Thứ Hai, 07/11/2016 9:51:24 (GMT+7)

‘Con tàu’ kinh tế Việt Nam đang căng buồm cho những chuyến ra khơi mới

Chủ đề của Hội nghị Kinh tế đối ngoại 2016 là “Ra khơi thuận buồm xuôi gió” rất có ý nghĩa, phần nào thể hiện được tâm thế con tàu kinh tế Việt Nam đang căng buồm cho những chuyến ra khơi mới để tiến đến bến bờ phát triển bền vững và thịnh vượng.

‘Con tàu’ kinh tế Việt Nam đang căng buồm cho những chuyến ra khơi mới

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ảnh: TTXVN

Hội nghị Kinh tế đối ngoại 2016 do Bộ Ngoại giao Việt Nam và Tạp chí The Economist (Anh) phối hợp tổ chức với chủ đề “Diễn đàn cấp cao Việt Nam: Ra khơi thuận buồm xuôi gió” khai mạc sáng 3/11, tại TPHCM.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trả lời báo chí về kết quả của Hội nghị.

Thưa Thứ trưởng, Việt Nam đã phối hợp với Tạp chí The Economist(Anh) tổ chức thành công 3 hội nghị kinh tế đối ngoại vào các năm 2008, 2009 và 2012. Mỗi thời điểm đều có những bối cảnh đặc biệt. Vậy năm nay có điểm gì đặc biệt khiến The Economist lần thứ tư phối hợp với Việt Nam tổ chức Hội nghị? Ý nghĩa của chủ đề “Ra khơi thuận buồm xuôi gió” đã được Ban Tổ chức lựa chọn?

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Các hội nghị kinh tế đối ngoại đều được tổ chức trong những bối cảnh đặc thù. Khác với các hội nghị lần trước, hội nghị kinh tế đối ngoại năm 2016 diễn ra trong bối cảnh quốc tế và trong nước có những điểm mới nổi bật sau đây:

Thứ nhất, trên thế giới đang diễn ra sự phát triển mạnh mẽ của khoa học-công nghệ thúc đẩy sự phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trong bối cảnh đó, nhiều nước đã điều chỉnh chiến lược phát triển, tăng cường liên kết, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, nhất là trong thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ. Kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng phục hồi, song tăng trưởng chậm lại, nhiều nền kinh tế chủ chốt gặp khó khăn. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn là trung tâm phát triển năng động của thế giới. Cộng đồng ASEAN đi vào hoạt động từ năm 2016 mở ra nhiều cơ hội, song cũng đặt ra những thách thức đối với các nước thành viên ASEAN.

Thứ hai, với nước ta, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII có ý nghĩa trọng đại đã được tổ chức thành công vào tháng 1/2016, mở ra một giai đoạn mới trong tiến trình phát triển của đất nước ta. Sau 30 năm đổi mới, thế và lực của nước ta đã lớn mạnh hơn nhiều, tạo tiền đề và nền tảng quan trọng để đất nước phát triển mạnh mẽ hơn trong những năm tới, nhưng cũng đặt ra yêu cầu phải tiếp tục đổi mới toàn diện và đồng bộ hơn. Đại hội Đảng lần thứ XII đã thông qua kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2016-2020 với những chủ trương, quyết sách quan trọng chứa đựng nhiều tư tưởng đổi mới, định hướng về mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp lớn nhằm đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới. Cùng với đó, tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam cũng bước vào giai đoạn mới với việc chuẩn bị, thực hiện các cam kết hội nhập sâu rộng, trong đó có các hiệp định, thỏa thuận thương mại tự do thế hệ mới như Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), v.v…, mở ra không gian và cơ hội mới cho phát triển đất nước, song cũng đặt nhiều vấn đề cần phải xử lý.

Trong bối cảnh đó, trong nước và quốc tế đặt nhiều kỳ vọng vào sự phát triển của Việt Nam trong những năm tới. Mặc dù còn gặp những khó khăn, thách thức, song với kinh tế vĩ mô ổn định và tăng trưởng phục hồi tích cực, nhiều tổ chức, doanh nghiệp quốc tế đánh giá Việt Nam là “điểm sáng” về tăng trưởng kinh tế. Do vậy, chủ đề của Hội nghị năm nay là “Ra khơi thuận buồm xuôi gió” rất có ý nghĩa, phản ánh được bối cảnh phát triển hiện nay của Việt Nam, phần nào thể hiện được tâm thế con tàu kinh tế Việt Nam đang căng buồm cho những chuyến ra khơi mới để tiến đến bến bờ phát triển bền vững và thịnh vượng.

Diễn ra trong bối cảnh và chủ đề như vậy, xin Thứ trưởng cho biết mục đích chính đặt ra đối với Hội nghị Kinh tế đối ngoại năm 2016?

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Hội nghị Kinh tế đối ngoại năm 2016 thu hút sự tham dự của đông đảo các doanh nghiệp quốc tế và khu vực trong mạng lưới có nhiều uy tín của Tạp chí Nhà Kinh tế. Do đó, hội nghị là cơ hội tốt để chúng ta truyền tải đến cộng đồng doanh nghiệp quốc tế thông điệp về quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta về đổi mới toàn diện đất nước, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong giai đoạn phát triển từ nay đến năm 2020; thông điệp về các chính sách và nỗ lực của Chính phủ về xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, khơi dậy đổi mới, sáng tạo như đã được thể hiện trong các nghị quyết của Chính phủ từ đầu năm 2016 đến nay về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bên cạnh đó, hội nghị cũng là dịp để quảng bá hình ảnh đất nước, con người, tiềm năng, triển vọng phát triển và môi trường đầu tư của Việt Nam đến cộng đồng doanh nghiệp quốc tế, nhất là khi Việt Nam đang hội nhập quốc tế sâu rộng, là điểm giao thoa của nhiều liên kết kinh tế khu vực như Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Hiệp định TPP và Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với EU, Liên minh Kinh tế Á-Âu… Dự kiến đến năm 2020, khi toàn bộ 16 FTA nước ta tham gia đi vào thực thi, Việt Nam sẽ nằm trong mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn với 59 đối tác, trong đó 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, 15/20 nước thuộc nhóm G20 và nhiều nền kinh tế mới nổi khác. Đây là một lợi thế rất lớn của Việt Nam mà các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang rất quan tâm và kỳ vọng nhằm tranh thủ tối đa lợi ích của liên kinh tế này mang lại.

Hội nghị cũng là diễn đàn cho các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp Việt Nam tiếp xúc, gặp gỡ và trao đổi với các doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế để quảng bá tiềm năng, lợi thế trong những lĩnh vực quan tâm, tìm kiếm và mở rộng thị trường, mạng lưới đối tác nhằm thúc đẩy xuất khẩu, du lịch, thu hút đầu tư và công nghệ.

Để đạt được mục đích như Thứ trưởng vừa nêu, xin Thứ trưởng cho biết những nội dung trọng tâm và đáng chú ý nhất tại Hội nghị Kinh tế đối ngoại năm 2016?

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Chúng ta đã phối hợp chặt chẽ với Tạp chí The Economist xây dựng chương trình nghị sự của hội nghị năm nay phản ánh các nhu cầu, lợi ích của Việt Nam cũng như quan tâm, kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đối với sự phát triển của Việt Nam trong bối cảnh mới.

Theo đó, hội nghị tập trung thảo luận các nội dung trọng tâm như: Định vị Việt Nam trong kinh tế toàn cầu, nhất là khi Việt Nam đang tham gia nhiều thỏa thuận liên kết kinh tế quan trọng; định hướng hội nhập quốc tế của Việt Nam trong bối cảnh mới của thế giới và khu vực; tiềm năng, cơ hội và triển vọng phát triển lĩnh vực chế tạo, định hướng triển khai chiến lược công nghiệp hóa trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra trên thế giới; chiến lược, chính sách phát triển khoa học-công nghệ nhằm khơi dậy tiềm năng đổi mới, sáng tạo ở Việt Nam; chiến lược, chính sách phát huy tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam để đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp theo hướng bền vững, hiện đại.

Điểm đáng lưu ý là hội nghị vinh dự được đón Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chào mừng; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu khai mạc, cùng nhiều lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương Việt Nam tham gia đối thoại với các doanh nghiệp tại các phiên thảo luận. Mặc dù thời gian này đang diễn ra kỳ họp Quốc hội, song việc các đồng chí lãnh đạo Chính phủ vẫn dành thời gian để vào TPHCM dự và phát biểu tại hội nghị đã thể hiện rõ thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ là coi trọng đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, mong muốn truyền thông điệp về kinh tế Việt Nam đến các doanh nghiệp quốc tế.

Cùng dịp với hội nghị, chúng ta đã tổ chức triển lãm thành tựu kinh tế đối ngoại trong 30 năm đổi mới để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp quốc tế hiểu đầy đủ và sâu sắc hơn về các thành tựu phát triển của Việt Nam, từ đó góp phần củng cố lòng tin để các nhà đầu tư tăng cường đầu tư vào nước ta.

Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới, xin Thứ trưởng cho biết những định hướng chủ yếu sắp tới của công tác ngoại giao phục vụ phát triển?

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng hơn trên nhiều lĩnh vực đang đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ và phương cách mới cho ngành ngoại giao nói chung, công tác ngoại giao phục vụ phát triển nói riêng. Đó là, phải có cách tiếp cận đa diện, đa tầng nhằm đáp ứng tốt hơn yê cầu phát triển của đất nước; cân bằng giữa những dòng chảy chiến lược của các nước lớn và các xu thế chủ đạo của khu vực và thế giới; qua đó tận dụng và xác lập được vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị kinh tế khu vực và toàn cầu, cũng như tạo vị thế vững chắc về đối ngoại để giữ vững hòa bình, ổn định nhằm phục vụ phát triển, đồng thời nâng cao hơn nữa vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đối với ngành ngoại giao nhân dịp tham dự Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29, trong thời gian tới, ngành ngoại giao sẽ phối hợp với cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác ngoại giao phục vụ phát triển với nhiều đổi mới về nội dung, phương pháp và cách tiếp cận.

Thứ nhất, góp phần thúc đẩy tìm các động lực mới cho kinh tế phát triển nhanh và bền vững thông qua vận động thu hút và khai thác hiệu quả các nguồn lực bên ngoài, nhất là các dòng vốn nước ngoài có chất lượng cao, gắn với chuyển giao công nghệ hiện đại; tích cực tranh thủ các cơ chế, sáng kiến liên kết kinh tế khu vực; tranh thủ hỗ trợ quốc tế về ứng phó biển đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, an ninh nguồn nước. Chính việc tổ chức các hội nghị kinh tế đối ngoại là một minh chứng cho nỗ lực của ngành ngoại giao nhằm kiến tạo môi trường, cơ hội để quảng bá kinh tế Việt Nam đến các tập đoàn hàng đầu thế giới nhằm thu hút hơn nữa các dòng đầu tư có chất lượng cao cho đất nước.

Thứ hai, triển khai hiệu quả các thỏa thuận kinh tế, thương mại, nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định TPP, các FTA với EU, Liên minh Kinh tế Á-Âu… theo hướng khai thác tối đa cơ hội, lợi ích, đồng thời chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong nước giảm thiểu các tác động không thuận. Tiếp tục vận động mạnh các đối tác quan trọng sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.

Thứ ba, chủ động tham gia và đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong việc xây dựng thể chế các định chế quốc tế và khu vực, nhằm tạo ra thế và lực cho đất nước. Tiêu biểu là các diễn đàn quốc tế quan trọng như Liên Hợp Quốc, World Bank, IMF, ASEAN, RCEP, ASEM, APEC… Đặc biệt, Việt Nam cần đóng một vai trò tích cực hơn trong xây dựng thể chế trong ASEAN, nhằm hướng tới một cộng đồng ASEAN vững mạnh, đoàn kết, thống nhất trong đa dạng.

Để đạt được những mục tiêu nói trên, bên cạnh nỗ lực của ngành ngoại giao, cần có sự đồng hành và phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong chiến lược tổng thể về hội nhập quốc tế với phương châm  “tham mưu, triển khai, đồng hành và liên kết sâu rộng”.

Chúng tôi tin rằng với sự chỉ đạo sát sao, thống nhất của Chính phủ, cùng sự đổi mới về nội dung, phương cách và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trong nước, công tác ngoại giao phục vụ phát triển thời gian tới sẽ có nhiều đóng góp tích cực, thực chất và hiệu quả hơn vào sự nghiệp phát triển đất nước./.

Theo Báo điện tử Chính phủ