Kinh nghiệm thu hút đầu tư FDI
Với vị trí địa lý thuận lợi và môi trường đầu tư khá hấp dẫn, tính đến tháng 10/2016, toàn tỉnh thu hút được 227 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng 219 dự án so với năm 1998; trong đó nhiều Tập đoàn kinh tế lớn của các quốc gia đã đầu tư thành công tại tỉnh như Honda, Toyota (Nhật Bản); Piaggio (Italia); Patron Vina, Heasung Vina, Jahwa, Sindoh (Hàn Quốc), Prime Group (Thailand)…đóng góp tích cực cho sự tăng trưởng và phát triển KT-XH của tỉnh.
Còn nhớ những năm đầu tái lập, đến hết tháng 6/1997, toàn tỉnh mới có 14 dự án FDI đầu tư được cấp giấy phép, với số vốn đăng ký 303 triệu USD; tổng thu ngân sách chưa đầy 100 tỷ đồng.
Nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài để phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, dịch vụ…tỉnh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi đầu tư về thuế và tạo môi trường thông thoáng hấp dẫn. Vì vậy, hàng loạt khu, cụm công nghiệp tập trung mới được hình thành như: Kim Hoa, Quang Minh (nay chuyển về thành phố Hà Nội), Bình Xuyên, Khai Quang, Tam Dương, Hương Canh, Hợp Thịnh, Tân Tiến… thu hút nhiều dự án của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới trong lĩnh vực công nghiệp cơ khí chế tạo, điện- điện tử, sản xuất linh kiện ô tô, xe máy như Honda, Toyota….
Trong 5 năm (2001- 2005), toàn tỉnh thu hút được 450 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký hơn 1,7 tỷ USD, trong đó có 74 dự án FDI. Với sự phát triển nhanh, mạnh và đa dạng của ngành công nghiệp đã nhanh chóng đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những tỉnh nằm trong Câu lạc bộ 1.000 tỷ đồng của cả nước. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh tăng nhanh theo từng năm, từ 1.895 tỷ đồng năm 2003 lên 2.400 tỷ đồng năm 2004 và đạt hơn 3.440 tỷ đồng năm 2005, trong đó thu nội địa đạt hơn 2.730 tỷ đồng. Đến năm 2005, Vĩnh Phúc đứng thứ 6 toàn quốc và thứ 2 miền Bắc về thu nội địa. Sự phát triển nhanh về kinh tế những năm đầu thế kỷ XXI đã tạo ra một diện mạo và vị thế mới cho tỉnh. Từ một địa phương nghèo, thu ngân sách thấp, phần lớn chi ngân sách phải dựa vào điều tiết của Trung ương, đến năm 2004, tỉnh đã tự cân đối được thu, chi ngân sách và đóng góp cho ngân sách Trung ương 14% tổng thu nội địa.
Xác định lấy công nghiệp làm mũi nhọn, phát triển hạ tầng giao thông, khu công nghiệp làm nền tảng để thu hút các nhà đầu tư, nhất là các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, những năm qua, tỉnh dành nhiều nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống hạ tầng ngoài các khu, cụm công nghiệp; xây dựng, bổ sung và công bố công khai các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch phát triển đô thị, khu và cụm công nghiệp. Đặc biệt, UBND tỉnh đã hoàn thiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2020; quy hoạch vùng tỉnh; quy hoạch chung đô thị thành phố Vĩnh Phúc đến năm 2030; quy hoạch chi tiết các phân khu… Đến nay, tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển 20 KCN với diện tích gần 6.000ha. Trên cơ sở các quy hoạch được duyệt, tỉnh triển khai các dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhất là các tuyến giao thông trục chính, hệ thống cấp nước, xử lý nước thải, cấp điện… đảm bảo cơ sở vững chắc trong triển khai dự án hạ tầng kỹ thuật, thu hút các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội và thực hiện đầu tư theo quy hoạch.
Với phương châm “Các nhà đầu tư ở Vĩnh Phúc là công dân của Vĩnh Phúc, thành công của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh”, tập thể lãnh đạo từ tỉnh đến đội ngũ cán bộ công chức các sở ngành, địa phương luôn thống nhất, sát sao và quyết liệt trong công tác giải quyết thủ tục hành chính; chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, nhất là các thị trường tiềm năng; chăm sóc các nhà đầu tư tại chỗ…Ngay từ năm 2007, tỉnh đã thiết lập các bộ phận một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục đầu tư đảm bảo công khai, minh bạch, giảm thiếu tối đa các khoản chi phí phát sinh; rút ngắn khoảng 30% thời gian cấp phép đầu tư so với quy định của Chính phủ. Chính sự quyết liệt, năng động trong chỉ đạo, điều hành của chính quyền tỉnh đã tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Đặc biệt, trong thu hút các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, tỉnh định hướng thu hút các dự án sử dụng công nghệ sạch, giá trị gia tăng lớn, tiết kiệm đất; chú trọng các dự án trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ; dịch vụ y tế, giáo dục và dự án phát triển du lịch có tầm cỡ nhằm tạo bước đột phá trong phát triển công nghiệp.
Tỉnh tập trung đào tạo đội ngũ lao động có trình độ, tay nghề nhằm đáp ứng nhu cầu lao động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Vì vậy, ngay khi tái lập, tỉnh đã xây dựng, phát triển mạng lưới cơ sở dạy và đào tạo nghề có quy mô và chất lượng từ cấp tỉnh xuống cấp huyện nhằm cung ứng lực lượng lao động có tay nghề cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Mạng lưới các trung tâm giới thiệu việc, sàn giao dịch việc làm cũng được thiết lập để thực hiện nhiệm vụ kết nối doanh nghiệp với người lao động. Đến nay, hệ thống các cơ sở trên đã hoạt động tương đối tốt, giải quyết một lượng lớn lao động của tỉnh có công ăn việc làm (hơn 60% số lao động làm việc tại các dự án có vốn đầu tư nước ngoài là người Vĩnh Phúc), từng bước đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động của nhà đầu tư và đây chính là phương thức hiệu quả để nhà đầu tư yên tâm đầu tư tại Vĩnh Phúc.
Theo thống kê của UBND tỉnh, hết tháng 10/2016, toàn tỉnh có hơn 7.100 doanh nghiệp, tăng 6.964 doanh nghiệp so với năm 1997. Sự phát triển nhanh cả về số lượng, chất lượng các doanh nghiệp đã đưa tỷ trọng ngành công nghiệp- xây dựng của tỉnh tăng từ 18,85% năm 1997 lên 62,12% năm 2015. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp năm 2015 đạt 27.850 tỷ đồng, tăng gấp hàng trăm lần so với năm 1997. Đặc biệt, Vĩnh Phúc đã hình thành được nhiều ngành công nghiệp mang thế mạnh riêng như: Công nghiệp lắp ráp ô tô – xe máy, linh kiện điện tử, sản xuất may mặc, gạch ốp lát… Nhiều dự án FDI của các tập đoàn kinh tế lớn như: Tập đoàn TAL (Hồng Kông); Tập đoàn Foxconn, Fullpower (Đài Loan), Tập đoàn Piaggio (Italia), YCH (Singgapore), G.o.Mar, Kumho, Lotte (Hàn Quốc)…đã đầu tư thành công tại tỉnh, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội của tỉnh phát triển.
Với nhiều giải pháp mang tính đột phá tỉnh đã có sự thăng hạng về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Từ vị trí thứ 26 vào năm 2013 vươn lên đứng thứ 6/63 vào 2014 và vị trí thứ 4/63 tỉnh, thành phố trong bảng xếp hạng năm 2015. Đây là nền tảng vững chắc để Vĩnh Phúc tiếp tục thu hút các nhà đầu tư, trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và thành phố Vĩnh Phúc vào những năm 20 của thế kỷ XXI.
Các tin khác:
- Công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI 2023
- Vĩnh Tường: Nỗ lực huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 4 tháng đầu năm tăng 2,95% so với cùng kỳ
- Phát huy giá trị nông sản chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao
- Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra thực tế một số công trình, dự án, vụ việc trên địa bàn tỉnh