Nên chọn cách tiếp cận thương mại với Mỹ dựa vào lợi ích cốt lõi
Nền kinh tế Việt Nam liệu có bị ảnh hưởng khi ông Donald Trump tuyên bố sẽ rút khỏi TPP? Hầu hết các chuyên gia tại Hội thảo “Tương tác thương mại Việt – Mỹ sau năm 2016” vừa tổ chức tại TP.HCM đều trả lời là có.
Có thể nói, TPP là hiệp định thương mại lớn nhất và khó khăn nhất mà Việt Nam đàm phán. Truyền thông thế giới nhắc nhiều đến việc Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP, nhưng nếu nhìn từ phía Mỹ, thì TPP giúp loại bỏ 18.000 khoản thuế nước ngoài đánh trên hàng hóa và dịch vụ sản xuất tại Mỹ và do đó, sẽ làm tăng đáng kể lưu lượng xuất khẩu và đầu tư của Mỹ vào châu Á, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam xuất siêu nhiều nhất sang Mỹ. Điều này đúng trong hai năm gần đây. Nhưng Việt Nam cũng là thị trường phát triển nhanh nhất cho xuất khẩu của Mỹ trên thế giới.
“Trong năm 2015, xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam tăng 24%. Nếu dự báo lạc quan đến năm 2020, mậu dịch hai chiều Việt – Mỹ từ 45 tỷ USD hiện nay lên 57 tỷ USD, thì chắc chắn, xuất khẩu của Mỹ vào Việt Nam sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020”, ông Trần Ngọc Châu, Phó chủ tịch Hội hữu nghị Việt – Mỹ TP.HCM chia sẻ.
Các nhà kinh tế theo trường phái trọng thống kê tính toán, cứ 1 tỷ USD trong xuất khẩu sẽ tạo ra 5.000 việc làm ở Mỹ. Như vậy, quan hệ thương mại song phương Việt – Mỹ sẽ tạo ra khoảng 35.000 – 40.000 việc làm ở Mỹ trong 5 năm tiếp theo.
Dự báo, mậu dịch hai chiều Việt – Mỹ sẽ đạt 57 tỷ USD vào 2020. Dự báo này có thành hiện thực hay không còn tùy thuộc rất nhiều vào cơ chế chính sách của Chính phủ, cũng như sự chủ động của bản thân mỗi doanh nghiệp.
Có cái nhìn khá tích cực, ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập Toàn cầu (GIBC) cho rằng, sự phát triển của nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào chính sách của Chính phủ, từ chính sách đổi mới và hội nhập.
“Là một doanh nghiệp, dù có hay không có TPP thì doanh nghiệp bắt buộc vẫn phải dựa vào chính sách từ Chính phủ để định hướng”, ông Trai nói.
Ông Phạm Phú Ngọc Trai cũng chia sẻ thêm, có ba vấn đề cốt lõi cần được nhìn nhận để hành động trong thời gian tới.
Thứ nhất, TPP với những chuẩn mực cao được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực và áp lực cho Việt Nam trong việc cải cách mạnh thể chế kinh tế. Nhưng dù có hay không TPP, đây cũng chỉ là cơ hội để bản thân các doanh nghiệp tự thân vận động đề ra các chiến lược hành động và Chính phủ vẫn phải tiến hành các công cuộc cải cách. Nghĩa là, nếu muốn tránh tụt hậu phải cải cách càng nhanh, càng sớm càng tốt, đặc biệt từ việc cải thiện năng suất lao động, nâng cao tốc độ tăng trưởng…
Thứ hai, TPP được kỳ vọng sẽ bổ sung cho nền kinh tế còn nhỏ và thiếu thốn của Việt Nam một số nguồn lực như thị trường hàng hóa, dịch vụ, dòng vốn đầu tư, công nghệ… để có thể phát triển mạnh và bền vững hơn. Song song, nội lực bao giờ cũng là nhân tố chính để phát triển của mọi quốc gia. Do đó, việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân là rất quan trọng, để khơi dậy và quy tụ nguồn lực phát triển.
Thứ ba, TPP tuy quan trọng, nhưng không phải là “câu lạc bộ” hội nhập quốc tế duy nhất của Việt Nam. Vì ngoài TPP, Việt Nam còn có hàng loạt các FTA với liên minh kinh tế Á – Âu, với EU hay ASEAN +6… Riêng với Hoa Kỳ, Việt Nam vẫn có BTA và Hiệp định “BTA+” được ký trước khi Việt Nam gia nhập WTO, đó là cơ sở để phát triển bền vững mối quan hệ hai nước.
Ông Huỳnh Thế Du, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, dù có sự thay đổi về người đứng đầu nước Mỹ, Việt Nam vẫn phải để ý đến tính thực tế của người Mỹ, từ đó có đối sách phù hợp. Nhìn về chiến lược dài hạn, Việt Nam nên chọn cách tiếp cận dựa vào lợi ích cốt lõi của mình và cần xác định rõ lợi ích của Mỹ trong từng bối cảnh cụ thể là gì.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt