Thứ Hai, 07/11/2016 9:49:44 (GMT+7)

Nhìn lại 10 năm thực thi Luật Cạnh tranh

Trong hơn 10 năm thực thi các quy định về chống các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, Cục Quản lý cạnh tranh đã xử lý nhiều vụ việc, bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, Luật Cạnh tranh còn nhiều lỗ hổng cần được sửa đổi.

Nhìn lại 10 năm thực thi Luật Cạnh tranh

Còn nhiều bất cập

Thống kê trong Hội thảo “Đánh giá tình hình thực thi Luật Cạnh tranh Việt Nam và định hướng hoàn thiện” cho thấy, trong hơn 10 năm thực thi các quy định về chống các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, tính đến hết năm 2015, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã tiếp nhận hơn 300 khiếu nại, tiến hành điều tra tổng số 158 vụ và ra quyết định xử phạt 150 vụ. Các vụ việc cạnh tranh không lành mạnh thường diễn ra dưới nhiều hình thức, theo nhiều dạng hành vi vi phạm khác nhau, trong đó chủ yếu là các hành vi quảng cáo hoặc bán hàng đa cấp bất chính.

Nhóm vụ việc liên quan đến hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng số các vụ việc được điều tra, xử lý (chiếm tới 62%), tiếp theo là các vụ việc liên quan tới hành vi bán hàng đa cấp bất chính (chiếm 17%).

Số vụ việc liên quan tới các dạng hành vi khác như chỉ dẫn gây nhầm lẫn, gây rối hoạt động của doanh nghiệp khác, dèm pha doanh nghiệp khác, xâm phạm bí mật kinh doanh… chiếm tỷ trọng thấp, chủ yếu là do việc phát hiện ra hành vi vi phạm còn phụ thuộc nhiều vào phản ánh từ phía các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ông Phùng Văn Thành, Phó Trưởng phòng Điều tra vụ việc hạn chế cạnh tranh, Cục Quản lý cạnh tranh nhìn nhận trong quá trình thực thi Luật Cạnh tranh còn nhiều bất cập, vướng mắc.

Trong đó, về năng lực cơ quan thực thi vẫn còn hạn chế về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất. Đối với cộng đồng xã hội và các cơ quan liên quan vẫn còn tâm lí ngại khiếu nại va chạm, thiếu tinh thần hợp tác, cung cấp thông tin, chứng cứ.

Còn theo nhìn nhận của PGS.TS. Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp của Bộ Công Thương, nhiệm vụ của hệ thống luật pháp về cạnh tranh là phải đặt toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp trong môi trường cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt đối xử và phát huy tối đa quan hệ thị trường để có được sự chọn lọc tự nhiên, đào thải các doanh nghiệp yếu kém.

Bên cạnh đó, về việc hội nhập quốc tế, PGS.TS. Phạm Tất Thắng cũng cho biết, theo thống kê năm 1995 trên thế giới chỉ có 400 quy định về hàng rào kĩ thuật thương mại (TBT), năm 2011 số lượng TBT đã tăng lên 1.500 và năm 2013 theo thông báo chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) số lượng TBT trên thế giới đã tăng vọt lên 17.400 quy định và con số này chưa dừng lại. Điều này chứng tỏ, doanh nghiệp Việt Nam đang va chạm với một hệ thống rào cản phi thuế quan ngày càng dày đặc. Do đó, cần phải có một hệ thống luật pháp và các chính sách khích lệ thương nhân, đặc biệt phải coi kinh tế tư nhân là động lực phát triển, là trụ cột của nền kinh tế.

Mong muốn năm 2018 sẽ hoàn thiện Luật Cạnh tranh

Tại hội thảo, không ít ý kiến cho rằng việc tiếp nhận và xử lý vụ việc liên quan đến cạnh tranh khá phức tạp, do hiện có đến hai cơ quan cùng có chức năng thực thi Luật Cạnh tranh.

Theo đó, Cục Quản lý cạnh tranh có chức năng hoạt động điều tra và xử lý một phần vụ việc vi phạm luật cạnh tranh.

Còn Hội đồng cạnh tranh có chức năng xử lý các vụ việc vi phạm Luật Cạnh tranh sau khi bị cơ quan quản lý cạnh tranh điều tra. Điều này dẫn đến sự đùn đẩy hoặc chồng chéo trong trách nhiệm.

Do đó, để Luật Cạnh tranh có thể đi sâu vào cuộc sống và doanh nghiệp có thể vận dụng dễ dàng, cần thiết giao về một đơn vị nhất quán, độc lập, có uy tín. Đơn vị này có chức năng tham gia hòa giải hoặc tham vấn cho doanh nghiệp có vướng mắc về Luật Cạnh tranh.

Trường hợp doanh nghiệp không đạt được thỏa thuận thì cần có sự can thiệp của cơ quan chức năng hoặc xử lý thông qua tòa án kinh tế.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh cũng chia sẻ, hiện các thành viên trong Hội đồng Quản lý cạnh tranh chỉ kiêm nhiệm, không chuyên sâu nên việc xử lý các vụ việc chưa đạt hiệu quả cao. Cụ thể, năm 2016, Cục Quản lý cạnh tranh đã chuyển sang Hội đồng 10 vụ việc nhưng đến nay mới xử lý được 2 vụ.

Ông Phùng Văn Thành cho rằng Luật Cạnh tranh bảo vệ hoạt động cạnh tranh lành mạnh của các doanh nghiệp và thông qua đó tăng cường phúc lợi xã hội, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh bày tỏ hy vọng giữa năm 2018, Việt Nam sẽ xây dựng hoàn thiện được Luật Cạnh tranh tương đối hoàn chỉnh theo hướng tiệm cận với quy định pháp luật quốc tế nói chung và phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Theo Phan Trang - Báo điện tử Chính phủ