Chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng của năm 2016 tăng nhẹ
Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 10/2016 ước tính tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2016, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước nhưng thấp hơn nhiều mức tăng 9,8% của cùng kỳ năm 2015.
Nguyên nhân chủ yếu do ngành khai khoáng tiếp tục giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, trong các ngành công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,7%; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 11,8%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,1%; riêng ngành khai khoáng giảm 5,5%.
Trong các ngành công nghiệp, một số ngành có chỉ số sản xuất 10 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước như sản xuất kim loại, dệt, sản xuất động cơ, sản phẩm điện tử, máy tính và quang học tăng từ 14-16,7%.
Tuy nhiên, một số ngành có mức tăng thấp hoặc giảm như sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng; sản xuất thiết bị điện; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; khai khoáng khác tăng từ 2,4-8,2%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 7,5%…
Cũng trong 10 tháng năm nay, một số sản phẩm công nghiệp tăng cao so với cùng kỳ năm trước như tivi tăng 79,2%; thép cán tăng 25,7%; ôtô tăng 19,7%; thức ăn gia súc tăng 19,7%… Ngược lại một số sản phẩm tăng thấp hoặc giảm gồm giày, dép da tăng 1,3%; than đá tăng 0,4%; phân urê giảm 5,6%…
Các địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao so với cùng kỳ năm trước là Quảng Nam, Thái Nguyên có mức tăng lần lượt 29,2% và 26,6%. Các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ có mức tăng dưới 20%. Hai thành phố lớn Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội tăng lần lượt 8,1% và 6,8%…
Về chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tại thời điểm 1/10 có mức tăng 8,9% so với cùng thời điểm năm trước. Nhưng so với chỉ số tồn kho của năm 2015 so với cùng thời điểm năm trước, chỉ số tồn kho thời điểm này đã giảm (cùng thời điểm năm 2015 tăng 9,8%).
Đáng chú ý, một số ngành có chỉ số tồn kho giảm như sản xuất thiết bị điện giảm 7,9%, sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 8,9%, sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn giảm 12,7%, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 24,9%.
Tuy nhiên, một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao hơn nhiều so với mức tăng chung như sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 55,4%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 45%; sản xuất xe có động cơ tăng 42,6%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 24,2%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 23,1%./.
Các tin khác:
- Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2023-2024
- Thủ tướng: Việt Nam là địa điểm tin cậy để đầu tư, thúc đẩy chuyển đổi xanh
- Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ phải mở và vận dụng linh hoạt