Vốn FDI đăng ký vào Việt Nam năm 2016 có thể lập đỉnh mới với 24 tỷ USD
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong năm nay có thể đạt đỉnh mới, với con số khoảng 24 tỷ USD, cao hơn 1 tỷ USD so với năm ngoái.
Thông tin chi tiết chưa được tiết lộ, song theo một nguồn tin riêng của Báo Đầu tư, thì nhiều khả năng, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong năm nay có thể lên tới 24 tỷ USD. Nếu đúng vậy, đây sẽ là một đỉnh mới được thiết lập và nó sẽ cao hơn vốn FDI đăng ký trong năm ngoái khoảng 1 tỷ USD.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, trong 11 tháng của năm 2016, mới chỉ có hơn 18 tỷ USD vốn FDI, bao gồm cả cấp mới và tăng thêm đăng ký vào Việt Nam, vẫn giảm 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Nay chỉ thêm 1 tháng, vốn FDI đăng ký nhảy vọt và nếu vậy, chắc chắn, sẽ phải có dự án quy mô lớn được cấp chứng nhận đầu tư.
Câu hỏi khiến dư luận tò mò, đó là dự án nào? Bởi lẽ, từ đầu năm tới nay, không có nhiều thông tin cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đăng ký đầu tư các dự án lớn vào Việt Nam. Bởi thế, tâm điểm chú ý đang hướng vào các dự án BOT ngành điện.
Ngay từ đầu năm nay, khi nhận định về tình hình thu hút FDI, ông Nguyễn Nội, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã nhắc đến những dự án BOT ngành điện – với vốn đăng ký khoảng 2 tỷ USD/dự án – đang “xếp hàng” để được cấp chứng nhận đầu tư. “Chỉ cần 2-3 dự án như vậy được cấp chứng nhận đầu tư thì vốn FDI đăng ký sẽ tăng lên rất nhanh”, ông Nội đã nói như vậy.
Trên thực tế, các dự án như BOT Nghi Sơn 2, vốn đầu tư 2,3 tỷ USD; Vũng Áng 2, vốn đầu tư 2,5 tỷ USD; Vân Phong 1, vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD… được đặt kỳ vọng nhiều nhất. Bởi đây là những dự án đã được chuẩn bị từ nhiều năm qua và việc đàm phán hợp đồng BOT đang ở giai đoạn cuối cùng, các thủ tục đầu tư cũng đã ở giai đoạn nước rút.
Trong số này, Nhiệt điện Vân Phong 1, do tổ hợp nhà đầu tư Sumitomo – Hanoico đầu tư, đã được đề xuất đầu tư từ 10 năm trước. Dù tỉnh Khánh Hòa đã rất nỗ lực trong giải phóng mặt bằng và tạo mọi điều kiện để Dự án có thể khởi công đúng tiến độ, song Dự án đã liên tục bị đẩy lùi, do vướng mắc trong đàm phán hợp đồng BOT. Liệu năm nay họ có thể có được tấm vé “vào cửa” Việt Nam hay không?
Tương tự, Nhiệt điện Vũng Áng 2 (Hà Tĩnh), do liên doanh Tập đoàn Mitsubishi (Nhật Bản) và Công ty Oneenergy Asia (Hồng Kông – Trung Quốc) làm chủ đầu tư, cũng đã liên tục trì hoãn kế hoạch triển khai kể từ năm 2011 đến nay.
Cuối năm ngoái, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã rất hồ hởi khi cho biết, Dự án đang hoàn tất việc đàm phán các hợp đồng BOT, chuẩn bị các thủ tục đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Có lẽ, trong các dự án BOT ngành điện, Nhiệt điện Nghi Sơn 2 (Thanh Hóa) được kỳ vọng nhiều nhất, bởi khá nhiều thủ tục cần thiết đã được hoàn tất. Gần đây nhất, đầu tháng 11 vừa qua, Bộ Công thương đã cùng các nhà đầu tư gồm Công ty Marubeni (Nhật Bản) và Công ty KEPCO (Hàn Quốc) ký kết thỏa thuận đầu tư Dự án BOT Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2.
Tại buổi lễ ấy, chính ông Đặng Huy Cường, Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương) đã nhấn mạnh rằng, để thực hiện thành công Dự án và đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam, đòi hỏi sự cố gắng và nỗ lực rất lớn của chủ đầu tư trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và tiếp theo là thu xếp tài chính với các tổ chức cho vay quốc tế.
“Chúng tôi hy vọng, với năng lực và quyết tâm của chủ đầu tư, cùng sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan phía Việt Nam và UBND tỉnh Thanh Hóa, Dự án sẽ sớm được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thu xếp khởi công sớm, đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ”, ông Đặng Huy Cường đã nói như vậy.
Liệu có phải các dự án này đã được cấp phép? Và nhờ vậy, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam năm nay mới có sự đảo chiều ngoạn mục như thế? Câu trả lời cuối cùng sẽ có trong tuần này, khi Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chính thức công bố số liệu tổng hợp về thu hút FDI vào Việt Nam.
Tuy nhiên, ở thời điểm này, cũng lại phải một nhắc đến sự chậm trễ trong việc thực hiện các thủ tục đầu tư đối với các dự án BOT ngành điện. Sự chậm trễ này đã khiến hơn một lần, các nhà đầu tư nước ngoài phải lên tiếng.
Mới đây, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) năm 2016, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đã bày tỏ sự sốt ruột trước tiến độ của các dự án BOT ngành điện. Theo ông này, trong bối cảnh nhu cầu điện của Việt Nam đang tăng với tốc độ 10% một năm, thì PPP (đối tác công – tư)/BOT là một giải pháp quan trọng để bảo đảm phát triển ngành điện cho Việt Nam.
“Về vấn đề lựa chọn “kết hợp năng lượng tối ưu” cho Việt Nam, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia VII là một văn bản quan trọng về phát triển các nguồn điện mới với việc bảo đảm cân đối giữa các nguồn năng lượng tái sinh và nhiệt điện. Vì thế, chúng tôi đề nghị khẩn trương hoàn tất đàm phán cho các dự án nhiệt điện như dự án Nghi Sơn 2, Vũng Áng 2, Văn Phong 1, là những dự án đang được Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản hỗ trợ, nhằm góp phần phát triển mạnh hơn nữa các nguồn điện mới cho Việt Nam”, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam nhấn mạnh.
Dễ hiểu vì sao Nhật Bản lại quan tâm tới 3 dự án nói trên, bởi đó là những dự án có vốn đầu tư của Nhật Bản. Nhưng kể cả không phải như vậy, thì tiến độ chậm trễ của các dự án BOT ngành điện cũng khiến dư luận rất sốt ruột. Chính phủ cũng rất sốt ruột nên đã nhiều lần hối thúc việc đẩy nhanh tiến độ các dự án này.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt