Thứ Ba, 22/11/2016 15:50:44 (GMT+7)

Doanh nghiệp Việt chưa tận dụng tốt Hiệp định VKFTA?

Chưa có thay đổi đáng kể trong hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc. Phải chăng, các doanh nghiệp 2 nước chưa tận dụng tốt lợi thế của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) sau 1 năm có hiệu lực?

Doanh nghiệp Việt chưa tận dụng tốt Hiệp định VKFTA?

Dệt may, ngành hàng xuất khẩu lớn thứ 2 vào Hàn Quốc, chỉ sau nhóm hàng điện thoại, linh kiện, được cho có nhiều lợi thế  khi VKFTA thực thi, lại chưa có sự thay đổi gì nhiều trong gần 1 năm qua.

Với giá trị thu về hơn 2,1 tỷ USD tính đến hết tháng 10 năm 2016, xuất khẩu dệt may sang Hàn Quốc tăng  6% so với cùng kỳ. Nhưng, so với mức tăng chỉ 2,4 – 4% của các thị trường Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản và sự sụt giảm xuất khẩu chưa từng thấy trong 10 năm qua của dệt may, thì mức tăng 6% cũng là sự nỗ lực đáng kể của các nhà xuất khẩu.

Công ty CP May Bắc Giang cho biết, Hàn Quốc đang chiếm 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của May Bắc Giang, nhưng 10 tháng qua, xuất khẩu sang thị trường này chỉ tăng nhẹ, dù VKFTA đã đi vào thực thi.

Ông Lưu Tiến Chung, Giám đốc Khu vực sản xuất tại Bắc Giang, Công ty CP May Bắc Giang cho hay, với thâm niên xuất khẩu sang Hàn Quốc từ nhiều năm nay, năm 2016 thực sự chưa ghi nhận sự đột phá nào về tăng trưởng đơn hàng xuất khẩu.

Riêng về cơ hội giảm thuế từ VKFTA, ông Chung cho rằng, các doanh nghiệp đã khai chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) theo mẫu của Hiệp định FTA Asean – Hàn Quốc từ trước đó và mặt hàng nào được ưu đãi thì đã tận dụng rồi.

Nhu cầu tiêu dùng hàng dệt may đang giảm mạnh ở hầu hết các thị trường, chứ không riêng Hàn Quốc. Thành thử, đơn hàng xuất khẩu không nhiều, thậm chí khan hiếm, là tình trạng của hầu hết các doanh nghiệp, nên càng không thể nói, cú hích tăng trưởng xuất khẩu từ VKFTA sẽ đến ngay.

Điều này cũng trùng với nhận định của Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh từ hồi đầu năm, khi cho rằng, xuất khẩu hàng hóa nước ta sang thị trường Hàn Quốc sẽ chưa thể tăng vọt trong năm 2016, dù VKFTA đã thực thi. Giá trị lớn nhất của VKFTA mới này là thu hút đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam, nhưng tác động này có thể phải đến sau năm 2016 mới thấy rõ.

Nếu dệt may sang Hàn Quốc tăng chậm, trong tình trạng chung của các thị trường như Hoa Kỳ, EU, thì xuất khẩu nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện ghi nhận mức tăng kỷ lục, đạt trên 2 tỷ USD, chiếm 24% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 135% so với cùng kỳ. Đứng vị trí thứ ba trong bảng xuất khẩu, là nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, kim ngạch đạt gần 1 tỷ USD, tăng hơn 86%.

Từng là trưởng đoàn đàm phán VKFTA, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), ông Bùi Huy Sơn cho rằng, tăng trưởng xuất khẩu từ đầu năm tới nay đạt thấp, nhưng xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng khoảng 35%, đạt hơn 9  tỷ USD, ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa từ Hàn Quốc tăng hơn 11%,(26 tỷ USD) là  một tín hiệu lạc quan, cho thấy tác động tích cực từ KVFTA là thật. Tuy nhiên, tốc độ tăng ở từng ngành hàng là khác nhau.

Về cơ bản, ước tính đến hết tháng 10/2016, đa số các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực, đem lại giá trị lớn của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc đều có kim ngạch tăng trưởng so với cùng kỳ, trong đó tăng mạnh ở một số nhóm, như sắt thép các loại (tăng 154%), sản phẩm hóa chất (tăng 67%)…

Dẫn chứng cho cú hích xuất khẩu từ KVFTA, ông Sơn nói, KVFTA có hiệu lực vào những ngày cuối cùng của năm 2015 và chỉ trong 10 ngày cuối cùng đó, đã có hơn 1 tỷ USD xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam đăng ký C/O xuất khẩu theo form KVFTA. Hơn 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong vòng 10 ngày, cho thấy, các doanh nghiệp có hoạt động thương mại với Hàn Quốc rất quan tâm và khai thác rất kịp thời.

Đánh giá  sau gần 1 năm KVFTA có hiệu lực, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Lee Hyuk cho rằng, Hàn Quốc đã trở thành 1 trong 3 đối tác thương mại lớn của Việt Nam, đồng thời, cũng là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn 50 tỷ USD,  hơn 5.364 dự án. “Sau 24 năm thiết lập quan hệ giữa 2 nước, Hàn Quốc đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam và đó là điều chúng tôi không thể dự tính được”, ông Lee Hyuk chia sẻ.

Một điều ngạc nhiên nữa là xuất khẩu của Hàn Quốc sang Việt Nam đã vượt cả xuất khẩu sang Nhật Bản. Hàn Quốc trước đây đầu tư sang Trung Quốc rất nhiều, nhưng môi trường đầu tư tại Trung Quốc ngày càng không thuận lợi và DN Hàn Quốc đã tìm thấy địa điểm đầu tư mới là Việt Nam.

“Tôi cho rằng, giai đoạn này vẫn chưa phải là đỉnh điểm trong quan hệ thương mại và đầu tư giữa 2 nước, mà trong những năm tới mới bùng nổ. Năm đầu tiên thực thi VKFTA, đã chứng kiến thương mại 2 chiều ngày càng tăng lên. Chúng tôi dự đoán, hết 2016, thương mại 2 chiều 2 nước sẽ vượt 40 tỷ USD’, ông Lee Hyuk cho biết.

Mục tiêu của 2 Chính phủ là đến 2020, thương mại 2 chiều sẽ tăng lên 70 tỷ USD, và Chính phủ, doanh nghiệp 2 nước sẽ còn 4 năm nữa để thực hiện mục tiêu này. Theo ông Lee, với dòng chảy vốn đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục vào Việt Nam, sẽ kích thích rất lớn cho kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa.

Tất nhiên, để tiếp tục thu hút vốn FDI từ Hàn Quốc, ông Lee khuyến nghị, Chính phủ  Việt Nam cũng như chính quyền các địa phương, phải nỗ lực  rất nhiều để các nhà đầu tư có được điều kiện kinh doanh ổn định,  nhất là trong bối cảnh các nước trong khu vực cũng đang cải thiện môi trường đầu tư để đón vốn FDI.

Theo Thế Hải - Báo Đầu tư