Thứ Hai, 14/11/2016 11:05:59 (GMT+7)

Nhận diện nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế

Tìm kiếm dư địa mới cho tăng trưởng kinh tế là nhiệm vụ đặt ra cho Chính phủ sau khi Quốc hội thông qua chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 là 6,7%.

Nhận diện nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế

Tăng đầu tư tư nhân, tiết kiệm tiêu dùng, đẩy mạnh xuất khẩu… thì GDP sẽ tăng vọt. Ảnh: Đức Thanh

Nghị quyết về Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội năm 2017 vừa được Quốc hội thông qua, trong đó, chỉ tiêu quan trọng nhất là tăng trưởng GDP năm 2017 đã được quyết nghị ở mức 6,7%. Chính phủ sẽ phải tìm kiếm động lực, dư địa mới để đạt mục tiêu tăng trưởng rất cao này.

Quyết liệt cổ phần hóa, thoái vốn

Tại cuộc làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, động lực tăng trưởng chính là khu vực doanh nghiệp. Tăng đầu tưtư nhân, có công cụ chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tiết kiệm tiêu dùng, đẩy mạnh xuất khẩu thì GDP sẽ tăng vọt.

Còn theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong bối cảnh hiện nay, cố gắng tăng trưởng theo cách cũ là “múc” tài nguyên đem bán thì không được, xuất khẩu dầu thô và than đá của Việt Nam thời gian qua không đạt mục tiêu, giá giảm, đóng góp ngân sách rất ít. Trong khi đó, nếu chúng ta làm tốt 2 việc, đó là thắt chặt chi tiêu ngân sách, giảm bội chi và đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thì GDP sẽ tăng thêm khoảng 0,5 điểm phần trăm.

Theo tính toán, tổng cộng tài sản của các doanh nghiệp nhà nước hiện hữu, gồm cả doanh nghiệp có vốn của nhà nước chi phối (khoảng 275 tỷ USD), cùng giá trị quyền sử dụng đất, tài nguyên khoáng sản, lợi thế kinh doanh, các đơn vị sự nghiệp sẽ phải chuyển đổi…, thì con số có thể lên tới 400 tỷ USD giá trị sổ sách trong giai đoạn 2016-2020.

Như vậy, nếu việc cổ phần hóa đúng lộ trình, mỗi năm dự kiến ngân sách nhà nước sẽ thu về 15-20 tỷ USD. Cộng với khoảng 15.000 tỷ đồng giá trị sổ sách của các khoản đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn kinh tế nhà nước sẽ phải thoái trong 5 năm tới, ngân sách nhà nước sẽ “hứng” lượng tài chính không nhỏ.

Quyết liệt thực hiện, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa sẽ tạo một nguồn lực lớn cho tái cấu trúc, thúc đẩy sản xuất – kinh doanh cho toàn xã hội, đóng góp vào tăng trưởng GDP trong cả ngắn hạn và dài hạn.

Dư địa lớn từ FDI và M&A

Một trụ cột khác là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và mua bán, sáp nhập (M&A) được kỳ vọng sẽ giúp GDP tăng trưởng mạnh mẽ năm 2017. Khu vực FDI chiếm đến 26-28% tổng đầu tư xã hội, 70% kim ngạch xuất khẩu. Năm 2015, thu hút FDI cán mốc kỷ lục 22,76 tỷ USD, giải ngân đạt 12,5 tỷ USD. Còn qua 10 tháng năm 2016, FDI vào Việt Nam khoảng 17,6 tỷ USD, giải ngân được 12,7 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong bối cảnh Việt Nam tham gia ký kết nhiều hiệp định, hiệp ước kinh tế quốc tế, nền kinh tế sẽ đón nhận một nguồn vốn FDI rất lớn và nguồn vốn này sẽ tiếp tục phát huy vai trò trong đầu tư, sản xuất – kinh doanh. Mặt khác, trong một không gian kinh tế mở, năm 2017, một nguồn vốn gián tiếp rất lớn nhiều khả năng sẽ đổ vào Việt Nam qua hoạt động M&A. Năm 2016, hoạt động M&A có thể sẽ cán mốc kỷ lục với khoảng 600 thương vụ và đạt quy mô 6 tỷ USD.

Bước sang năm 2017, thị trường M&A sẽ đón nhận làn sóng đầu tư từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ… đổ vào Việt Nam, nhằm đón đầu, tận dụng cơ hội từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Và nếu giữ vững quy mô, số lượng M&A như năm 2016, nền kinh tế Việt Nam sẽ có thêm động lực mới, hiệu quả mới từ khối này.

Bên cạnh đó, đại biểu Quốc hội Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần TASCO nhận định, nguồn vốn của Nhà nước nằm ở doanh nghiệp nhà nước và tài sản của các cơ quan hành chính cung cấp dịch vụ công. “Hai nguồn tài sản này cộng vào hiện khoảng 500 tỷ USD. Và 500 tỷ USD này nếu chúng ta biết cách khai thác và chỉ cần phân bổ lại trong kỳ chiến lược đến năm 2020 khoảng 30-50% thôi, thì sẽ là một cú hích rất tốt cho tăng trưởng”, ông Dũng phân tích.

Bên cạnh đó, theo kế hoạch, tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2017 dự kiến là 1,6 triệu tỷ đồng, tăng 100.000 tỷ đồng so với dự kiến năm 2016. Nếu đạt mức tổng vốn đầu tư toàn xã hội này, thì đây sẽ là một động lực lớn cho tăng trưởng kinh tế 2017.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, nếu nỗ lực, tập trung khắc phục các khó khăn trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo; tập trung nâng cao tốc độ tăng trưởng các ngành, lĩnh vực còn nhiều tiềm năng như xây dựng, dịch vụ, du lịch…, thì việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% năm 2017 là hoàn toàn có thể đạt được.

Theo Hữu Tuấn - Báo Đầu tư