Phát triển công nghiệp ô tô là lợi ích của cả quốc gia
Theo Luật sửa đổi bổ sung Phụ lục 4 Luật Đầu tư về Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện vừa được trình Quốc hội, Chính phủ đề xuất xem xét bổ sung “ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô” vào danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Quy định này sẽ tác động như thế nào đối với lợi ích của Nhà nước, nhà sản xuất, nhập khẩu, người tiêu dùng? PV Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Quách Ngọc Tuấn về vấn đề này.
Không thiết kế theo đòi hỏi nhóm lợi ích nào
Thưa ông, vì sao Bộ lại đưa ngành “sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô” vào Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời giữ nguyên ngành “kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô” hiện đã được quy định tại Danh mục này?
Đây là yêu cầu quản lý nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe con người cũng như đảm bảo trật tự xã hội trong kinh doanh thương mại. Căn cứ vào hai đòi hỏi này, Chính phủ đưa sản xuất lắp ráp ô tô vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Cụ thể, ô tô đòi hỏi sự an toàn cao vì liên quan đến an toàn tính mạng không chỉ của chủ phương tiện, gia đình, người thân của họ mà còn liên quan đến nhiều người tham gia giao thông. Với vòng đời dài tới vài chục năm, để sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn, nhà cung cấp sản phẩm phải đảm bảo xe được bảo hành, bảo dưỡng, thậm chí triệu hồi, khắc phục, sửa chữa lỗi (nếu có) theo đúng yêu cầu kỹ thuật của chính hãng.
Song các nhà phân phối, nếu mua, nhập khẩu xe từ nhiều nguồn khác nhau thì thường bỏ qua khâu bảo hành và dịch vụ sau bán hàng do không có sự hỗ trợ từ nhà sản xuất cả ở khía cạnh tài chính lẫn công nghệ, kỹ thuật.
Đề xuất này cũng không phải điều mới mẻ mà chỉ luật hóa những quy định đã có mà thôi, trên cơ sở đó hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu quản lý của Nhà nước.
Có ý kiến cho rằng, bổ sung đưa sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô vào Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện sẽ tạo lợi ích cho một nhóm doanh nghiệp lớn, mặt khác “khép cửa” nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng muốn tham gia vào thị trường này?
Với mỗi chính sách sẽ tác động đến kinh tế, xã hội ở nhiều khía cạnh khác nhau, ảnh hưởng đến lợi ích nhiều nhóm khác nhau. Là cơ quan quản lý, chúng tôi phải chọn xây dựng chính sách sao cho mang đến tác động tích cực, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực. Đồng thời, phải hướng vào nhóm nào mang về nhiều lợi ích cho quốc gia, xã hội chứ không thiết kế pháp luật theo đòi hỏi của bất kỳ nhóm lợi ích nào.
Hiện, công nghiệp ô tô đang đóng góp 2% GDP, tạo ra công ăn việc làm cho khoảng 100.000 lao động, dù tỷ lệ nội địa hóa chưa phải cao. Do vậy, đưa sản xuất, kinh doanh ô tô vào ngành, nghề có điều kiện là căn cứ vào lợi ích tổng thể của nền kinh tế, kết hợp hài hòa nhiều mục tiêu, trong đó mục tiêu quan trọng là đảm bảo sự tồn tại, phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, bảo vệ những đơn vị đã đầu tư và đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất linh kiện, lắp ráp ô tô…
Ngành công nghiệp ô tô hiện đóng góp 2% GDP, tạo việc làm cho khoảng 100.000 lao động
Giúp thị trường chọn lọc nhà cung cấp
Nhưng ngành công nghiệp ô tô nội địa đã được tạo nhiều điều kiện, trong một thời gian dài, song đến nay vẫn khá èo uột, thưa ông?
Đúng là ngành công nghiệp ô tô chưa phát triển được như kỳ vọng. Nhưng để tiếp tục phát triển được hay không thì cũng không thể giải quyết chỉ bằng chính sách đưa ngành nghề này vào danh mục đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Chúng ta đều biết mức độ phát triển của ngành công nghiệp ô tô phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố; Trong đó yếu tố quan trọng nhất là thị trường. Nếu quy mô thị trường còn nhỏ mà mình lại cho quá nhiều doanh nghiệp tham gia, thị phần càng bị chia sẻ thì doanh nghiệp sẽ không dám đầu tư lớn.
Trong bối cảnh Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, việc siết điều kiện sản xuất, kinh doanh ô tô có gây ra tình trạng độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh, cản trợ sự phát triển của ngành công nghiệp này không, thưa ông?
Với chính sách này, chúng ta không cấm ai sản xuất, kinh doanh ô tô, mà chỉ yêu cầu đáp ứng các quy định của pháp luật, tuân thủ các tiêu chuẩn, chuẩn mực kỹ thuật, an toàn, dịch vụ…
Do vậy, tôi cho rằng sẽ không gây ra tình trạng độc quyền hay cạnh tranh không lành mạnh vì thực tế các nhà sản xuất, nhập khẩu chính hãng đều cạnh tranh nhau quyết liệt về mẫu mã, tính năng, giá cả, chất lượng dịch vụ… cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thực tế thời gian qua, trước sức ép cạnh tranh của xe nhập khẩu, giá nhiều loại xe “độc quyền phân phối” tại Việt Nam cũng như xe lắp ráp trong nước đã giảm mạnh. Trong bối cảnh đó, tôi cho rằng không một doanh nghiệp nào có được vị thế độc quyền về giá cả, thị phần… Ngược lại, tôi lại cho rằng, các quy định chặt chẽ về điều kiện kinh doanh xe nhập khẩu sẽ giúp thị trường chọn lọc các nhà cung cấp đáp ứng các yêu cầu cả về giá cả, chất lượng dịch vụ, đảm bảo để thị trường phát triển ổn định, minh bạch và không gây tác động xấu đến những doanh nghiệp làm ăn chân chính, nghiêm túc và bài bản.
Giá xe sẽ giảm
Chúng ta đã có một hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để quản lý ngành công nghiệp ô tô thì có cần thiết phải áp dụng thêm điều kiện đầu tư, kinh doanh với ngành này để bắt các doanh nghiệp phải chịu cảnh “một cổ hai tròng” hay không?
Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được áp dụng hiện nay chỉ có thể kiểm soát chất lượng xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và nhập khẩu tại các thời điểm nhất định (khi xuất xưởng, kiểm định, đăng kiểm định kỳ). Trong khi đó, xe ô tô cần phải được vận hành an toàn, đúng hướng dẫn cho toàn bộ thời gian sử dụng. Do vậy, cần áp dụng thêm các điều kiện nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm và quyền lợi người tiêu dùng trong toàn bộ quá trình sử dụng xe.
Về vấn đề này, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Chất lượng sản phẩm chỉ quy định nghĩa vụ chung chung của doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu về bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi xe để khắc phục lỗi mà chưa có chế tài đảm bảo để các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ nêu trên.
Nhà cung cấp phải đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe hơn có làm giá xe tăng không, thưa ông?
Tôi lại cho rằng, người tiêu dùng có cơ hội sử dụng ô tô với giá cả và chất lượng hợp lý. Bởi, với xu hướng công nghệ ngày càng hiện đại, năng lực quản lý, hoạt động của các đơn vị ngày càng nâng cao khi tiếp thu, học hỏi được kinh nghiệm từ các tập đoàn lớn thì giá thành sẽ giảm.
Bên cạnh đó, thời gian tới, với việc hội nhập sâu, giá xe sẽ giảm theo cam kết giảm hàng rào thuế quan. Vì vậy, các đơn vị sẽ phải cạnh tranh bằng nhiều hình thức mà giá chính là một yếu tố then chốt.
Ngay cả vấn đề bảo hộ các quyền, các cam kết về sở hữu trí tuệ cũng không làm thay đổi giá sản phẩm. Thực tế là các đơn vị nhập khẩu chính hãng có thể phải chi trả một khoản phí nhất định để được quyền sử dụng nhãn hiệu, các phần mềm kỹ thuật… của nhà sản xuất nhưng những đơn vị nhập khẩu chính hãng sẽ được mua với giá rẻ hơn từ chính nhà sản xuất do không qua trung gian.
Cảm ơn ông!
“Hiện nay, các doanh nghiệp nhập khẩu không chính hãng thường mua xe qua khâu trung gian với giá mua cao hơn chính hãng, nhưng khi nhập khẩu về Việt Nam lại bán rẻ hơn. Đã có tình trạng nhà nhập khẩu không chính hãng khai giá mua xe, bán xe thấp hơn thực tế và thanh toán bất hợp pháp ra nước ngoài để hưởng lợi, dẫn đến thất thu cho ngân sách Nhà nước. Ngoài việc không đảm bảo các điều kiện về chất lượng xe, linh kiện, phụ tùng cũng như chất lượng dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng thì giá xe bán ra rẻ hơn còn do khả năng các doanh nghiệp nhập khẩu không chính hãng có hành vi gian lận thương mại. Bởi vậy, bên cạnh việc tạo cơ sở, giảm nguồn lực cho công tác quản lý chất lượng và kiểm tra an toàn kỹ thuật, quản lý chặt chẽ ngành công nghiệp này cũng đồng thời hạn chế việc gian lận thuế gây thất thu ngân sách Nhà nước”.
Ông Quách Ngọc Tuấn
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt