương mại điện tử. Đẩy mạnh cải cách, công khai minh bạch thủ tục hành chính; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa và đổi mới công nghệ; đào tạo trợ giúp nguồn nhân lực; hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh và các nguồn vốn tín dụng ưu đãi… , góp phần tích cực cùng các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Hàng loạt các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh đều có mức tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước như: Ô tô các loại tăng gần 19%, đạt gần 63 nghìn chiếc; linh kiện điện tử tăng gần 30%; quần áo các loại tăng 14,5%; điện thương phẩm tăng 12,5%… đưa giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh năm 2016 tăng 9,3% so với năm trước và đạt trên 160 nghìn tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1,8 tỷ USD, tăng trên 12% so với năm trước. Chất lượng các sản phẩm công nghiệp ngày càng tăng, đáp ứng yêu cầu nhiều thị trường khắt khe như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản…
Là một trong những doanh nghiệp đóng góp quan trong vào phát triển sản xuất công nghiệp của tỉnh, trong năm 2016, Công ty Toyota Việt Nam đã sản xuất, lắp ráp gần 59 nghìn xe ô tô các loại, tăng 15% so với năm 2015, chiếm 21% thị phần ô tô nội địa. Hiện nay, Toyota Việt Nam đang cung cấp cho thị trường 5 mẫu xe gồm: Camry, Corolla Altis, Vios, Innova và Fortuner, được sản xuất, lắp ráp tại nhà máy ở thị xã Phúc Yên. Doanh số bán hàng năm 2016 của công ty đạt mức cao kỷ lục, với hơn 57 nghìn xe, tăng 13% so với năm 2015, nâng tổng doanh số bán cộng dồn của Toyota tại Việt Nam đạt gần 413 nghìn xe. Ông Toru Kinoshita, Tổng Giám đốc Công ty Toyota Việt Nam cho biết: Với những chính sách hỗ trợ tích cực từ Chính phủ Việt Nam và tỉnh Vĩnh Phúc, trong thời gian qua, Công ty Toyota Việt Nam liên tục tăng trưởng ổn định và đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế – xã hội của Vĩnh Phúc nói riêng và Việt Nam nói chung. Năm 2017, Toyota Việt Nam tiếp tục đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, phấn đấu doanh số tăng trưởng trên 10% so với năm 2016.
Không chỉ Công ty Toyota Việt Nam, hàng loạt các doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh như: Công ty Honda Việt Nam; Công ty TNHH Toyota Boshoku Hà Nội; Công ty thép Việt Đức; Công ty má phanh Nissin Việt Nam; Công ty cổ phần Prime Group; Công ty TNHH Piaggio Việt Nam; Công ty TNHH Vitto; Công ty TNHH công nghệ COSMOS… đều quyết tâm đặt những mục tiêu mới trong năm 2017, với giá trị tăng trưởng cao hơn khá nhiều so với năm 2016. Điều này, thể hiện sự lạc quan vào thị trường cũng như sự tin tưởng, kỳ vọng vào các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn đẩy mạnh phát triển sản xuất của Chính phủ và nhất là những hỗ trợ thiết thực, trực tiếp của tỉnh Vĩnh Phúc.
Ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng Phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công thương cho biết: Đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn, tỉnh ta đã triển khai có hiệu quả nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Mới đây nhất, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 57/2016/NQ-HĐND ngày 12/12/2016 về một số biện pháp đặc thù thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, quy định các điều kiện và chính sách hỗ trợ cụ thể của tỉnh bên cạnh các chính sách hỗ trợ chung của Chính phủ, tập trung chủ yếu vào các nội dung liên quan đến cải cách, công khai minh bạch thủ tục hành chính; hỗ trợ mặt bằng sản xuất; xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào khu công nghiệp; đào tạo thu hút nhân lực chất lượng cao; sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; chi phí quảng cáo, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh; chi phí lập hồ sơ đầu tư trực tiếp và báo cáo đánh giá tác động môi trường với các dự án thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư của tỉnh… Đây là một trong những cơ sở quan trọng để các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục đặt mục tiêu duy trì mức tăng trưởng sản xuất kinh doanh khá trong năm 2017.
Các tin khác:
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra thực tế một số công trình, dự án, vụ việc trên địa bàn tỉnh