Thứ Ba, 03/01/2017 13:27:14 (GMT+7)

Hợp tác phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ 2017 – 2020: Xác định cuộc chơi chọn – bỏ

Cam kết hợp tác toàn diện mà 15 tỉnh, thành phố vừa đặt bút ký đang đặt ra những đầu bài khó cho từng địa phương. Nhưng lần này, có lẽ bài toán chọn – bỏ không còn quá rối.

Hợp tác phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ 2017 – 2020: Xác định cuộc chơi chọn – bỏ

15 tỉnh, thành phố trong Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ đã ký Biên bản hợp tác phát triển toàn diện.

Sẽ có chọn và bỏ

Cho dù Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung kêu gọi 15 địa phương trong Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng Thủ đô Hà Nội cùng đồng hành, hợp tác, liên kết để tạo ra sự cộng hưởng trong phát triển, song việc đáp lại thực không dễ dàng.

Ngay cả khi lời đáp này sẽ góp phần tại nên một Vùng kinh tế trong điểm Bắc Bộ thực sự mạnh, nghĩa là, từng địa phương sẽ được hưởng lợi.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại Hội nghị.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại Hội nghị.

Nhưng, sự kiện 15 lãnh đạo của các tỉnh cùng đặt bút ký vào một biên bản hợp tác phát triển toàn diện trên các lĩnh vực tại Hội nghị Hợp tác phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ năm 2016 (diễn ra vào ngày 27/12/2016) đang phát đi những tín hiệu tích cực.

Có thể những hạn chế, hay như cách đánh giá là “chưa tương xứng với tiềm năng” của ông Nguyễn Doãn Toản, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội về kết quả của lần ký ghi nhớ hợp tác trên nhiều mặt trong giai đoạn đến năm 2016 của 11 lãnh đạo tỉnh, thành phố Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ mở rộng, Vùng Đồng bằng sông Hồng vào năm 2012, khiến các địa phương khó có thể chần chừ hơn trong mối liên kết này.

Theo ông Nguyễn Doãn Toản, Phó chủ tịch UBND Thành phố, hoạt động hợp tác của các địa phương trong Vùng chủ yếu mới tích cực ở lĩnh vực kinh tế, trao đổi thông tin, kinh nghiệm, giúp đỡ đào tạo cán bộ, chưa chuyển mạnh sang các bước thực hiện theo dự án, đề án cụ thể, chưa xác định rõ vai trò của từng địa phương trong phối hợp phát triển của Vùng; chưa có những kiến nghị, đề xuất cơ chế, chính sách, chương trình, dự án ưu tiên… tạo động lực cho sự phát triển chung của Vùng.

Cần phải đặt những việc chưa làm được trong bối cảnh rất mới của nền kinh tế, đó là, Việt Nam đã hội nhập rất sâu với nền kinh tế thế giới và sự chuyển dịch mạnh mẽ của dòng thương mại và đầu tư trên thế giới tạo nên cuộc cạnh tranh gay gắt trong thu hút đầu tư.

“Dòng vốn này sẽ chọn địa điểm có lợi thế nhất. Vấn đề ở đây là, trước áp lực về ngân sách địa phương vô cùng lớn, liệu các địa phương có sẵn sàng “nhường” các dự án không thật phù hợp”, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã đặt câu hỏi khi nhìn vào mối liên kết này.

Có thể hình dung, Hà Nội với lợi thế về trung tâm văn hóa, chính trị, giáo dục, khoa học sẽ là chỗ cho những dự án công nghiệp và dịch vụ có giá trị gia tăng lớn như ngành công nghệ cao, dịch vụ tài chính, ngân hàng, dịch vụ y tế, giáo dục; không còn chỗ cho các dự án thâm dụng đất đai hay lao động. Hay Quảng Ninh với lợi thế về khai thác than và du lịch, dịch vụ cảng biển sẽ nâng giá trị rất lớn   trong liên kết chặt chẽ với các tỉnh khác trong Vùng để đa dạng hóa gói dịch vụ.

Còn Hải Phòng có lợi thế tuyệt đối về dịch vụ cảng và vận tải biển, nhưng không thể hoạt động tách rời các cụm công nghiệp điện tử Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên… Khi đó, hệ thống liên hoàn các kho bãi và đội vận tải đa phương thức quy mô lớn sẽ giảm chi phí logistics cho các doanh nghiệp trong vùng.23

Thách thức thực thi

Sở Kế hoạch & Đầu tư và Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP.Hà Nội (HPA) là hai đơn vị được giao chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành tổ chức Hội nghị đã phối hợp chặt chẽ để chương trình diễn ra chu đáo, hiệu quả.

Ông Nguyễn Gia Phương, Giám đốc HPA và các cộng sự đang gần như không có giờ nghỉ. Sau lễ ký biên bản hợp tác của lãnh đạo 15 tỉnh, thành phố, kế hoạch làm việc của HPA trong năm 2017 sẽ thay đổi rất lớn.

Lý do không chỉ là yêu cầu của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội về việc phải cụ thể hóa ngay các nội dung trong Kế hoạch điều phối và Biên bản hợp tác thành những nhiệm vụ cụ thể để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, động lực của mỗi địa phương và của toàn Vùng trên nguyên tắc hài hòa về lợi ích, trách nhiệm và bình đẳng.

“Các đầu mối xúc tiến đầu tư của 15 tỉnh, thành cũng sẽ cùng phải thay đổi tư duy, cách thức làm việc mới thực hiện được các mục tiêu này”, ông Phương nói.24

Nhìn vào 7 trọng tâm 15 tỉnh đã chọn ưu tiên hợp tác trong giai đoạn này, gồm đầu tư, thương mại, du lịch, giao thông vận tải, y tế, giáo dục, khoa học và công nghệ, có thể thấy chìa khóa thành công sẽ không chỉ là xác định lợi thế ưu tiên, trọng tâm thu hút đầu tư…, mà còn là sự sẵn sàng từ chối hoặc giới thiệu địa điểm từ địa phương này tới địa phương khác.

Các hoạt động này trên thực tế đã có. Thời gian qua, Hà Nội đã giới thiệu nhiều doanh nghiệp  tới các địa phương để xây dựng nhà máy, như Công ty Nhựa Hà Nội đầu tư nhà máy tại tỉnh Hưng Yên; Công ty cổ phần ABB, Công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam đầu tư nhà máy tại KCN Đại Đồng (Bắc Ninh)… Hà Nội đã giới thiệu các doanh nghiệp hợp tác đầu tư với các tổ chức, cá nhân, xây dựng chuỗi sản xuất và cung cấp thực phẩm với các doanh nghiệp, trại chăn nuôi thuộc tỉnh Hưng Yên…

Hay như tại Hội nghị Hợp tác phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ năm 2016 vừa rồi, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã đề nghị các tỉnh, thành phố hàng tháng tổ chức 1 đêm văn hóa tại phố đi bộ Hoàn Kiếm để giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống, tạo sức hút về du lịch cho các địa phương trong Vùng…

“Chúng tôi cần sự chung tay của các đầu mối ở các địa phương để phối hợp và đẩy mạnh công việc này”, ông Phương nói.

Rõ ràng, việc thực hiện bản hợp tác toàn diện của 15 tỉnh này vô cùng khó, song, những người đứng đầu đã thể hiện quyết tâm phải làm. Đó là điều kiện cần quan trọng.

Theo Khánh An - Báo Đầu tư