Quy định mới về tổ chức, hoạt động của Cảng vụ hàng hải
Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 31/2016/TT-BGTVT quy định về tổ chức và hoạt động của Cảng vụ hàng hải.
Theo đó, một Cảng vụ hàng hải thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước tại một hoặc nhiều cảng biển và khu vực quản lý được giao. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các Cảng vụ hàng hải theo đề nghị của Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.
Cảng vụ hàng hải là cơ quan trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam, thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hàng hải tại cảng biển và khu vực quản lý được giao.
Cảng vụ hàng hải có tư cách pháp nhân, có trụ sở riêng, được sử dụng con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước. Cảng vụ hàng hải có tên giao dịch viết bằng tiếng Anh là Maritime Administration of … (tên riêng Cảng vụ hàng hải).
Cảng vụ hàng hải có nhiệm vụ và quyền hạn sau: Tham gia xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển cảng biển, vận tải biển, công nghiệp tàu thủy và tổ chức giám sát thực hiện trong khu vực quản lý sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức thực hiện quy định về quản lý hoạt động hàng hải tại cảng biển và khu vực quản lý; kiểm tra, giám sát luồng, hệ thống báo hiệu hàng hải, công trình hàng hải; kiểm tra hoạt động hàng hải của tổ chức, cá nhân tại cảng biển và khu vực quản lý; chủ trì phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành khác tại cảng biển và các lực lượng hữu quan trong phê duyệt đánh giá an ninh cảng biển; kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch an ninh cảng biển đã được phê duyệt.
Ngoài ra, kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch đối với các cơ sở đóng mới, sửa chữa và phá dỡ tàu biển theo thẩm quyền; cấp phép, giám sát tàu thuyền đến, rời, hoạt động tại cảng biển và khu vực quản lý; không cho phép tàu thuyền đến, rời cảng khi không có đủ điều kiện cần thiết về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, lao động hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; kiểm tra nhà nước cảng biển đối với tàu biển nước ngoài, kiểm tra an toàn đối với tàu biển Việt Nam và phương tiện thủy nội địa hoạt động trong vùng nước cảng biển và khu vực quản lý; tổ chức thực hiện thanh tra hàng hải và xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền…
Về cơ cấu tổ chức, Cảng vụ hàng hải có các bộ phận chuyên môn nghiệp vụ gồm: Pháp chế; Thanh tra; An toàn – An ninh hàng hải; Tổ chức – Hành chính; Tài vụ; Điều phối lưu thông hàng hải (đối với Cảng vụ hàng hải có hệ thống điều phối lưu thông hàng hải – VTS); các Đại diện Cảng vụ hàng hải.
Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các tổ chức theo đề nghị của Giám đốc Cảng vụ hàng hải. Trường hợp số lượng bộ phận chuyên môn nghiệp vụ ít hơn quy định, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam quyết định việc điều chỉnh tên gọi của từng bộ phận chuyên môn nghiệp vụ, bảo đảm phù hợp với chức năng và quy định của pháp luật.
Trường hợp thực sự cần thiết, căn cứ vào điều kiện cụ thể, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam thành lập bổ sung bộ phận chuyên môn nghiệp vụ ngoài số lượng quy định sau khi được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2017.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt