FDI – điểm sáng của bức tranh kinh tế 2016
Với 24,373 tỷ USD, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đã thực sự trở thành điểm sáng của bức tranh kinh tế 2016.
Số liệu đã chính thức được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố. Theo đó, trong năm 2016, đã có trên 24,3 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, tăng 7,1% so với năm ngoái. Đây là một kết quả rất đáng ghi nhận, mà theo bình luận của GS-TSKH. Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư, thì đó chính là “một điểm sáng của bức tranh kinh tế 2016”.
Trong bối cảnh tăng trưởng GDP được tính toán chỉ vào khoảng 6,21%, tăng trưởng xuất khẩu cũng không đạt mục tiêu đề ra, thì dễ hiểu vì sao đầu tư nước ngoài trở thành điểm sáng. Thêm nữa, khi kinh tế toàn cầu và trong nước vẫn đang gặp nhiều khó khăn, việc các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục dốc vốn vào Việt Nam đã khẳng định sức hấp dẫn của điểm đến Việt Nam. Đây là thành quả cho những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Báo cáo tổng hợp từ Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, trong số 24,3 tỷ USD nói trên, vốn đầu tư đăng ký mới đạt 15,18 tỷ USD, bằng 97,5% so với năm ngoái; còn vốn tăng thêm đạt 5,76 tỷ USD, bằng 80,3% so với năm 2015.
Điểm đáng chú ý, đó là theo Cục Đầu tư nước ngoài, sự sụt giảm về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới và tăng thêm đã được bù đắp rất lớn bởi số lượng vốn khá lớn mà nhà đầu tư nước ngoài đã bỏ ra để góp vốn, mua cổ phần trong các doanh nghiệp tại Việt Nam. Con số lên tới 3,42 tỷ USD và đã góp phần quan trọng để vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm qua không những không giảm, mà còn tăng 7,1% so với năm ngoái. Đây là năm đầu tiên, Cục Đầu tư nước ngoài đã thực hiện việc thống kê số liệu về tình hình đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài. Thêm con số này, bức tranh đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thêm toàn diện hơn.
Quay trở lại với số liệu thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài, như vậy, trái với phỏng đoán của Báo Đầu tư cách đây ít ngày, đó là nhiều khả năng việc cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án BOT ngành điện sẽ khiến vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2016 bật tăng, thì đã không có dự án quy mô lớn nào nhận được cái gật đầu của các cơ quan chức năng Việt Nam vào những ngày cuối năm. Các dự án BOT ngành điện đã thêm một năm nữa lỡ hẹn.
Tuy nhiên, theo nguồn tin riêng của Báo Đầu tư, thì các thủ tục đầu tư cho các dự án này đang ở giai đoạn cuối cùng. Và do vậy, nếu không có gì thay đổi, đầu năm tới, giấy chứng nhận đầu tư sẽ được trao và “điểm” sẽ tiếp tục được ghi cho cácdự án tỷ USD.
Một động thái cũng có thể là tin vui trong những ngày cuối năm, đó là ngày hôm qua, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã cùng Công ty GOMAX I&D (Hàn Quốc) ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) về việc đầu tư Dự án Khu phức hợp trường đua ngựa quốc tế và công trình thể thao, giải trí tại tỉnh này. Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến là 1,5 tỷ USD.
Dự án này, như Báo Đầu tư đã thông tin, đã được GOMAX đệ trình lên các cơ quan chức năng Việt Nam từ 10 năm trước, nhưng với vốn đầu tư dự kiến chỉ là 570 triệu USD. Sau 10 năm, một dự án mới, với quy mô lớn gần gấp 3 lần so với trước đã được xây dựng, đề xuất và hiện tại, GOMAX rất kỳ vọng sẽ sớm nhận giấy chứng nhận đầu tư để triển khai nhanh thực tế.
Theo kế hoạch, Khu phức hợp trường đua ngựa quốc tế và công trình thể thao, giải trí của GOMAX sẽ bao gồm các hạng mục như trường đua ngựa, sân golf 72 lỗ, khu thể thao giải trí, câu lạc bộ cưỡi ngựa và polo, khu nhà ở và biệt thự, quy mô 750 ha.
Thông tin cho biết, cách đây ít ngày, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chính thức có văn bản đệ trình dự án lên Chính phủ. Tuy nhiên, nhiều khả năng việc thông qua dự án này sẽ còn phụ thuộc vào thời điểm Chính phủ thông qua Nghị định về kinh doanh đặt cược, đua ngựa. Có thể, nghị định này cũng sẽ được ban hành trong năm tới và như vậy, nếu mọi việc suôn sẻ, thì Vĩnh Phúc sẽ sớm đón nhận dự án FDI có quy mô lớn nhất từ trước tới nay.
Những động thái tích cực từ các dự án quy mô lớn này hứa hẹn sẽ mang lại “sinh khí” mới cho vốn FDI vào Việt Nam trong những tháng đầu năm 2017.
Tuy nhiên, số lượng vốn đăng ký chỉ là một khía cạnh. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến trình bày tại Hội nghị của Chính phủ với các địa phương ngày hôm nay (28/12), thì “chất lượng thu hút đầu tư nước ngoài đã được nâng cao theo hướng chất lượng nguồn vốn; khuyến khích các dự án quy mô lớn, sử dụng, chuyển giao công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh và tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu…”.
Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho thấy, vốn FDI giải ngân trong năm 2016 đạt 15,8 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ. Khoảng cách giữa vốn đăng ký và vốn giải ngân ngày càng ngắn, theo GS-TSKH. Nguyễn Mại, cũng là một dấu ấn tích cực.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt